Để Tết nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn
Tết không chỉ nằm ở những nghi lễ, mà là dịp để gắn kết con người, gia đình, khơi dậy lòng nhân ái và lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Nếu chúng ta đặt trọng tâm vào tinh thần đó, Tết sẽ luôn mang ý nghĩa sâu sắc, bất kể hình thức tổ chức có thay đổi như thế nào...
Tết là thời điểm để mỗi người dừng lại sau một năm bận rộn, trở về bên gia đình để tận hưởng không khí đoàn viên. Chỉ có không khí Tết của gia đình mới xóa nhòa được mọi khoảng cách, bởi lúc đó mọi người cùng ngồi lại kể cho nhau nghe chuyện buồn vui sau một năm vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người...cùng nhau tạo nên những khoảnh khắc ấm áp.
Tết cũng đánh dấu sự khép lại của một năm cũ và mở ra một năm mới với nhiều hy vọng, mong muốn đón thêm nhiều may mắn, sức khỏe và hạnh phúc. Người ta thường làm mới mọi thứ từ nhà cửa, quần áo cho đến suy nghĩ, hành động, với mong muốn loại bỏ những điều không may mắn và đón nhận những điều tốt lành.
Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Tết mang giá trị quan trọng trong việc giúp con người nhìn lại những thành tựu và khó khăn của năm cũ, đồng thời khởi đầu một năm mới với hy vọng và sự lạc quan. Tết không chỉ là một nghi thức mà còn là thời điểm để mỗi người tự làm mới bản thân và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ xã hội.
“Tết không chỉ nằm ở những nghi lễ, mà chính là dịp để gắn kết con người, gia đình, khơi dậy lòng nhân ái và lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Nếu chúng ta đặt trọng tâm vào tinh thần đó, Tết sẽ luôn mang ý nghĩa sâu sắc, bất kể hình thức tổ chức có thay đổi như thế nào”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, khi đời sống kinh tế phát triển, Tết dần mang thêm những lớp nghĩa vật chất. Việc trang hoàng nhà cửa, sắm sửa quần áo mới, chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn và biếu quà cáp đã trở thành gánh nặng đối với nhiều gia đình. Không ít người cảm thấy áp lực phải "chạy đua" để có một cái Tết "hoàn hảo", dẫn đến tình trạng căng thẳng và mệt mỏi thay vì sự an yên vốn có.
Sự phô trương hình thức trong ngày Tết không chỉ tạo ra gánh nặng tài chính mà còn làm phai nhạt ý nghĩa thiêng liêng của dịp lễ này. Những ngày cận Tết, không khó để bắt gặp hình ảnh các gia đình chen chúc tại các trung tâm mua sắm, các chợ hoa và cửa hàng quà Tết. Nhiều người tiêu tốn hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng để mua sắm đồ trang trí, thực phẩm cao cấp và quà tặng, chỉ để đáp ứng những kỳ vọng xã hội hoặc thể hiện "đẳng cấp" của mình.
Trong khi đó, các giá trị tinh thần như sự đoàn tụ, tình yêu thương và lòng biết ơn lại dễ bị bỏ qua. Trẻ em dần ít tham gia vào các hoạt động truyền thống như gói bánh chưng hay dọn dẹp nhà cửa, vì cha mẹ bận rộn với công việc cuối năm hoặc chìm đắm trong những kế hoạch mua sắm. Cảm giác háo hức và thiêng liêng của ngày Tết vì thế mà cũng giảm dần.
Theo các chuyên gia văn hóa, việc tiếp nhận những yếu tố mới mẻ là hết sức cần thiết trong sự vận động của xã hội. Song cần gìn giữ những bản sắc văn hóa dân tộc. Việc bảo vệ và gìn giữ giá trị văn hóa của Tết không chỉ giúp duy trì bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn góp phần tạo nên sự cân bằng trong đời sống hiện đại.
Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc giản lược các yếu tố mang tính phô trương hoặc quá nặng về vật chất có thể giúp Tết trở nên nhẹ nhàng, ý nghĩa hơn.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, để quay trở lại với các giá trị văn hóa và tinh thần cốt lõi của Tết Nguyên Đán, trước tiên cộng đồng cần nhận thức rõ Tết không chỉ là một dịp lễ, nghỉ ngơi quan trọng mà còn là thời điểm để bày tỏ lòng biết ơn, gắn kết tình thân và hướng tới những điều tốt đẹp.
Việc xác định đúng bản chất và ý nghĩa cốt lõi của Tết chính là bước đầu để chúng ta loại bỏ những yếu tố tiêu cực như mê tín, dị đoan hay lợi dụng Tết để thực hiện những hành vi không đúng với chuẩn mực, không đúng với đạo lý.
"Cùng với đó, việc xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh cũng rất quan trọng. Bên cạnh việc chúng ta đã ban hành các văn bản nghiêm cấm việc lợi dụng Tết để có những hành vi không phù hợp, các cơ quan, tổ chức cũng cần tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm, mang tính làm gương đối với những hành vi tiêu cực như đút lót, tham nhũng nhân dịp Tết", ông Sơn nhấn mạnh và cho rằng, cần khuyến khích các hoạt động Tết mang tính nhân văn, như thăm hỏi người khó khăn, tổ chức các lễ hội truyền thống và các hoạt động cộng đồng ý nghĩa.
Cùng quan điểm, TS Phạm Việt Long, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển cho rằng, Tết là dịp để gia đình đoàn tụ, để mọi người cùng nhau tưởng nhớ tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn với các thế hệ đi trước. Đồng thời, Tết cũng mang ý nghĩa chào đón năm mới, cầu mong những điều may mắn, bình an và hạnh phúc.
Giá trị lớn nhất của Tết chính là sự kết nối – giữa con người với nhau, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Tết là lúc để dừng lại, suy ngẫm và khởi đầu một hành trình mới đầy hy vọng.
“Trong bối cảnh xã hội ngày càng chú trọng đến vật chất và hình thức, để giữ gìn các giá trị văn hóa và tinh thần cốt lõi của Tết Nguyên Đán, trước hết cần giáo dục thế hệ trẻ về ý nghĩa sâu xa của Tết thông qua các hoạt động truyền thống như thăm viếng mộ tổ tiên, gói bánh chưng, viết câu đối, hay cùng nhau chuẩn bị bữa cơm gia đình. Bên cạnh đó, giảm bớt sự chạy đua về hình thức, khuyến khích mọi người tập trung vào sự chân thành và ấm áp trong các mối quan hệ, cùng góp phần xây dựng một mùa Tết không chỉ giàu vật chất mà còn đậm chất nhân văn, tinh thần”, TS Phạm Việt Long chia sẻ.