Bí ẩn di sản 'Vật đuổi giải Vĩnh Mộ'
“Vật đuổi giải đình Vĩnh Mộ”, lễ hội thượng võ độc đáo còn nhiều bí ẩn (xã Cao Xá, Lâm Thao, Phú Thọ), đã được vinh danh Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.
Tại đình Vĩnh Mộ, nơi thờ Tướng quân Nguyễn Kỳ, người có công lớn cùng Tản Viên Sơn Thánh đánh giặc Thục giữ yên bờ cõi thuở Văn Lang, dịp đầu Giêng hằng năm diễn ra Lễ hội “Vật đuổi giải” rất độc đáo, thú vị. Đô vật chiến thắng cuối cùng sẽ ôm giải nhằm hướng Bắc chạy ra khỏi làng mà không được ngoảnh lại khi dân làng đuổi theo, đến khi người này nhảy xuống ao nước thì không bị đuổi nữa.
Bản "Thần tích - Thần sắc làng Vĩnh Mộ” lưu trữ tại Viện Thông tin KHXH và truyền ngôn trong dân, cho biết Tướng quân Nguyễn Kỳ nổi tiếng hiền tài, đức độ, đã triệu tập binh sĩ sát cánh cùng Tản Viên Sơn Thánh nhiều lần đánh tan giặc Thục khi chúng cố vượt qua một con ngòi phía bắc làng. Vua Hùng đời thứ 18 (Hùng Duệ Vương) đã ban thưởng nhiều đất đai cho tướng Nguyễn Kỳ.
Tương truyền, Tản Viên Sơn Thánh đã khuyên vua cha Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Phán để dân lành khỏi đổ máu. Thục Phán lên ngôi lấy hiệu An Dương Vương, dời đô về Cổ Loa xây thành xoáy ốc, và đặt tên nước là Âu Lạc (năm 257 TCN). Còn tướng Nguyễn Kỳ đã khai khẩn đất đai, chiêu dân lập ấp hình thành vùng đất Bình Mạc, sau đổi tên thành Bình Mộ, rồi Vĩnh Mộ cách núi Nghĩa Lĩnh vài dặm về phía Nam. Đầu Giêng hằng năm ông tổ chức hội vật dài ngày cho quân sĩ vui chơi dịp Tết đến xuân về, và cũng là rèn luyện quân sĩ, binh nông.
Về già, một hôm tướng Nguyễn Kỳ rời làng Vĩnh Mộ lên núi Tản thăm bạn cũ, rồi từ đó không trở lại. Tưởng nhớ công lao, người dân lập miếu thờ bên bãi sông trông về núi Tản, sau này dựng đình Vĩnh Mộ tôn thờ ông làm Thành Hoàng làng. Các triều đại phong kiến đều gia phong mỹ tự cho ông là "Phụ Thiên Linh đức thần", "Cảm Ứng thần"... Từ đó dân làng vẫn duy trì sới vật và có tục “đuổi giải” rất đặc sắc vào ngày mùng 7 tháng Giêng trước cửa đình, được truyền tụng ca dao: “Vĩnh Mộ có tục hát Xuân, có vật đuổi giải đầu tuần tháng Giêng".
Thăng trầm lịch sử, “Vật đuổi giải” bị thất truyền từ sau năm 1944, đến năm 1995 thì được mở lại, vẫn giữ truyền thống về thời gian, nghi lễ. “Đuổi giải” được coi là linh hồn nuôi dưỡng sới vật khiến nó trở nên độc nhất vô nhị, lôi cuốn trai tráng khắp nơi và du khách thập phương tìm về đua tài, đọ sức. Tính huyền thoại của hội vật còn thể hiện sức mạnh đoàn kết và truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" ở vùng Đất Tổ.
Lễ hội được dân làng Vĩnh Mộ bàn bạc, chuẩn bị cẩn trọng, khắt khe chọn chủ tế, đồ thờ, chúc văn, quan viên, đội chân cờ, chân kiệu, lão đô, và trình diễn rất nghi thức. Trước đó, ngày mùng 6 Giêng cả dân cùng nhau quét dọn đường làng sạch sẽ, phát quang cây cành hàng rào.
