Hàng hoá dồi dào, sức mua dần tăng
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thị trường hàng hoá thiết yếu đang trở nên sôi động hơn.
Giá cả không biến động nhiều
Theo ghi nhận của phóng viên trong tuần cuối cùng của năm Âm lịch, lượng khách đến siêu thị, cũng như chợ truyền thống mua sắm khá đông và chủ yếu tập trung ở các gian hàng đồ tươi sống, bánh kẹo, hoa quả.
Sáng ngày 21/1, chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, chị Nguyễn Hà (chủ siêu thị mini ở ngõ 68, đường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) cho biết, thị trường hàng hóa đã sôi động từ 3 ngày qua. Hàng hóa phong phú nhưng giá cả không biến động, vẫn giữ ổn định.
Ghi nhận tại các chợ truyền thống trước ngày ông Công, ông Táo, sức mua cũng tăng dần.
Thông tin về nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Giám đốc siêu thị Go! Thăng Long Nguyễn Minh Tuấn cho biết, những ngày gần đây, sức mua của người dân đã tăng 20-30% so với thời điểm đầu tháng.
Để đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, siêu thị đã dự trữ lượng hàng hóa tăng 15% so với Tết Nguyên đán 2024, trong đó có đến 90% là hàng Việt Nam chất lượng cao. Bên cạnh việc dự trữ hàng hóa, siêu thị kết hợp với các doanh nghiệp cung ứng liên tục tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Ất Tỵ, ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 5-20% theo từng mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2024. Đặc biệt, 22 doanh nghiệp bán lẻ của TP Hà Nội cam kết không tăng giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong quá trình phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.
Bà Hà Thị Thu Trang, Trưởng phòng Marketing, Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce - chi nhánh Hà Nội dự báo, sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 sẽ tăng khoảng 20% so với ngày thường. Hệ thống siêu thị đã chủ động dự trữ hàng hóa từ sớm với lượng dự trữ tăng 10-20%, bảo đảm lượng hàng hóa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong suốt dịp Tết. Các siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc nói chung và chi nhánh ở TP Hà Nội nói riêng sẽ hoạt động tới 12h ngày 29 Tết và mở bán trở lại vào ngày mùng 4 Tết.
Đảm bảo chất lượng hàng hóa
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, dù trong năm 2024 lượng hàng hóa bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thời tiết khí hậu, song nhìn chung nguồn cung tại các địa phương tương đối ổn định, đủ sức phục vụ sức mua tăng cao 10 - 20% trong dịp Tết Ất Tỵ sắp tới. Cũng không thể tránh khỏi một số mặt hàng có giá cả tăng trong dịp Tết, nhất là các mặt hàng như thịt lợn thăn, thịt bò tươi, thủy hải sản cao cấp, rau và hoa quả đặc biệt trong dịp Tết... nhưng chỉ là xuất hiện không phổ biến, mang tính cá biệt về cả về thời gian và mặt hàng đối với xã hội, không làm ảnh hưởng chung đến không khí mua sắm Tết của đa số các gia đình trong dịp này.
Song ông Vũ Vinh Phú cũng đưa ra khuyến cáo, các Sở Công Thương, tỉnh thành phố cần có chỉ đạo thường xuyên với hệ thống phân phối để đảm bảo không bị thiếu hàng, “đứt” hàng, giá cả tăng quá cao làm ảnh hưởng đến túi tiền người tiêu dùng. Sự liên kết phối hợp giữa các địa phương, nắm thông tin kịp thời để điều động hàng hóa phục vụ cho nhân dân kịp thời, hiệu quả.
Theo các chuyên gia, ngoài việc cung ứng hàng hóa, một trong những yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng chính là kiểm soát chất lượng hàng hóa. Việc đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa là nhiệm vụ không thể thiếu, đặc biệt là đối với các mặt hàng thực phẩm.
Trong bối cảnh buôn lậu và gian lận thương mại gia tăng, các cơ quan chức năng như Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã triển khai các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng lưu ý các siêu thị, các nhà bán lẻ, nhà phân phối chủ động nguồn cung hàng hóa, tránh để xảy ra việc thiếu hàng cục bộ khi nhu cầu của người dân tăng mạnh.
Theo ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Đến thời điểm hiện tại, các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tương đối dồi dào sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Khả năng tự cung ứng của Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với một số sản phẩm như: Thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản nước ngọt (chủ yếu là cá); các nhóm hàng còn lại khả năng đáp ứng khoảng 20% - 60% nhu cầu. Lượng hàng thiếu còn lại và các sản phẩm vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trên địa bàn được khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.
Tổng số doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán là 22 đơn vị tham gia Chương trình, cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 10.600 điểm bán (giảm 3.935 điểm).
Đến nay, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 5%-20% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024; tại các điểm bán hàng, lượng hàng hoá đã được tăng cường 30-35% sẵn sàng phục vụ nhân dân (trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm khoảng 85-90%). Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP HCM cho biết: Công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 có sự tham gia của 69 đầu mối các chuỗi cung ứng, trong đó phần lớn là các DN quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao.
Các DN đầu mối tham gia chương trình Bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng cho mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết.
Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25-43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thuỷ hải sản.
Giá cả các mặt hàng bình ổn thị trường luôn duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng. Đồng thời, chương trình Bình ổn thị trường không điều chỉnh tăng giá trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết.
Sở Công Thương cũng triển khai một số giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa phục vụ Tết. Đồng thời, dự báo tình hình giá cả thị trường Tết Ất Tỵ 2025 trên địa bàn tương đối ổn định, kiên quyết không để xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá cục bộ.