Du lịch

Du lịch nông nghiệp: Tìm cách bứt phá

Lê Bảo 23/01/2025 08:52

Phát triển du lịch nông nghiệp được xác định là một giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững đồng thời nâng giá trị nông sản cho mỗi địa phương.

Tuy nhiên, các hoạt động du lịch nông nghiệp hiện còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu…

6 (1)
Du khách nước ngoài trải nghiệm sản xuất nông nghiệp. Ảnh: M.H.

Mang lại sinh kế bền vững cho người dân

Để phát triển du lịch nông nghiệp, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chiến lược, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, như Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, đề ra nhiệm vụ là đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch sinh thái...

Từ cơ chế khuyến khích của Nhà nước, các địa phương đã bắt tay vào đầu tư, khai thác phát triển du lịch nông nghiệp. Một số chương trình du lịch nông nghiệp điển hình đã trở thành thương hiệu thu hút du khách như: chương trình du lịch mùa lúa chín ở làng cổ Ðường Lâm (Hà Nội); tham quan làng tranh dân gian Ðông Hồ (Bắc Ninh); nông trường Mộc Châu (Sơn La); làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai)…

Các hoạt động nói trên góp phần mang lại sinh kế bền vững hơn cho cộng đồng, giúp bảo tồn, phát huy những giá trị sinh thái, văn hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đánh giá hiệu quả từ du lịch nông nghiệp đem lại, Bộ NNPTNT cho rằng, du lịch đã đóng góp không nhỏ vào việc làm thay đổi “bộ mặt” của nhiều vùng nông thôn, đưa nhiều địa phương trở thành “vùng quê đáng sống”. Du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị.

Du lịch nông thôn cũng là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua chuyển đổi sinh kế, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, hỗ trợ duy trì được các nghề truyền thống, phát triển các sản vật địa phương có giá trị, tạo niềm tin gắn bó với quê hương và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Chưa khai thác hết lợi thế

Hiệu quả đem lại từ du lịch nông nghiệp rất lớn song có một thực tế là chúng ta vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng cũng như lợi thế mà thiên nhiên ban tặng. Theo các chuyên gia, du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện vẫn còn phát triển tự phát, manh mún, thiếu sự sáng tạo độc đáo nên chưa tạo được giá trị gia tăng và sự khác biệt cho sản phẩm. Không ít điểm đến khó kết nối với các bên liên quan, như: nhà đầu tư, chuyên gia du lịch, doanh nghiệp lữ hành... để hoàn thiện sản phẩm thu hút khách.

Trên thực tế ngành du lịch nông nghiệp hiện nay vẫn thiếu tính chuyên nghiệp. Các hoạt động thường diễn ra tự phát ở quy mô nhỏ và thiếu chiến lược tạo thương hiệu. Trong khi đó, sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch nông nghiệp còn hạn chế. Việc liên kết phát triển du lịch nông nghiệp giữa các địa phương trong tỉnh và giữa các địa phương trong cả nước chưa được triển khai hiệu quả…

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng, nền nông nghiệp của Việt Nam rất đa dạng, phong phú, mỗi vùng có đặc điểm sinh thái, sản vật khác nhau, đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp. Nhưng muốn làm du lịch nông nghiệp thì phải bắt đầu từ các sản phẩm nông nghiệp và chính những người nông dân phải có kiến thức về du lịch thì mới tạo được sự đa dạng, hiệu quả.

Theo PGS.TS Bùi Thị Nga (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), việc phát triển du lịch nông nghiệp giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, trải nghiệm, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch. Chính vì vậy, cần cải tiến và không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu của du khách để tăng mức chi của du khách đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp và các dịch vụ ngoài tour, dịch vụ bổ trợ.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch nông nghiệp. Thúc đẩy liên kết phát triển du lịch nông nghiệp giữa các địa phương trong tỉnh và giữa các địa phương trong cả nước; tạo điều kiện kết nối điểm với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo: Du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ trở thành phân khúc tăng trưởng mạnh thời gian tới; đến năm 2030, lượng khách tham gia vào loại hình này trên toàn cầu sẽ chiếm 10%, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD, tăng trưởng hằng năm 10-30%, trong khi các loại hình du lịch truyền thống chỉ tăng trưởng trung bình 4%/năm. Vì thế, nếu biết tận dụng lợi thế vốn có, du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chắc chắn sẽ trở thành "mỏ vàng" của nền kinh tế xanh quốc gia.

Lê Bảo