Chủ tế và quan viên là nam giới từ 60 tuổi trở lên, đầy đủ con trai, con gái, dâu, rể, đời sống ổn định, không có tang, và phải luyện lễ bái thuần thục. Người hay chữ, có uy tín trong làng được chọn viết chúc văn phải tắm gội nước thơm sạch sẽ và ăn ở tại đình cho đến khi viết xong mới được về nhà. Chúc văn ca ngợi công đức Thành Hoàng làng và thể hiện ước muốn của nhân dân, cầu mong Đức Thánh phù hộ quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh. Còn các lão đô sẽ ôn luyện cho các đô vật trẻ cách thủ thế, di chuyển, né đòn…
Sau khi rước kiệu ra đình, và nghi lễ cúng Thành Hoàng làng Nguyễn Kỳ xin phép mở Lễ hội, rồi trống vào sới mở màn “Keo vật thờ” bái Tổ - hai lão đô có những miếng vật đẹp sẽ trình diễn (vờn nhau, không phân thắng - thua) trong tiếng hò reo cổ vũ huyên náo. Tiếp đến là màn “Vật trình làng” (còn gọi là “Vật hội đồng” cũng nhằm biểu diễn với 3 đôi, 5 đôi, 10 đôi nhưng rất sôi động nhằm truyền cảm hứng), rồi đến “Vật giải”, “Vật đổ giải”, và “Vật đuổi giải”.
Vật đuổi giải đình Vĩnh Mộ rất chú trọng sinh mạng và tính nhân văn, nghiêm cấm những miếng độc, miếng hiểm như bẻ chi, khóa trái khớp, tấn công mắt, hạ bộ, yết hầu. Ai vi phạm sẽ bị thua luôn và loại khỏi trận đấu, bị làng nguyền rủa xem như kẻ nghịch tặc.
Sau keo “Vật giải” đấu loại trực tiếp cho đến khi tìm ra đô vật mạnh nhất. Người thắng tuyệt đối là khi hạ được đối thủ ở tư thế hai vai và một bên mông chạm thảm cùng lúc mà dân gian gọi là "lấm lưng trắng bụng", nhưng phải đè đối thủ trong ba giây. Đô vật Vĩnh Mộ có các miếng hay truyền thống là “miếng bò”, “miếng bắt chân”, “miếng khóa bụng”... Đô vật thắng cuộc sẽ lên lễ đài vuốt tay vào giải rồi ngồi xếp chân bằng tròn ở giữa sới, tay giơ cao giải, mặt hướng phía trước với ý thách đố tiếp. Cuối cùng ai thắng đô vật này thì được nhận giải.
Người thắng cuối cùng sẽ ôm giải cắm đầu chạy theo hướng Bắc ra khỏi làng, đằng sau là dân cầm cờ, trống, thanh la hò đuổi theo. Người này chạy mà không được ngoái đầu lại kẻo bị dân làng đánh đòn. Nhưng khi người đó nhảy xuống ao nước, con ngòi, thì dân không đuổi nữa.
Ra ý thách đấu khi đã đánh bại các đô vật trong sới nhằm tạo cơ hội cho cao thủ nào đó đang khiêm tốn ẩn mình trong đám đông? Hay thể hiện kiêu ngạo chiến thắng? Rồi người thắng giải bị đuổi như giặc về phía Bắc, và khi anh ta nhảy xuống nước thì không bị đuổi nữa, đây là những tình tiết bí ẩn hiện chưa có giải thích nào hợp lý. Có thể là “hèm” tâm linh chưa thể giải mã, hoặc một nét văn hoá “triệt tiêu tính kiêu ngạo của kẻ chiến thắng”, hay muốn mô phỏng tinh thần nhân văn, thượng võ khi quân sĩ của tướng Nguyễn Kỳ xưa đánh giặc Thục bật xuống nước ngòi làng?
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hoá) cho biết trong toàn quốc đã có nhiều lễ hội vật được chứng nhận Di sản Quốc gia, như Hội vật cầu bùn làng Vân (Bắc Giang), Hội vật cổ truyền Vĩnh Khê (Hải Phòng), Hội vật Liễu Đôi (Hà Nam)... Đất Tổ Phú Thọ có tới 2 di sản của nhân loại (Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương), riêng Hội vật đình Vĩnh Mộ thì khá đặc sắc và độc đáo cả về nghi lễ và tình tiết “đuổi giải” - đây cũng là bí ẩn văn hoá cần có nghiên cứu sâu để có thể giải mã.
Lễ hội cũng là nét tri ân sâu sắc các bậc tiền nhân từ thuở dựng nước và tiến trình giữ nước. Dân làng Vĩnh Mộ vui mừng, tự hào khi “Vật đuổi giải” được ghi danh Di sản Quốc gia ngày đầu Xuân mới Ất Tỵ 2025 (Số 3985/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024). Hội vật diễn ra tại sân ngôi đình là di tích Quốc gia từng được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm năm 1985, đang ngày càng hấp dẫn thu hút du khách về với mùa xuân Đất Tổ.
Đã được ghi tên trong cuốn Nền văn minh Thế giới, “Vật đuổi giải đình Vĩnh Mộ” đi qua hàng ngàn năm lịch sử làng xã, cả những năm kháng chiến và thời kỳ đổi mới, đã khẳng định sức sống mãnh liệt của một di sản quý báu.