Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Không thể chờ thời tiết làm sạch không khí

Hoàng Phong 18/02/2025 10:27

Không khí ô nhiễm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Nhiều thời điểm, 2 đô thị lớn nhất cả nước đứng trong danh sách những thành phố ô nhiễm không khí nhất, nhì thế giới. Đó là những kỷ lục buồn, không ai mong muốn…

Những ngày gần đây, Hà Nội bước vào đợt nồm ẩm, mưa phùn, giúp chất lượng không khí được cải thiện tạm thời. Sáng 17/2, sáng đầu tuần, chỉ số AQI dao động từ 25 đến 54, người dân có thể hoạt động ngoài trời mà không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng thực tế cho thấy, không thể cứ mãi trông chờ vào những trận mưa để làm sạch bầu không khí, lấy đó làm điều hài lòng. Bởi ô nhiễm không khí không phải là một sự may rủi mà là vấn đề môi trường cần được giải quyết một cách hệ thống.

Suốt nhiều năm nay, ô nhiễm không khí cứ lặp đi lặp lại. Và liên tục nhiều tháng qua, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh rất đáng báo động. Có những thời điểm, chỉ số AQI của Hà Nội đạt mức 272 - mức tím, cực kỳ có hại cho sức khỏe, trong khi TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận mức ô nhiễm cao gấp 11 lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nguyên nhân chính đến từ khí thải phương tiện giao thông, hoạt động công nghiệp, xây dựng, cũng như các yếu tố thời tiết khiến bụi mịn không thể khuếch tán. Đặc biệt, tỷ lệ xe máy tại Việt Nam rất cao, với khoảng 80 triệu xe máy đăng ký, trong đó Hà Nội có hơn 6,5 triệu chiếc, khiến tình hình ô nhiễm không khí càng trở nên “đậm đặc”.

Ô nhiễm không khí được dự báo sẽ để lại hậu quả nặng nề đối với sức khỏe cộng đồng. Các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, đột quỵ gia tăng, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế. Theo WHO, bụi mịn PM2.5 có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, xơ cứng động mạch và gây tổn thương hệ thần kinh. Đặc biệt, nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già và những người có bệnh lý nền chịu tác động nặng nề nhất.

Trước thực trạng đáng báo động này, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có một số động thái nhằm kiểm soát ô nhiễm. Một trong những giải pháp đang được kỳ vọng là thiết lập vùng phát thải thấp (LEZ), hạn chế phương tiện cá nhân gây ô nhiễm vào trung tâm thành phố. Kinh nghiệm từ London (Anh), Paris (Pháp), hay Bắc Kinh (Trung Quốc) cho thấy, khi áp dụng LEZ, chất lượng không khí được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc triển khai LEZ vẫn còn nhiều thách thức do hạ tầng giao thông công cộng chưa phát triển đồng bộ, phương tiện giao thông xanh còn hạn chế và thói quen sử dụng xe cá nhân vẫn phổ biến.

Ngoài ra, Hà Nội đang lên kế hoạch thu phí ô tô vào các khu vực ô nhiễm nghiêm trọng, tương tự mô hình của New York (Mỹ). Thành phố cũng đã có kế hoạch thử nghiệm cấm ô tô trên 16 chỗ trong khu vực phố cổ và quanh hồ Hoàn Kiếm vào giờ cao điểm để giảm ùn tắc và khí thải. Tuy nhiên, những biện pháp này mới chỉ mang tính dự kiến, thí điểm và chưa thể giải quyết triệt để vấn đề.

Một giải pháp quan trọng khác là kiểm soát chặt chẽ khí thải xe máy, đặc biệt là xe cũ. Kết quả khảo sát cho thấy, các xe máy trên 12 năm sử dụng phát thải ô nhiễm cao gấp nhiều lần xe mới. Để giải quyết, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng triển khai kiểm định khí thải đối với xe máy, tương tự như ô tô, đồng thời có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi sang phương tiện sạch hơn.

Bên cạnh các giải pháp về giao thông, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần có chiến lược tổng thể hơn để cải thiện chất lượng không khí. Việc siết chặt quản lý các khu công nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp sử dụng công nghệ sạch, xử lý nghiêm hành vi đốt rác, đốt rơm rạ cần được thực hiện đồng bộ. Phát triển cây xanh đô thị, mở rộng không gian xanh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ bụi mịn và giảm thiểu tác động của ô nhiễm.

Nhưng dù có nhiều giải pháp được đưa ra, nếu không có sự quyết liệt trong thực hiện, ô nhiễm không khí vẫn sẽ tiếp diễn. Cần triển khai mạnh mẽ các biện pháp, từ đầu tư hạ tầng giao thông công cộng, kiểm soát khí thải phương tiện, đến quy hoạch đô thị bền vững. Người dân cũng không thể đứng ngoài cuộc: mỗi cá nhân cần thay đổi thói quen, hạn chế phương tiện cá nhân, sử dụng phương tiện xanh và tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường.

Không thể trông chờ vào thời tiết hay những cơn mưa để làm sạch không khí. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần tiên phong hành động mạnh mẽ hơn để hướng đến một môi trường trong lành thực sự, nơi sức khỏe người dân không bị đánh đổi vì sự chậm trễ trong chính sách và thực thi.

Hoàng Phong