Quyết liệt khống chế dịch sởi
Dịch sởi tiếp tục có những diễn biến phức tạp khi Hà Nội vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên trong năm 2025 do căn bệnh này. Theo các chuyên gia y tế, cả trẻ em và người lớn đều có thể là nạn nhân của dịch bệnh. Trong bối cảnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh.
.jpg)
Chủ yếu các ca mắc do chưa tiêm vaccine
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trường hợp tử vong nói trên là bé gái (4 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm), có tiền sử không tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Bệnh nhi khởi phát bệnh vào ngày 10/3 (phát ban ngày 15/3). Đến ngày 17/3, trẻ có dấu hiệu khó thở nhiều, được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi trung ương điều trị.
Sau đó, bệnh nhi diễn biến nặng, được điều trị tích cực (thở máy, lọc máu, ECMO), tình trạng không cải thiện và tử vong ngày 18/3 với chẩn đoán suy đa tạng/viêm phổi ARDS-bão cytokine trên nền bệnh sởi.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết thêm, trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 182 trường hợp mắc sởi - tăng 51 ca so với tuần trước đó tại 26 quận, huyện và 88 xã phường, thị trấn. Cơ quan này nhận định, số ca mắc sởi trong tuần tiếp tục tăng so với tuần trước, chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng. Đáng lưu ý, hiện đã ghi nhận trường hợp tử vong ở trẻ chưa tiêm vaccine. Dự báo, sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.
Như vậy, từ đầu năm 2025 đến nay, trên phạm vi cả nước đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong liên quan đến dịch sởi. Đồng thời ghi nhận 42.488 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 4.027 trường hợp dương tính với sởi.
Bộ Y tế đánh giá, đa số trường hợp mắc bệnh ở nhóm trẻ em từ 9 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi (72,7%). Chủ yếu bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm vaccine phòng bệnh sởi hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (chiếm hơn 95%). Bệnh ghi nhận chủ yếu ở các thành phố lớn, di biến động dân cư cao, tuy nhiên đã có xu hướng gia tăng tại các tỉnh miền núi.
Trong tháng 3 hoàn thành tiêm vaccine
Bộ Y tế dự báo, dịch sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng, sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước, đặc biệt ở một số tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn, những tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi thấp. Tuy nhiên, trên cơ sở triển khai quyết liệt hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch như khoanh vùng, dập dịch và tiêm chủng vaccine... tình hình dịch bệnh sởi vẫn trong tầm kiểm soát; sẽ từng bước được khống chế để hạn chế lây lan, bùng phát và số trường hợp mắc bệnh.
Nhằm thúc đẩy việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi, đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm chủng cho các nhóm đối tượng để nhanh chóng kiểm soát tình hình, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đánh giá nguy cơ, xác định các khu vực nguy cơ cao để đề xuất các giải pháp ưu tiên phòng, chống dịch, các phương án tổ chức chiến dịch tiêm chủng phù hợp với diễn biến thực tế, không để bùng phát dịch sởi trong thời gian tới.
Khẩn trương rà soát, đảm bảo đủ nhân lực hỗ trợ các địa phương, nhất là nơi đang ghi nhận gia tăng bệnh sởi để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trên địa bàn, ưu tiên các huyện đang có nhiều ca mắc hoặc nghi mắc sởi, áp dụng hình thức triển khai tiêm chủng phù hợp như tiêm chủng lưu động, tiêm chủng tại nhà, hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi trong tháng 3/2025.
Triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm bù, tiêm vét hằng tháng cho các đối tượng chưa tiêm và tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi. Tổ chức các hình thức tiêm chủng phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của mỗi địa bàn như tiêm chủng lưu động tại các khu cộng đồng dân cư, tiêm chủng ngoài giờ hành chính.
Đề xuất bố trí nguồn lực đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi, huy động xã hội hóa, doanh nghiệp hỗ trợ vaccine; tổ chức hội nghị cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi cho các trường học, doanh nghiệp, vận động tiêm chủng đầy đủ, cảnh báo nguy cơ biến chứng sau mắc bệnh sởi.
Thực hiện tốt công tác phân luồng khám bệnh, thu dung, điều trị bệnh nhân, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp ghi nhận gia tăng các trường hợp nhập viện, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong.