Dự báo kinh tế Việt Nam 2025: Nhiều chỉ dấu tích cực
Tại Hội thảo "Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội", nhiều ý kiến cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều điểm sáng, GDP dự báo cao hơn năm 2024 và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
Theo ông Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ vượt mục tiêu từ 66,5% và con số đó có thể sẽ là đạt 7,06%. Đây là cơ sở để GDP năm 2025 sẽ còn khả quan hơn.
Cơ hội đi cùng thách thức
Cụ thể, cả 3 khu vực kinh tế tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt. Khi các luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đấu thầu đủ độ ngấm sẽ có tác động rõ rệt tới tăng trưởng GDP của năm 2025.
Trong khi đó, ông Hoàng Xuân Trung (Ngân hàng Citi Việt Nam) cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới và giúp thu nhập bình quân đầu người tăng và bộ phận dân số trẻ thường có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn sẽ kích thích tiêu dùng nội địa. Các biện pháp cải cách mạnh mẽ như sáp nhập, tinh giản bộ máy sẽ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao khả năng ứng phó của nền kinh tế trước những biến động bất ngờ.
TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, năm 2024 biến động thế giới đã là một năm đầy thách thức đối với Việt Nam. Với độ mở lớn, kinh tế Việt Nam không nằm ngoài vòng tác động. Dẫu vậy, kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng cho thấy sức mạnh nội tại đã được củng cố, đủ sức chống chọi trước những rủi ro và rào cản đến từ bên ngoài. Điều đó không chỉ thấy ở chỉ số tăng trưởng GDP mà còn ở việc kiểm soát tốt lạm phát.
Năm 2025, trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều thách thức, câu hỏi được giới chuyên gia và nhà đấu tư đặt ra là: Đâu sẽ là lựa chọn tốt của năm 2025?
Theo ông Hiếu, về tỷ giá, chỉ số USD tăng mạnh trong thời gian qua, kéo theo tỷ giá đồng Việt Nam tăng từ 24.265 đồng/USD đầu năm 2024 lên 25.318 đồng/USD vào cuối năm, tương đương mức tăng 4,34%. Sang năm 2025, VND có thể sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng. Ngoại thương của Việt Nam với Mỹ với việc thanh toán bằng USD cũng sẽ là một trở ngại. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng cơ hội cho kinh tế Việt Nam trong năm 2025 vẫn rất lớn khi đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn.
Còn theo bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng (NielsenIQ Việt Nam), kết quả khảo sát của doanh nghiệp cho thấy có 67% người dân Việt Nam tin tưởng tình hình tài chính tốt lên, cao hơn đáng kể so với 50% của kết quả khảo sát năm trước.
Tại Diễn đàn "Động lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới", TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia nói: Năm 2025, nhiều dự báo của các định chế tài chính quốc tế cho rằng mức tăng trưởng của Việt Nam khoảng 6,5%. Tuy nhiên, nhiều chỉ dấu cho thấy tăng trưởng sẽ khoảng 6,6-6,8% hoặc có thể đạt mức cao hơn là 7-7,5%.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng Việt Nam đang chuyển dịch theo hướng rất tích cực trong quan hệ hội nhập quốc tế. Tuy nhiên nguồn nhân lực vẫn là điểm cần cải thiện. Còn TS Trần Du Lịch cho biết, hiện nay, Việt Nam chiếm 1,3% thị phần nhập khẩu toàn cầu, thuộc nhóm 25 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 400 tỉ USD, tương đương 80% GDP. Tuy nhiên, đóng góp thực sự của xuất khẩu vào GDP để tạo ra giá trị gia tăng mới chỉ đạt 25%, trong khi 75% còn lại phụ thuộc vào thị trường nội địa.
Năm 2025, Việt Nam đứng hàng thứ mấy kinh tế toàn cầu?
Dự báo của Ngân hàng UOB (Singapore), tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 6,6% trong năm 2025. Trong cả năm 2024, UOB dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 18%, đây sẽ là năm tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2021. Còn Ngân hàng Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% vào năm 2025. Trong nửa đầu năm 2025, dự báo mức tăng trưởng sẽ là 7,5%. Ngân hàng này cũng dự báo tỷ giá quy đổi USD/VND vào quý 2/2025 ở mức 25,450 VND/USD.
