Chuyện nghề y ở bệnh viện tâm thần
Chữa trị cho bệnh nhân có tâm lý bình thường vốn đã khó khăn, chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân tâm thần còn khó khăn gấp bội. Công việc của những y, bác sĩ ở Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Hà Tĩnh luôn căng thẳng, áp lực, thậm chí bị tấn công. Hành nghề ở đây đòi hỏi đội ngũ y, bác sĩ phải có “tinh thần thép” và không ngừng nỗ lực, tận tâm vì người bệnh.
Chốn “không bình thường”
Người ta ví bệnh viện tâm thần là chốn “không bình thường”, ở đây không chỉ có bệnh nhân điên loạn, kích động, hò hét mà có rất nhiều bệnh nhân trầm cảm, rối loạn lo âu, loạn thần do chất gây nghiện, chậm phát triển tâm thần ở trẻ em… Mỗi bệnh nhân là một thái cực, một hoàn cảnh khác nhau buộc y, bác sĩ phải theo dõi, chăm sóc chi tiết, tỉ mẫn từng người.

“Không như các bác sĩ điều trị bệnh nhân bình thường, bác sĩ ở bệnh viện tâm thần luôn phải đối mặt với những rủi ro, hiểm nguy, đôi khi dở khóc dở cười. Thậm chí, việc bị tấn công, đánh đấm, phóng uế vào người là điều bình thường, bởi người gây ra không ai khác mà chính là người bệnh mình đang tận tâm chăm lo, điều trị hằng ngày” - bác sĩ Lê Thị Quỳnh Nga, Phó trưởng khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Hà Tĩnh chia sẻ như thế với chúng tôi.
11 năm gắn bó với Bệnh viện sức khỏe tâm thần Hà Tĩnh, bác sĩ Lê Thị Quỳnh Nga trải qua không biết bao nhiêu hỷ, ngộ, ái, ố của nghề. “Làm việc ở bệnh viện tâm thần gặp muôn vàn khó khăn. Mỗi bệnh nhân có một đặc thù riêng, một bệnh nhân là một hoàn cảnh, không ai giống ai. Việc nhân viên y tế bị xé áo, bị tát, chửi bới hay bị hắt nước bẩn vào người thường xuyên xảy ra. Làm nghề này trước tiên phải xác định tâm lý, phải đặt cái tâm lên hàng đầu nếu không sẽ không ai bám trụ được lâu dài”, bác sĩ Nga nói.

Chuyện người nhà mang bệnh nhân đến trước cổng viện bỏ đấy là chuyện cơm bữa. Y, bác sĩ lại ra đón người bệnh vào, cắt tóc, tắm rửa, cho ăn uống... Những lần họ lên cơn kích động, tấn công y, bác sĩ, cả bệnh viện nháo nhác, nhân viên y tế cùng nhau cố định bệnh nhân rồi cho uống thuốc để định thần. Hết cơn, bệnh nhân trấn tĩnh quay lại xin lỗi. Vòng tuần hoàn oái oăm ấy lặp đi lặp lại.
Hay mỗi khi bệnh nhân trốn viện, bác sĩ lại chia nhau ra đi tìm. Bác sĩ, điều dưỡng phục vụ bệnh nhân từ A đến Z, vừa như người cha, người mẹ lắng nghe, tâm sự, giải tỏa tâm lý, vừa là bảo mẫu, vừa là osin. “Tiếp xúc, trò chuyện lâu thì thấy thật ra bệnh nhân tâm thần đáng thương lắm!” – niềm thương cảm với bệnh nhân là chìa khóa để bác sĩ Nga gắn bó với nghề hơn chục năm nay.
Nơi vừa phải yêu thương vừa luyện tinh thần thép
Có lẽ, cũng chẳng ở đâu mà cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện tự bỏ tiền túi ra nuôi bệnh nhân như ở đây. Nhiều bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn, người nhà bỏ bê, bác sĩ bỏ tiền riêng cho bệnh nhân mua thức ăn. Nếu gia đình bệnh nhân có thì trả lại, không có rồi cũng thôi. Có những bệnh nhân đến điều trị nhiều năm, bệnh viện như là ngôi nhà thứ hai của họ.

