Lòng tốt cần đặt đúng chỗ
Những ngày qua, dư luận xã hội “sôi nổi tranh luận” việc tiktoker Phạm Thoại và mẹ bé Bắp có thực sự sử dụng đúng mục đích số tiền thiện nguyện 16,7 tỷ đồng nhận được hay không. Trước sự đòi hỏi chính đáng của dư luận, tối 25/2, tiktoker Phạm Thoại cũng đã livestream để “giải thích” dòng tiền đi - đến trong tài khoản ngân hàng mà người này dùng để kêu gọi tiền từ thiện giúp bé Bắp chữa trị bệnh ung thư tại Singapore.
Trong buổi livestream, Phạm Thoại công khai các hóa đơn của bệnh viện ở Singapore - nơi bé Bắp đang điều trị, với quá trình nhận, rút tiền và mốc thời gian cụ thể. Tiktoker này còn khẳng định, sau buổi livestream sẽ lập vi bằng sao kê để công khai với mọi người. Để tỏ rõ sự minh bạch, ai có nhu cầu nhận sao kê để “nghiên cứu”, tiktoker này sẵn sàng gửi toàn bộ qua email chứ quyết không giấu giếm.
Trước phiên livestream của Phạm Thoại, mẹ bé Bắp cũng đã lên tiếng phân bua về những thông tin gây tranh cãi liên quan đến việc cho con trai đầu học trường quốc tế và quyết định làm lại răng sứ. Chị Hòa khẳng định những việc này không liên quan gì đến khoản tiền các nhà hảo tâm giúp đỡ để chữa trị cho bé Bắp. Mẹ bé Bắp cũng nhấn mạnh rằng, không có chuyện lợi dụng bệnh tình của con để kêu gọi tiền bạc như tin đồn.
Tuy mẹ bé Bắp và tiktoker Phạm Thoại đã thực hiện buổi livestream để giải thích thu chi khoản tiền thiện nguyện do các nhà hảo tâm đóng góp. Song, vẫn có không ít ý kiến nghi ngờ tính xác thực của các hóa đơn sao kê, bởi họ phát hiện có hóa đơn được thực hiện trong tương lai (8/11/2025). Đây có thể chỉ là sự nhầm lẫn, hoặc “lỗi đánh máy” nhưng cũng khiến dư luận xã hội không khỏi nghi ngờ sự minh bạch trong câu chuyện này.
Vào thời điểm này, để khẳng định việc tiktoker Phạm Thoại và mẹ bé Bắp có thực sự sử dụng tiền thiện nguyện đúng mục đích hay không thì còn quá sớm, mà cần có kết luận xác minh của cơ quan có thẩm quyền. Tác giả bài viết cũng không có ý định “mổ xẻ” câu chuyện đúng - sai ở đây, chỉ muốn luận bàn đôi chút về thái độ ứng xử của cả người cho và người nhận, để truyền thống thương người như thể thương thân không bị méo mó.
Vẫn biết việc kêu gọi từ thiện là điều đáng làm và nên làm (kể cả tổ chức hay cá nhân), để cộng đồng xã hội chung tay góp sức giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Pháp luật không những cho phép, mà còn bảo hộ hoạt động thiện nguyện trong sáng, từ tâm thật lòng. Song, không phải ai kêu gọi từ thiện cũng thực sự xuất phát từ thiện tâm muốn cứu giúp người khốn khó, cũng đã có không ít người lợi dụng lòng tốt của mọi người để trục lợi cá nhân.
Chẳng phải thực tế đã có không ít đối tượng lợi dụng việc kêu gọi từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người có lòng tốt đó sao? Dĩ nhiên, cũng có một số trường hợp ban đầu kêu gọi từ thiện xuất phát từ sự cảm thông với hoàn cảnh khó khăn, nhưng khi nhận được số tiền quá lớn đã nảy sinh lòng tham nên tìm mọi cách bớt xén, ăn chặn. Dù có ý định lừa đảo ngay từ đầu, hay sau đó nổi lòng tham cũng không thể chấp nhận được.
Do đó, pháp luật đã có những quy định khá chặt chẽ, yêu cầu người kêu gọi từ thiện buộc phải kê khai minh bạch số tiền thu - chi để cộng đồng xã hội giám sát. Các nhà hảo tâm cho dù quyên góp số tiền ít hay nhiều đều có quyền yêu cầu người kêu gọi từ thiện phải “bạch hóa” một cách đầy đủ hóa đơn chứng từ, để đảm bảo tiền được sử dụng đúng mục đích, giúp đỡ đúng đối tượng khó khăn, chứ không phải để chi dùng cho cá nhân kêu gọi.
Song, ngay cả như vậy cũng không thể đảm bảo lòng tốt của các nhà hảo tâm được đặt đúng nơi, đúng chỗ. Cùng lắm nếu có phát hiện sự gian dối thì cũng chỉ là xử lý người xấu trục lợi cá nhân, chứ hoàn toàn không thể thu hồi lại khoản tiền thiện nguyện đã quyên góp. Trong khi đó ngoài xã hội còn rất nhiều những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì lại không nhận được sự giúp đỡ đáng quý, đáng trân trọng của các nhà hảo tâm.
Vì vậy, mỗi khi tham gia đóng góp thiện nguyện, mọi người cần tỉnh táo để không bị lợi dụng. Trước khi quyên góp thiện nguyện, các nhà hảo tâm nên xem xét hoàn cảnh cụ thể, làm rõ địa chỉ nhận từ thiện, xác định người thật, việc thật mới chuyển tiền, tránh việc a dua theo số đông để rồi mất tiền hoặc giúp đỡ không đúng đối tượng. Lòng tốt cần được đặt đúng chỗ mới có thể thực sự giúp đỡ được những hoàn cảnh khó khăn, có vậy mới giữ gìn và phát huy được truyền thống tốt đẹp “thương người như thể thương thân”.