Trong khi đó, theo dự báo từ các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD trong năm 2025. Với con số dự báo 506 tỷ USD, vào TOP 15 nền kinh tế lớn nhất Châu Á và đứng thứ 33 toàn cầu, theo IMF, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài. Con số này tăng so với GDP 433 tỷ USD và vị trí 34 của năm 2023. Năm 2020, GDP của Việt Nam đạt 346 tỷ USD, đứng thứ 37 trên thế giới. Vẫn theo IMF, dự kiến nền kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể tăng trưởng ở mức 7%, thuộc số ít các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới - vị trí được duy trì hơn 100 năm qua - với GDP năm 2025 dự báo đạt 30,3 nghìn tỷ USD. Theo sau là Trung Quốc với GDP 19,5 nghìn tỷ USD. Đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm thứ 15 liên tiếp. Hai nước này chiếm khoảng 40% tổng GDP toàn cầu.
Giá vàng có bớt “nhảy múa” và căn hộ chung cư có giảm giá?
Tuy nhiên, dù lạc quan, giới chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng năm 2025, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phải vượt khó. Trong đó có sự biến động của thị trường vàng cùng với giá căn hộ chung cư.
Kể từ đầu năm 2024, giá vàng trong nước liên tục tăng - giảm và lập những đỉnh cao mới. Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng vẫn không thật nhiều hiệu quả.
Nếu như trong năm 2023, giá vàng SJC đạt mốc cao nhất 77 triệu đồng/lượng hồi cuối tháng 11/2023 thì đến nay có thời điểm đạt mốc 90 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh từ mức khoảng 62 triệu đồng hồi đầu năm 2024, lên quanh mức 88 triệu đồng hiện nay.
Mặc dù giá vàng “đỉnh nóc, kịch trần” thì diễn biến mua bán vàng trong nước vẫn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Đáng chú ý khi mà chênh lệch giá mua vào - bán ra vẫn rất lớn, trên dưới 4 triệu đồng/lượng, mặc dù đã thu hẹp đáng kể chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới, từ mức gần 20 triệu đồng/lượng xuống còn 3-4 triệu đồng/lượng.
Năm 2025, giới chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, những vướng mắc trên thị trường vàng tuy vẫn còn đó, nhưng rất nhiều khả năng giá vàng sẽ không còn “nhảy múa” khi cơ quan quản lý điều chỉnh linh hoạt các chính sách quản lý thị trường, tăng cường giám sát và kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng đầu cơ.
Về vấn đề này, theo ông Trần Hoàng Ngân (đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM), giải pháp căn cơ là nên thành lập sàn giao dịch hàng hoá, với sàn giao dịch vàng liên thông với thị trường thế giới, từ đó giải quyết được bài toán về giá vàng và cung cầu vàng trong nước. Còn nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế quốc dân thì đề nghị bãi bỏ tình trạng độc quyền nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng, đảm bảo liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó là quản lý chặt chẽ buôn lậu vàng nhằm hạn chế tình trạng giá vàng tăng bất hợp lý do cầu tăng ảo.
Theo chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh, năm 2025 vàng khó tiếp tục duy trì tốc độ tăng. Ông Khánh lưu ý, trong lịch sử, chu kỳ 10 năm của vàng thì phần lớn thời gian là đi ngang, chỉ 1 - 2 năm giá tăng mạnh, 1 - 2 năm giá sụt giảm. Tính đến thời điểm này, vàng đã có giai đoạn tăng giá khá dài và khá hiếm trong lịch sử nên rất khó có thể tăng mạnh trong năm 2025.
Về bất động sản (BĐS) nói chung và căn hộ chung cư nói riêng, ông Đinh Minh Tuấn - chuyên gia (BĐS) đưa ra con số: Trong tháng 11/2024, giá bán chung cư Hà Nội đạt 61 triệu đồng/m2. Dự báo trong năm 2025, chung cư Hà Nội sẽ “biến mất” phân khúc sơ cấp với mức giá 50 triệu đồng/m2.
