Người dân Đắk Lắk thoát nghèo bền vững nhờ vốn tín dụng chính sách
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở tỉnh Đắk Lắk đã có điều kiện ổn định cuộc sống, đầu tư phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
Năm 2024, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đã tích cực đẩy mạnh hoạt động cho vay tín dụng chính sách góp phần phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị và thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Thông qua nguồn vốn khác nhau, các hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã có điều kiện ổn định cuộc sống, đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập cho gia đình, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
![anh 1ok](https://ddk.1cdn.vn/2025/01/23/anh-1ok.jpg)
Đơn cử như trường hợp của vợ chồng anh Y Siu Dĩng ở Buôn Kluốt xã Ea Trul, huyện Krông Bông: 21 năm gia đình phải sống trong căn nhà dột nát. Nay nhờ có Chính sách hỗ trợ hộ ngèo về nhà ở theo Nghị định số 28 của Chính phủ, NHSXH đã cho gia đình anh Y Siu Dĩng vay 40 triệu đồng cùng với 44 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ, gia đình anh đã xây dựng được căn nhà cấp 4 khang trang 60m2 để ở. Ngoài ra, gia đình Y Siu Dĩng còn được vay 50 triệu đồng từ Chương trình Hộ nghèo để đầu tư mua 2 con trâu sinh sản về phát triển kinh tế gia đình, đến nay đàn trâu của anh cũng được 4 con. “Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, Anh Y Siu Dĩng quyết tâm trả hết nợ và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Kpă Y Năk ở xã Ea Nam, huyện Ea H’Leo chia sẻ: "Gia đình ông được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng, ông đã đầu tư mua phân bón để đầu tư chăm sóc, phục hồi rẫy cà phê. Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật nên diện tích cà phê của gia đình từng bước phục hồi và cho năng suất tăng cao. Trong đợt bình xét hộ nghèo cuối năm 2024, gia đình tôi đã được thoát diện hộ nghèo".
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Nam cho biết: “Qua điều tra, bình xét hộ nghèo, trong năm 2024, trên địa bàn xã Ea Nam có 38 hộ thoát nghèo, 199 hộ thoát diện cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều trên địa bàn xã Ea Nam hiện chiếm tỷ lệ dưới 5%. Có được thành quả này là nhờ vào một phần từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia và sự giải ngân kịp thời của NHCSXH huyện".
Năm 2024 đã có 47.492 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, trong đó đã có 8.472 lượt hộ nghèo, 6.572 lượt hộ cận nghèo, 5.022 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh; 607 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; có 6.207 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 100 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 15.383 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng; 4.895 lượt hộ vay vốn sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; 20 căn nhà cho các đối tượng theo Nghị định 100 của Chính phủ; 195 người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn…
Thông qua nguồn vốn tín dụng đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo của địa phương. Nếu như năm 2023 số hộ nghèo toàn tỉnh là 9,15% thì nay đã giảm xuống còn 6,65%. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 23,09 % xuống còn 19,58%.
![anh 2 ok](https://ddk.1cdn.vn/2025/01/23/anh-2-ok.jpg)
Tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách
Ông Đào Thái Hòa - Giám đốc NHSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong năm 2024, tổng nguồn vốn đạt 8.070 tỷ đổng, trong đó nguồn vốn từ Trung ương: 7.532 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương: 538,7 tỷ đồng.
Đối với việc tăng trưởng dư nợ tín dụng, năm 2024, đơn vị có tổng doanh số cho vay gần 2.300 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 664,6 tỷ đồng so với cuối năm 2023; tỷ lệ tăng trưởng đạt 8,7%, với trên 167.000 khách hàng còn dư nợ, trong đó: dư nợ các chương trình tín dụng chính sách cho vay đối với dân tộc thiểu số: 3.471 tỷ đồng, chiếm 43,4%. Đặc biệt trong năm Chi nhánh đã tham mưu UBND tỉnh, tạo lập nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, ủy thác sang NHSXH để cho vay hỗ trợ về nhà ở theo Nghị định số 28 của Chính phủ với số tiền 8,8 tỷ đồng.
Đắk Lắk là tỉnh thuộc miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao so với bình quân chung của cả nước. Vì vậy, năm 2025 NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 39 về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, Chỉ thị số 39 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.
Theo ông Hòa, để các chính sách nói trên được triển khai hiệu quả, chúng tôi đã đề nghị NHCSXH Trung ương tiếp tục quan tâm tăng thêm nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với tỉnh Đắk Lắk. Song song với đó, UBND tỉnh quan tâm, bố trí kịp thời ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để đáp ứng kịp thời nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.