Xã hội

“Hồi sinh” sông Tô Lịch: Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Ngọc Linh 14/02/2025 13:00

Sau Tết, câu chuyện hồi sinh sông Tô Lịch ở Hà Nội tiếp tục nhận được sự quan tâm của người dân. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã làm việc với các sở, ngành, thống nhất lựa chọn, nghiên cứu thực hiện đồng bộ nhiều phương án nhằm cải thiện môi trường cho dòng sông.

Giữ an toàn cho nguồn nước

Hà Nội có 9 con sông chảy qua, trong đó sông Tô Lịch "nổi tiếng" nhất bởi sự ô nhiễm, trở thành vấn đề nhức nhối của Thủ đô. Suốt nhiều năm qua, sông Tô Lịch đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải từ các khu dân cư và công nghiệp xung quanh. Trong bối cảnh này, Hà Nội đã quyết định triển khai dự án hồi sinh sông Tô Lịch, với mục tiêu không chỉ cải thiện môi trường mà còn phục hồi cảnh quan và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Tuy nhiên, khi đi vào cụ thể, việc hồi sinh sông Tô Lịch đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và sự hỗ trợ từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.

bai tren
Việc hồi sinh sông Tô Lịch cần được triển khai một cách đồng bộ. Ảnh: Xuân Hoa

Theo ông Hoàng Đình Giáp - Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Hà Nội (Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia), việc bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch là giải pháp đã được TP Hà Nội đề xuất, xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Giải pháp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch giải quyết vấn đề trước mắt, nhất là vào thời điểm mùa khô, những ngày thiếu nước. Tuy nhiên, trong phương án này cần lưu ý những vấn đề mà các bộ, ngành đã có ý kiến thì các sở, ngành liên quan của TP Hà Nội cần tiếp tục phải nghiên cứu. Như vấn đề về đê điều, làm sao để công trình lấy nước đảm bảo hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến các quỹ đất xung quanh cũng như đánh giá được tác động môi trường, sinh thái, và đặc biệt là trách nhiệm với sinh kế, cuộc sống của người dân ở hạ lưu.

Ngoài việc bổ cập nước từ sông Hồng, một phương án khác là sử dụng nước từ hồ Tây, vốn có hệ sinh thái ổn định và gần sông Tô Lịch. Các chuyên gia đánh giá rằng đây là giải pháp hợp lý, vừa bảo vệ môi trường hồ Tây, vừa bổ sung nước cho sông Tô Lịch mà không gây tổn hại đến hệ sinh thái. Tuy vậy, cần phải lưu ý về tác động lâu dài đến hệ sinh thái của các con sông khác trong khu vực, bao gồm cả hồ Tây. Đây là một quan điểm rất quan trọng, vì trong quá trình cải tạo, Hà Nội cần phải tính toán kỹ lưỡng các tác động môi trường để tránh những hệ lụy không mong muốn.

Xử lý ô nhiễm và cải tạo hạ tầng

Bên cạnh việc bổ sung nước sạch, Hà Nội cũng đã đưa ra các giải pháp xử lý nước thải và cải tạo hạ tầng nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ các nguồn thải trực tiếp. Hệ thống cống bao thu gom nước thải từ các khu dân cư và khu công nghiệp quanh sông Tô Lịch đã được triển khai. Mặc dù dự án này đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng mục tiêu chính vẫn là ngừng tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý vào sông, đồng thời giúp nâng cao chất lượng nước trong sông.

Để sông Tô Lịch thực sự được “sống lại” và hết ô nhiễm, ngoài giải pháp bổ cập nước từ sông Hồng và hồ Tây, ông Hoàng Đình Giáp cho rằng, Hà Nội cần phải giải quyết được vấn đề hạ tầng thu gom và xử lý nước thải dọc hai bên bờ sông. Thực tế cho thấy có những thời điểm, mực nước ở sông Hồng cũng xuống rất thấp. Mặt khác, phương án bổ cập nước cũng cần phải có trách nhiệm với hạ lưu. Lý do bởi khi lấy nước sông Hồng vào sông Tô Lịch với trữ lượng lớn (nhất là vào mùa nước kiệt, nước cạn, mực nước xuống thấp), sẽ tác động, ảnh hưởng tới việc lấy nước để tưới tiêu cho rau màu, sản xuất nông nghiệp ở các khu vực hạ lưu.

“Câu chuyện mà TP Hà Nội cần ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải làm sao để “triệt” cũng như xử lý được các nguồn thải ở hai bên sông Tô Lịch. Thực tế cho thấy Tô Lịch hiện nay gần như chỉ là một cái kênh thoát nước, không có ý nghĩa của một con sông. Vì thế, vào những ngày khô, ví như từ sau khi xảy ra bão Yagi (cơn bão số 3) đến nay, ở Hà Nội dường như không có một giọt mưa nào lớn. Vì vậy cần phải vận hành hiệu quả Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá ở phía Nam Hà Nội” - ông Giáp chia sẻ.

PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc nghiên cứu bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch cần lưu ý, ngoài giải pháp cơ học là bổ cập nước sạch vào để rửa trôi dòng sông Tô Lịch, Hà Nội và các cơ quan chuyên môn cần kiên quyết xử lý các vi phạm về môi trường, đẩy mạnh việc tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, di dời các cơ sở gây ô nhiễm không phù hợp.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) Nguyễn Đình Khuyến cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại cuộc họp ngày 4/2, quận Tây Hồ sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành về việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Phương án đề xuất là sử dụng nguồn nước từ sông Hồng và nguồn nước sau xử lý của Nhà máy Xử lý nước thải hồ Tây để bổ cập nước cho hồ Tây, qua hồ trung gian là hồ Sen, bảo đảm không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ Tây, sau đó đưa nước hồ Tây vào sông Tô Lịch.

Nước từ hồ Tây sẽ được bổ cập cho sông Tô Lịch qua cửa điều tiết hồ Tây A - Cống Đõ - mương Thụy Khuê. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án bổ cập nước từ hồ Tây cho sông Tô Lịch, hoàn thành trong tháng 8/2025.

Ngọc Linh