Chia sẻ tại hội thảo "Thị trường căn hộ Hà Nội, đâu là lựa chọn sống và đầu tư bền vững?", ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng thị trường BĐS Hà Nội đã và đang ghi nhận tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là phân khúc căn hộ bình dân hoàn toàn "vắng bóng" trên thị trường, trong khi căn hộ trung cấp ngày càng khan hiếm. Các dự án căn hộ mới ra mắt đều có mức giá khởi điểm từ 60 triệu đồng/m2 trở lên.
Cùng với đó, mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục "neo" cao và được dự báo khó giảm sâu, đã tạo động lực thúc đẩy quyết định mua nhà sớm của người dân, đặc biệt là trong bối cảnh lo ngại giá sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Tính đến thời điểm quý 4/2024, chỉ số giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng 64% so với quý 2/2019. Giá bán trung bình sơ cấp tiệm cận mức 60 triệu đồng/m2. Giá căn hộ thứ cấp tiếp tục giữ mức giá chào bán ở ngưỡng cao dù thanh khoản đã dần đi ngang sau thời gian tăng trưởng "nóng".
Trong một báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường Onehousing thì Hà Nội không có căn hộ phân khúc bình dân (dưới 30 triệu đồng/m2) nào được mở bán trong 8 quý liên tiếp. Phân khúc chung cư cao cấp (trên 50-80 triệu đồng m2) chiếm tới 61% nguồn cung mới. Thị trường sơ cấp ở Hà Nội vắng bóng căn hộ dưới 50 triệu đồng/m2.
Đại diện OneHousing cho rằng căn hộ mới dưới 50 triệu đồng/m2 “biến mất” bởi nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là dự án mới không có nhiều, tổng nguồn cung năm 2024 ở Hà Nội khoảng 22.000 căn hộ, trong khi theo Chi cục Dân số Hà Nội, mỗi năm Thủ đô có thêm 160.000 người, kéo theo nhu cầu nhà ở rất lớn.
Như vậy, theo giới kinh doanh BĐS, năm 2025, giá đất cũng như căn hộ chung cư tại Hà Nội vẫn nóng, nếu so với thị trường TPHCM. Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) thị trường sẽ không sớm “lấp đầy” tình trạng thiếu hụt nhà ở vừa túi tiền, trong khi đó mới chính là nhu cầu chính của thị trường.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Mục tiêu tăng trưởng GDP 2025 hoàn toàn khả thi
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu khoảng 7 - 7,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - chuyên gia kinh tế, mục tiêu đó là khá thận trọng. “Hiện nay các động lực truyền thống như đầu tư công, đầu tư tư nhân và xuất nhập khẩu đang được thúc đẩy mạnh. Các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, và phát triển du lịch cũng đang trở thành những động lực quan trọng. Việc phân cấp, giảm thủ tục hành chính, và tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tiềm năng riêng sẽ giúp huy động thêm nguồn lực và sáng tạo địa phương. Từ đó có thể thấy, Việt Nam đang có nhiều động lực tăng trưởng mới, kết hợp với việc cải thiện môi trường kinh doanh, sẽ tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. “Kịch bản tích cực, tôi dự báo năm 2025 GDP Việt Nam có thể tăng trưởng tới 7,5-8%” - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.
PGS.TS Ngô Trí Long: Bộ máy gọn nhẹ là điều kiện tốt cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư
Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 được đánh giá tích cực, nhờ vào các yếu tố nội tại mạnh mẽ và sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, ông Long cho rằng, các giải pháp đột phá như cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ tài khóa cho doanh nghiệp và người dân cần được triển khai quyết liệt hơn nữa. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính là việc cải cách bộ máy nhà nước. Những chính sách chống lãng phí và tinh gọn bộ máy sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn nước ngoài và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Một bộ máy vận hành gọn nhẹ sẽ giảm bớt gánh nặng hành chính, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư.