Thị trường lao động sau Tết: Nhu cầu tuyển dụng tăng cao
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) dự báo, sau Tết Ất Tỵ 2025, thị trường lao động sẽ gặp các biến động, dẫn đến thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.
Quan hệ lao động ổn định
Đánh giá về chính sách phúc lợi dành cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Bộ LĐTBXH cho biết, đa số doanh nghiệp (DN) cố gắng duy trì hoặc tăng thưởng Tết để giữ chân nhân viên. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại hiện tượng DN chậm trả lương và thưởng tháng 13 gây khó khăn cho người lao động trước kỳ nghỉ.
“Trong dịp Tết, các DN đã triển khai nhiều chính sách và phúc lợi nhằm hỗ trợ cho người lao động. Một số DN hỗ trợ nơi ở tạm thời, chi phí di chuyển cho người lao động về quê. Ngoài ra, các DN còn có phúc lợi khác như tặng tiền mặt, quà hoặc thưởng lương tháng thứ 13 cũng được thực hiện để đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động” - đại diện Bộ LĐTBXH cho biết.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, tình trạng nghỉ việc tập thể trước Tết Nguyên đán năm 2025 đã giảm 50% so với năm trước, với 7 vụ trong 2 tháng cuối năm 2024. Điều này phản ánh hiệu quả các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động. Trong đó, các DN đã chủ động đối thoại về lương, thưởng từ sớm và phối hợp với công đoàn để tổ chức những chương trình thiết thực, giúp giảm mâu thuẫn và giữ chân người lao động.
Tại một số khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương... có hàng nghìn lao động làm việc xuyên Tết. Ở một số dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc phía Nam, các dự án năng lượng... vẫn duy trì làm việc khẩn trương, xuyên Tết. Công nhân, người lao động được tổ chức Tết tại công trường theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 06 ngày 25/1/2025.
Nhiều biến động
Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH dự báo, thị trường lao động sau Tết sẽ gặp nhiều biến động do người lao động có thể không quay lại vì chuyển việc hoặc thay đổi chỗ ở. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời và nhu cầu tuyển dụng nhân sự mới trong quý I/2025 tăng cao, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.
Bên cạnh đó, một lực lượng lớn lao động trong khối đơn vị sự nghiệp sau phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước sẽ tham gia vào thị trường lao động, tạo áp lực cho vấn đề kết nối việc làm cho các đối tượng này.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, các DN tại Hà Nội dự kiến chú trọng tuyển dụng lao động trong các ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, kinh tế xanh và chuyển đổi số. Các vị trí như lập trình viên, chuyên viên phân tích dữ liệu, chuyên gia trí tuệ nhân tạo và kỹ sư an ninh mạng sẽ tiếp tục dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng trong ngành công nghệ. Bên cạnh đó, các DN sản xuất và logistics sẽ tập trung vào các vị trí như kỹ sư tự động hóa, quản lý chuỗi cung ứng và chuyên viên quản lý chất lượng để đáp ứng yêu cầu tối ưu hóa quy trình, từ đó đầu tư áp dụng công nghệ mới.
Nhận định chung về thị trường lao động năm 2025, Bộ LĐTBXH cho hay, thị trường lao động sẽ phục hồi trở lại, tuy nhiên các thách thức về lao động, việc làm đi liền với bảo đảm an sinh xã hội. Do đó Bộ đã đề ra các giải pháp phát triển thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động. Cụ thể, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu về lao động - việc làm, kết nối và điều tiết hiệu quả cung - cầu lao động, khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công - tư, người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường.
“Để đảm bảo lao động sau Tết, DN cần tập trung vào công tác chủ động nắm bắt tình hình lao động - việc làm trên địa bàn. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thông tin thị trường lao động và kết nối cung cầu lao động thông qua các hoạt động như tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm và những phiên trực tuyến kết nối với nhiều địa phương” - Bộ LĐTBXH đề nghị. Lê Bảo