Giáo dục

Ngành STEM: Thu hút người học từ bậc phổ thông

Dung Hòa 22/01/2025 08:11

Khoảng 10 năm trở lại đây, STEM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật và Toán) được coi là nhóm ngành vô cùng tiềm năng. Nhưng thực tế cho thấy quy mô và tỷ lệ sinh viên đại học (ĐH) theo học các lĩnh vực STEM ở Việt Nam thấp hơn so với một số nước trong khu vực và châu Âu, đặc biệt thấp ở các ngành Khoa học và Toán học.

tr12.jpg
Phòng thí nghiệm hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của sinh viên. Ảnh: Trường ĐH Thành Đông.

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), tính theo tỷ lệ dân số, số sinh viên ĐH theo học các lĩnh vực STEM của Việt Nam chỉ đạt khoảng 55 sinh viên/vạn dân. Số sinh viên theo học các lĩnh vực STEM tính trên tổng số sinh viên ĐH của Việt Nam trong những năm gần đây dao động từ 27 - 30% và năm 2021 đạt khoảng 28,7%. Trong khi dự thảo Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2035 và định hướng tới năm 2045 của Bộ GDĐT hướng đến tỷ lệ người theo học các ngành STEM (Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật, Mathematics - toán học) đến năm 2030 là 35% ở mỗi trình độ đào tạo.

Lý giải về tỷ lệ sinh viên học các ngành STEM trên toàn quốc còn thấp so với các nước trong khu vực, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất là nhận thức về tầm quan trọng của các ngành STEM vẫn còn hạn chế. Nhiều học sinh và phụ huynh chưa hiểu rõ về tầm quan trọng và cơ hội nghề nghiệp của các ngành STEM. Các ngành kỹ thuật thường được đánh giá là khó và công việc sau khi ra trường được cho là vất vả so với các ngành học khác, kèm với đó một số ngành nghề có mức lương chưa tương xứng, nên đó cũng là lý do số lượng học sinh theo học chưa cao.

Ghi nhận thực tế cho thấy, số sinh viên ĐH các ngành STEM tăng khá trong vài năm gần đây, nhưng còn thấp so với nhiều nước tiên tiến, nhất là ở các ngành khoa học cơ bản và ở các trình độ đào tạo sau ĐH. Mặc dù lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng khá cao so với các lĩnh vực khác ở quy mô đào tạo sau ĐH, nhưng tỷ lệ theo học sau ĐH ở lĩnh vực này lại đứng ở vị trí rất thấp trong các lĩnh vực STEM. Đáng chú ý là tỷ lệ nữ sinh theo học các ngành STEM còn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt ở các nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ mũi nhọn.

Theo số liệu tuyển sinh ĐH của Bộ GDĐT năm 2022, tỷ lệ sinh viên nữ nhập học chỉ chiếm chưa tới 20% sinh viên khối STEM, xấp xỉ 10,1% sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực Kỹ thuật và 14,7% sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin, trong khi tính chung toàn hệ thống thì nữ sinh chiếm tỷ lệ 53% số sinh viên nhập học tất cả các ngành.

Một thực trạng cần quan tâm đặc biệt, đó là trong một vài năm gần đây tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT chọn các môn tự nhiên ngày càng giảm. Nhiều học sinh THPT có xu hướng chọn học khoa học xã hội và nhân văn, ít quan tâm đến các ngành khoa học cơ bản, STEM - nhất là với học sinh trường THPT chuyên đang là một thách thức lớn với việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao. Đại diện Trường ĐH Công nghiệp TPHCM chia sẻ, những năm gần đây khi đi tư vấn tuyển sinh, mặc dù trường giới thiệu những ưu điểm khi học STEM để nhiều học sinh biết đến, song rất nhiều học sinh giỏi đã không lựa chọn học ngành khoa học cơ bản.

Trước thực tế số lượng học sinh theo đuổi các ngành STEM còn chưa nhiều, một số cơ sở giáo dục ĐH đã có những giải pháp thu hút người học ngành STEM ngay từ cấp học dưới. PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu cho biết, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã triển khai nhiều hoạt động chiến lược và sáng tạo nhằm không chỉ thu hút sinh viên mà còn thúc đẩy niềm đam mê khoa học công nghệ trong cộng đồng học sinh, giáo viên và phụ huynh. Đó là xây dựng các chương trình trải nghiệm STEM cho học sinh phổ thông, giúp các em tiếp cận sớm với khoa học công nghệ và định hình niềm đam mê ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; tạo cơ hội để học sinh thể hiện sự sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng giải quyết các vấn đề thực tế thông qua các cuộc thi STEM. Đồng thời, nhà trường tổ chức hội thảo, hỗ trợ giáo viên trong việc triển khai STEM tại trường THPT, tư vấn phát triển bài giảng, giúp đỡ tài chính để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của giáo viên thành sản phẩm STEM cụ thể. Ngoài ra, nhà trường cũng định hướng nghề nghiệp STEM cho học sinh nhờ các kênh hỗ trợ và tư vấn nghề nghiệp, tài trợ học bổng, hỗ trợ tài chính nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị và cơ hội của các ngành STEM.

PGS.TS Phạm Thành Long - Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) cho hay, nhà trường đã tuyên truyền và chuyển giao tri thức, tập huấn cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận để giáo viên và học sinh được tiếp xúc với giáo dục STEM. Đồng thời phối hợp với Sở GDĐT Thái Nguyên tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về giảng dạy và sáng tạo đồ dùng dạy học, chuyển giao phương tiện dạy học và hỗ trợ cho các trường nhiều mô hình câu lạc bộ STEM.

Dung Hòa