Đôi chân thoăn thoắt đến phòng bệnh, nơi bệnh nhân L.T.H (SN 1986, trú xã Việt Tiến, Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị tâm thần phân liệt, bác sĩ Lê Thị Quỳnh Nga và điều dưỡng Võ Lê Thanh Huyền ân cần hỏi thăm, chia sẻ với bệnh nhân. Chị H. là bệnh nhân quen thuộc của bệnh viện, 6 năm qua, chị cùng người nhà coi đây là ngôi nhà thứ hai. Mỗi đợt đến điều trị từ 15 đến 20 ngày rồi về dùng thuốc tại cộng đồng. “Hoàn cảnh của H. rất đáng thương, em ấy không lấy chồng, nuôi 1 đứa con, mọi gánh nặng đè lên vai người mẹ của H., lần nào đến điều trị cũng phải có mẹ đi cùng”, bác sĩ Nga nắm rõ hoàn cảnh từng gia đình bệnh nhân.
Với điều dưỡng Võ Thị Thanh Huyền (23 tuổi, trú phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh), công tác ở Bệnh viện sức khỏe tâm thần Hà Tĩnh 6 tháng nhưng nghề này không gây trở ngại cho chị. “Em thấy làm nghề này dù vất vả nhưng cũng vui, khi hiểu được hoàn cảnh bệnh nhân, em như đồng cảm với họ”, điều dưỡng Huyền bày tỏ.
Dường như mỗi nhân viên y tế công tác ở chốn “không bình thường” này đều luyện cho cho mình “tinh thần thép” để ứng biến với những tình huống dở khóc, dở cười khi bị bệnh nhân tấn công bất ngờ.
Chia sẻ về những kỷ niệm khi công tác tại Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Hà Tĩnh, bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng khoa Cấp tính nam kể: Không đâu xa, ngay sáng nay tôi vừa bị bệnh nhân bóp cổ xong. Lúc đó, một tay cầm bút, tay cầm giấy, một bệnh nhân loạn thần do rượu bỗng nhiên xông đến bóp cổ, tôi không kịp trở tay. Cũng may, tôi quen với những vụ việc như thế này nên chống trả được và còn có một số nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân, bảo vệ bệnh viện đến trợ giúp kịp thời.

31 năm công tác trong ngành tâm thần, bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng đã trang bị cho mình những kỹ năng phòng vệ, cố định bệnh nhân mỗi khi lên cơn kích động. Song, những tình huống bất ngờ như vừa rồi không thể tự mình chống đỡ. Vết sẹo gần mắt phải của bác sĩ Hùng là một tình huống như thế.
Theo bác sĩ Hùng, đây là một chuyên ngành rất đặc thù, vất vả, nguy hiểm nhưng chế độ đãi ngộ không có, nhân viên y tế chỉ cần sơ sẩy phải chịu thiệt. Bởi, bệnh nhân tâm thần không kiểm soát được hành vi, còn y, bác sĩ không có cơ chế bảo vệ. Trong khi đó, nhân lực thiếu trầm trọng. “Khoa Cấp tính nam có 2 bác sĩ nhưng 1 bác sĩ đang đi học nên một mình tôi quản lý, điều hành, khám, điều trị cho 40 đến 60 bệnh nhân/ngày. Một mình tôi trực toàn phần. Người ta trực thì có thời gian nghỉ, còn tôi không có ngày nghỉ. Nhiều lúc phải gồng mình lên mới làm hết công việc”, bác sĩ Hùng nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng, với bệnh nhân tâm thần, mỗi y, bác sĩ cần phải tạo được cái uy, phải cương quyết, cứng rắn mới khắc chế được họ. Y, bác sĩ thấy sợ, thấy ngại rồi rút lui trước hiểm nguy thì chỉ có bỏ nghề chứ không bao giờ ở lại trong môi trường này được.
Mỗi ngày, bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng đến bệnh viện từ lúc 6h sáng, buổi chiều cũng tan làm sau các nhân viên y tế khác. Công việc áp lực, nếu không yêu nghề, không có sự cảm thông, thấu hiểu của gia đình thì bác sĩ Hùng không thể gắn bó với nghề này được. “Vợ và con tôi công tác trong ngành nên thấu cảm cho tôi. Vì thế tôi mới làm trong nghề này 31 năm”, bác sĩ Hùng nói.
“Khát” nhân lực, thiếu vật lực
Phó Giám đốc Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Hà Tĩnh Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất của bệnh viện là thiếu nhân lực, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Số lượng cán bộ có chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề chuyên khoa tâm thần còn thấp. Nhiều năm qua, việc thu hút, tuyển y, bác sĩ về công tác tại bệnh viện rất khó.
Không những thiếu nhân lực, bệnh viện có thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc. Khoa Phục hồi chức năng đang lồng ghép trong Khoa Cấp tính nam nên rất chật chội. Mỗi khoa trung bình 50 bệnh nhân, khi lồng ghép 2 khoa thì có đến khoảng 70 bệnh nhân, dẫn đến quá tải. Máy móc trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho việc chuẩn đoán, xét nghiệm… cũng thiếu rất nhiều.
“Ngày nay, áp lực từ cuộc sống hiện đại khiến số người mắc các bệnh lý về tâm thần có xu hướng tăng lên. Trước đây, chủ yếu nông dân bị tâm thần, nhưng gần đây giới trí thức chịu áp lực công việc nên bị trầm cảm, stress tăng lên rất nhiều. Vì thế đòi hỏi chuyên khoa tâm thần cần đẩy mạnh hơn nữa về nhân lực, vật lực để đáp ứng yêu cầu của người bệnh”, bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng – Trưởng khoa Cấp tính nam, Bệnh viện sức khỏe tâm thần Hà Tĩnh chia sẻ.