Việt Nam dự WEF Davos nhằm thực hiện nhiều mục tiêu chiến lược quan trọng
WEF là cơ hội để Việt Nam thiết lập và củng cố quan hệ đối tác quan trọng…. thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân, đặc biệt trong công nghệ, năng lượng xanh và phát triển bền vững.
Nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam chuẩn bị tham dự Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF 54) ở thị trấn Davos, phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, về nội dung và ý nghĩa của sự kiện, cũng như những cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Theo Đại sứ Mai Phan Dũng, WEF là diễn đàn đặc biệt vì có sự tham gia rộng rãi, đa nhất của các chủ thể hàng đầu của nền kinh tế thế giới là các nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế, hoạch định chính sách, các lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và học giả hàng đầu thế giới.
Hơn thế nữa, mục tiêu và tầm nhìn của WEF vượt qua vấn đề kinh tế đơn thuần mà bao trùm lên cả các vấn đề phát triển của các quốc gia.
Các cuộc thảo luận, trao đổi tại WEF không chỉ giúp củng cố, thiết lập quan hệ đối tác kinh tế mà còn đem lại các đột phá chính sách trên nhiều lĩnh vực quan trọng, từ năng lượng, phòng chống dịch bệnh, môi trường, cho đến Biến đổi Khí hậu…
Đại sứ Mai Phan Dũng cho biết với chủ đề "Hợp tác cho Kỷ nguyên Thông minh" (Collaboration for the Intelligent Age), WEF mong muốn tìm ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế, hàn gắn sự phân mảnh về kinh tế, phân cực về chính trị, chia rẽ về hệ giá trị, đồng thời tận dụng cơ hội chưa từng có mà các công nghệ tiên tiến như Trí tuệ Nhân tạo (AI), máy tính lượng tử và công nghệ sinh học tạo ra cho tăng trưởng và phát triển.
Hội nghị sẽ tập trung vào 5 ưu tiên, giải pháp theo các chủ đề riêng biệt nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với chủ đề chính, bao gồm: tái định hình tăng trưởng, các ngành công nghiệp trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, đầu tư vào con người, bảo vệ Trái Đất, và xây dựng lại niềm tin.
Bên cạnh đó, chương trình của WEF Davos 2025 cũng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề trước mắt và định hình các chiến lược dài hạn, thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu và xây dựng tương lai bền vững, thông minh và bao trùm.
Đại sứ Mai Phan Dũng nhận định việc lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tham dự WEF Davos nhằm thực hiện nhiều mục tiêu chiến lược quan trọng.
Thứ nhất, hội nghị là cơ hội để Việt Nam thiết lập và củng cố các mối quan hệ đối tác quan trọng…. thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, năng lượng xanh và phát triển bền vững.
Thứ hai, WEF Davos là diễn đàn quan trọng để Việt Nam giới thiệu các chính sách thu hút đầu tư, cơ hội kinh doanh và tiềm năng phát triển trong các lĩnh vực trọng điểm, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho du lịch và thương mại quốc tế.
Thứ ba, tham dự WEF Davos giúp Việt Nam có cơ hội học hỏi kinh nghiệm quốc tế về kinh tế và phát triển bền vững để áp dụng vào chính sách phát triển trong nước, chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các thách thức như Biến đổi Khí hậu, chuyển đổi năng lượng, an ninh lương thực và bất ổn kinh tế toàn cầu.
Thứ tư, hội nghị là cơ hội để Việt Nam tham gia các sáng kiến toàn cầu về phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng và kinh tế số, đồng thời thể hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Việt Nam có thể chia sẻ tầm nhìn về phát triển, đóng góp quan điểm và kinh nghiệm của mình trong các lĩnh vực như phát triển nông nghiệp bền vững, xoá đói giảm nghèo, y tế, giáo dục và phát triển con người.
Thứ năm, sự tham dự của Việt Nam tại hội nghị giúp nâng cao vị thế và uy tín quốc gia, thể hiện cam kết mạnh mẽ của ta trong việc đóng góp vào các sáng kiến và giải pháp toàn cầu, khẳng định là một đối tác đáng tin cậy, tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế."
Cũng theo Đại sứ Mai Phan Dũng, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Davos 2025 nằm trong tổng thể chung về đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Việt Nam, với chủ trương nhất quán là tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành một thành viên có trách nhiệm, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của thế giới.
Từ nhiều năm nay, WEF đều mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên của WEF. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự WEF Davos, thể hiện việc Việt Nam đánh giá cao và coi WEF như một đối tác toàn cầu, đồng thời là minh chứng rõ ràng cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định chủ trương của Việt Nam trong hợp tác quốc tế được định hướng dựa trên đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Trên cơ sở đường lối này, nhận thức đầy đủ vai trò của hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương, Việt Nam cho đến nay đã tích cực hội nhập toàn diện vào các mặt của đời sống quốc tế, từ an ninh, chính trị đến văn hóa, kinh tế, xã hội… Việt Nam tích cực tham gia vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế và khu vực, trong đó có hơn 70 tổ chức quốc tế, là thành viên của các tổ chức đa phương toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam còn là đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Có thể nói, thông qua hội nhập quốc tế, Việt Nam đã được tiếp cận với nguồn vốn, tri thức và công nghệ quý báu, qua đó hỗ trợ đất nước trong nỗ lực tái thiết và phát triển toàn diện sau nhiều thập kỷ chiến tranh.
Từ một nước nghèo, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hoàn thành về đích sớm nhiều mục tiêu thiên niên kỷ.
Việc Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế không chỉ thúc đẩy lợi ích quốc gia mà còn thúc đẩy trách nhiệm kép, góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia.
Từ việc liên tục tham gia các diễn đàn quan trọng, Việt Nam dần khẳng định vai trò là một quốc gia tích cực, sẵn sàng đóng góp vào các sáng kiến toàn cầu. Giờ đây, không chỉ dừng lại ở việc học hỏi từ quốc tế, mà Việt Nam còn chia sẻ kinh nghiệm của mình trong phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, và thích ứng với Biến đổi Khí hậu, thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế của Việt Nam trong gần nửa thế kỷ qua là một câu chuyện thành công có sức hấp dẫn. Việc tham gia, hợp tác tại các diễn đàn lớn cũng giúp Việt Nam quảng bá hình ảnh một đất nước ổn định, năng động, sẵn sàng hợp tác với quốc tế, góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.