Giáo dục

Khi giáo viên được thưởng Tết

M.Q. 20/01/2025 10:53

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần. Việc giáo viên nhiều nơi lần đầu được nhận thưởng Tết theo Nghị định 73 của Chính phủ đã trở thành câu chuyện thời sự những ngày vừa qua. Đây được coi là bước khởi đầu quan trọng trong việc cải thiện chế độ đãi ngộ dành cho nhà giáo.

Thông tin về thưởng Tết theo Nghị định 73 khiến các thầy cô vui mừng, phấn khởi vì có thêm tiền trang trải dịp Tết, tạo động lực để tiếp tục phấn đấu trong năm học tới. Theo Nghị định 73 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, chế độ tiền thưởng thực hiện trên cơ sở thành tích công tác đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của từng người hưởng lương trong cơ quan, đơn vị.

Theo ghi nhận, đến nay, các trường học trên toàn quốc đã chi trả xong tiền thưởng theo Nghị định 73. Nhiều địa phương đã nhanh chóng triển khai, trung bình mỗi giáo viên được thưởng Tết từ 4 - 7 triệu đồng. Tuy nhiên ở nhiều nơi, giáo viên có nguy cơ mất thưởng Tết 2025 theo Nghị định 73 vì trường tự chủ tài chính. Tình huống “người có, người không” đã tạo ra tâm tư buồn tủi cho giáo viên hợp đồng, nhất là khi họ vẫn tham gia công tác giảng dạy, gánh vác trách nhiệm với học sinh chẳng khác gì giáo viên biên chế.

Ngay tại Hà Nội, những năm trước đây, giáo viên các trường công lập không có thưởng Tết hay lương tháng thứ 13 như nhiều ngành nghề khác. Khi Nghị định 73 được ban hành, các thầy cô ai cũng vui mừng, kỳ vọng năm nay là Tết đầu tiên được nhận thưởng. Dẫu thế, quy định về việc các trường tự chủ hoàn toàn và đơn vị đã đăng ký đặt hàng giá dịch vụ giáo dục sẽ không thuộc nhóm đối tượng được hưởng thu nhập tăng thêm đã khiến cho nhiều giáo viên rất hụt hẫng.

Trước đó, từ tháng 11/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các trường công lập trực thuộc Sở giai đoạn 2024 - 2025. Việc giao quyền tự chủ về bản chất không phải do nguồn thu của các trường tăng lên mà do thay đổi hình thức cấp phát từ giao dự toán sang hình thức đặt hàng. Ước tính, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 123 trường THPT thuộc quản lý của Sở GDĐT được giao quyền tự chủ tài chính. Ngoài ra, 30 quận, huyện mỗi nơi có khoảng 3 - 9 trường từ mầm non đến THCS được chọn thí điểm tự chủ. Như vậy, ít nhất khoảng 200 trường học và hàng nghìn giáo viên toàn thành phố bị ảnh hưởng. Trước thực tế này, Sở GDĐT Hà Nội đã có văn bản gửi lãnh đạo TP Hà Nội, đề xuất phương án xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho giáo viên không bị mất thưởng Tết.

Ở một số địa phương khác, đơn cử như tại Đắk Lắk, hiện nhiều thầy cô vẫn chưa nhận được thông tin tiền thưởng theo Nghị định 73. Một trong những lý do khiến việc này chậm trễ - theo đại diện Sở Nội vụ Đắk Lắc là do địa phương chậm triển khai Nghị định, dẫn đến các đơn vị lúng túng trong áp dụng thực hiện. Thậm chí ngành giáo dục cho hay, đơn vị được giao xây dựng quy chế thưởng theo Nghị định 73, nhưng kinh phí ở đâu để làm nguồn chi thưởng, thì không thấy nêu hoặc hướng dẫn cụ thể.

Số tiền không nhiều, nhưng lại không hề nhỏ với các giáo viên vùng sâu vùng xa, nhất là với các gia đình nhà giáo còn nhiều khó khăn. Được biết, các địa phương đang chạy đua với thời gian, chỉ đạo quyết liệt để kịp chi trả tiền thưởng Tết 2025 cho giáo viên. Có địa phương tạo mọi điều kiện hỗ trợ các giáo viên hợp đồng không thuộc diện được thưởng theo Nghị định 73…

Có thể thấy, việc triển khai một quy định mới, một chính sách nhân văn với nhà giáo vẫn còn ít nhiều lúng túng. Vấn đề đặt ra lúc này là cần sớm có sự điều chỉnh hợp lý hơn để các thầy cô hợp đồng cũng cảm nhận được sự động viên, công bằng. Theo đó, nên mở rộng đối tượng hưởng khoản thưởng theo Nghị định 73, để trước thềm năm mới, giáo viên hợp đồng cũng được nhận mức đãi ngộ đúng với công sức họ bỏ ra.

M.Q.