Sức khỏe

Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng thực phẩm minh bạch

Quốc Định 27/03/2025 14:37

Trong bối cảnh hiện nay, thực hiện nghiêm ngặt an toàn thực phẩm là yếu tố then chốt cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời giúp giảm bớt rủi ro khác liên quan đến thực phẩm kém chất lượng như thương hiệu xuất khẩu, môi trường…

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) khẳng định như trên tại Hội thảo “Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ” do ITPC tổ chức ngày 27/3.

bà Hồ Thị Quyên -PGĐ ITPC (1)
Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại chương trình. Ảnh: Q.Đ.

Theo bà Quyên, khi xã hội ngày càng tiến bộ, nhận thức và nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng thay đổi rõ rệt, với xu hướng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thực phẩm sạch, có nguồn gốc hữu cơ và xuất xứ minh bạch.

Phó Giám đốc ITPC cho rằng, để đáp ứng yêu cầu pháp lý và nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp thực phẩm cần ưu tiên nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

“Việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng hiệu quả, minh bạch và đáng tin cậy sẽ góp phần củng cố thương hiệu và mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế”, bà Quyên nói.

ảnh Quang VOV (3)
An toàn thực phẩm đang được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu trước khi quyết định chọn mua Ảnh: Q.Đ.

Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, nguyên Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đánh giá, giá trị về vai trò thiết yếu của bao bì trong ngành thực phẩm, không chỉ là lớp bảo vệ bên ngoài mà còn là yếu tố quan trọng trong việc duy trì chất lượng và an toàn của sản phẩm.

Bà Cúc cung cấp cho các doanh nghiệp góc nhìn khá toàn diện về các loại vật liệu bao bì đa dạng, từ nhựa với tính linh hoạt và chi phí hợp lý, đến giấy và carton thân thiện với môi trường, kim loại bền bỉ, thủy tinh trơ về mặt hóa học và đặc biệt là sự phát triển của vật liệu sinh học, mở ra nhiều lựa chọn bền vững hơn.

Bên cạnh đó, bà Cúc cũng nêu rõ Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa, giúp các doanh nghiệp nắm vững các yêu cầu về thông tin sản phẩm, thành phần dinh dưỡng và các cảnh báo cần thiết cho người tiêu dùng. Những xu hướng và công nghệ mới trong bao bì thực phẩm, như bao bì thông minh có khả năng theo dõi chất lượng sản phẩm, bao bì hoạt tính giúp kéo dài thời gian bảo quản và bao bì sử dụng vật liệu tái chế, sẽ mang lại những giải pháp thân thiện với môi trường cho ngành thực phẩm Việt Nam.

img_0364.jpg
Nhiều đại diện doanh nghiệp đến tham gia Hội thảo "Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ". Ảnh: Q.Đ.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành thực phẩm thường phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức đặc thù, như: những hạn chế về cơ sở vật chất, quy trình sản xuất chưa được tối ưu hóa và nguy cơ ô nhiễm chéo cao.

Đề cập đến vấn đề trên, ông Nguyễn Trung Dũng, đại diện một doanh nghiệp chuyên kiểm nghiệm và giám định thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh cho biết, việc đánh giá các yếu tố gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm phải mang tính toàn diện. Từ đó, các doanh nghiệp được khuyến khích tập trung vào việc lựa chọn nhà cung cấp uy tín, kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến và bảo quản, đào tạo nâng cao nhận thức cho nhân viên, cũng như thiết lập hệ thống giám sát và lưu trữ hồ sơ đầy đủ.

img_0584.jpg
Đại diện một doanh nghiệp trao đổi về giải pháp sản xuất, kinh doanh thực an toàn. Ảnh: Q.Đ.

Hội thảo cũng tập trung thảo luận về tầm quan trọng của việc kiểm soát dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh trong thực phẩm, đây là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp khi đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề cập đến những quy định nghiêm ngặt về giới hạn dư lượng hóa chất được áp dụng tại nhiều quốc gia, khu vực như Liên minh Châu Âu (EU), Hoa Kỳ và Nhật Bản, bao gồm Quy định (EC) số 396/2005 của EU về mức dư lượng tối đa (MRL) đối với thuốc bảo vệ thực vật, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc rõ ràng; hoạt động kiểm soát của Hoa Kỳ thông qua Đạo luật hiện đại hóa An toàn Thực phẩm (FSMA), đòi hỏi kiểm tra và chứng nhận an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu; hệ thống "Positive List" của Nhật Bản, nghiêm cấm việc sử dụng các hóa chất chưa được kiểm chứng an toàn trong thực phẩm…

Quốc Định