Kinh tế

Đề xuất thu thuế tiền lãi tiết kiệm: Lo tiền “chạy” khỏi ngân hàng

Đ. Linh 20/02/2025 08:00

Đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm một lần nữa được đưa ra, làm dấy lên nhiều tranh cãi về tính hợp lý và sự tác động. Dư luận băn khoăn, nếu được đề xuất áp dụng liệu dòng tiền có “chạy” khỏi hệ thống ngân hàng?

tr6.png
Việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Ảnh: M.H.

Việc đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm một lần nữa được đề xuất khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung quy định về nhóm thu nhập khác thuộc diện chịu thuế TNCN, bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng. Đề xuất này nhằm mở rộng cơ sở thuế và đảm bảo công bằng giữa các đối tượng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng thuế lãi tiền gửi tiết kiệm trong thời điểm hiện tại là không phù hợp.

Ý tưởng đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm không mới. Năm 2005, khi xây dựng Luật Thuế TNCN, đã có đề xuất đánh thuế 10% trên tiền lãi gửi tiết kiệm, tiền gửi ngân hàng, trái phiếu, kỳ phiếu của người gửi. Tuy nhiên, mức tiền gửi bao nhiêu sẽ bị khấu trừ và những đối tượng nào thuộc diện đóng thuế này hiện chưa xác định. Năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm từ 1 tỷ đồng trở lên, nhưng sau nhiều ý kiến phản đối, đề xuất này đã không được đưa vào luật.

TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm là bình thường ở các nước phát triển, nhưng không nên áp dụng tại Việt Nam trong thời điểm hiện tại vì sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế. Ông Tú giải thích, ở các nước phát triển, thu nhập của người dân cao và an sinh xã hội tốt, lãi suất ổn định và luôn thực dương. Trong khi đó, tại Việt Nam, thu nhập của người dân chưa cao và lạm phát còn cao, mức lãi suất thực dương hiện thấp.

Việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm có thể làm giảm lượng tiền gửi vào ngân hàng, ảnh hưởng đến huy động vốn của hệ thống ngân hàng. Dòng tiền có thể chuyển sang các kênh đầu tư khác kém bền vững, thậm chí tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, tiền ảo, làm gia tăng nguy cơ lừa đảo và gây bất ổn cho nền kinh tế.

Theo TS Nguyễn Ngọc Tú, Việt Nam đang phát triển, tăng trưởng kinh tế nhanh đòi hỏi nguồn vốn nói chung ở mức cao, trong đó nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng. Khi áp thuế đối với tiền gửi tiết kiệm sẽ tác động đến huy động vốn của hệ thống ngân hàng, dòng tiền có thể tìm kiếm kênh sinh lời khác.

Một số nước như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc đã áp dụng thuế TNCN đối với lãi tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên, để áp dụng tại Việt Nam thì cần cân nhắc kỹ lưỡng tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Theo chuyên gia tài chính - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, có nhiều lý do không nên đánh thuế TNCN từ tiền lãi do ngân hàng trả cho người gửi tiền. Thứ nhất, lãi suất tiền gửi ngân hàng đang rất thấp. Nếu gửi tiết kiệm 100 triệu đồng vào ngân hàng, mỗi năm người gửi sẽ nhận được khoảng 6 triệu đồng tiền lãi. Với mức lãi suất như vậy, nguồn thu thuế từ lãi tiền gửi không lớn. Thứ hai, để có được 100 triệu đồng gửi ngân hàng, người dân đã phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Với số tiền tích luỹ được để gửi vào ngân hàng như hiện nay, nếu tính đến yếu tố lạm phát, số tiền lãi nhận được của người gửi thực chất không còn được bao nhiêu.

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, tiền gửi tiết kiệm là nguồn thu nhập quan trọng của người dân, đa số ở mức trung bình và thấp. Nếu áp dụng thuế này có thể gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Bởi lẽ, lãi tiền gửi tiết kiệm nếu bị đánh thuế có thể khiến lượng tiền gửi vào ngân hàng giảm. Khi đó, lãi suất cho vay có thể sẽ bị đẩy lên, tác động tới doanh nghiệp.

Theo số liệu vừa được NHNN công bố, tính đến tháng 11/2024, tổng tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng đã chính thức vượt 7 triệu tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Tính tới tháng 11/2024, tiền gửi dân cư tăng 7,16%, tương đương tăng 467.549 tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Nhìn chung, đa số ý kiến chưa đồng tình với việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm trong thời điểm hiện tại. Đặc biệt trong bối cảnh mức chiết trừ gia cảnh của Luật Thuế TNCN đã lạc hậu rất lâu vẫn chậm sửa đổi, các đề xuất đánh thuế khiến người nộp thuế cảm thấy bị vắt kiệt. Việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá tác động toàn diện để đảm bảo không gây ra những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế.

a11.png

Chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội: Mở rộng cơ sở thu thuế nhưng không có nghĩa là tận thu

Trong tổng tiền gửi ngân hàng của khu vực cư dân, có một bộ phận người già, người nghỉ hưu. Như vậy đề xuất đánh thuế tiền lãi tiết kiệm thật trớ trêu, vì người già người nghỉ hưu tích cóp dưỡng già mà cũng bị cõng thuế. Điều này giống như nghịch lý đang diễn ra, sao không siết thuế các ông đầu nậu, buôn lậu mà lại đi tận thu đánh thuế mấy bà tiểu thương, buôn vặt gánh rong ở vỉa hè. Mở rộng cơ sở thu thuế nhưng không có nghĩa là tận thu.

Ông Nguyễn Văn Được.

Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín: Người dân có thể không còn mặn mà với tiền gửi tiết kiệm

Việc đánh thuế tiền gửi ngân hàng nhằm mở rộng cơ sở thuế và đảm bảo công bằng giữa các đối tượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chính sách này chưa thực sự phù hợp và có thể gây hệ luỵ không tốt cho nền kinh tế.

Việc miễn thuế đối với tiền gửi giúp duy trì dòng vốn dân cư trong hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện để nhà nước kiểm soát dòng tiền và triển khai chính sách tiền tệ nhằm điều tiết kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, ngân hàng có thể phân bổ nguồn vốn hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn phục vụ sản xuất và kinh doanh.

Nếu áp dụng thuế lên tiền gửi, người dân có thể không còn mặn mà gửi tiền vào ngân hàng mà sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư khác. Điều này có thể dẫn đến sự dịch chuyển dòng tiền vào các lĩnh vực kém bền vững, thậm chí tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, tiền ảo... làm gia tăng nguy cơ lừa đảo và gây bất ổn cho nền kinh tế.

H.Hương (ghi)

Đ. Linh