Chuyển đổi số giúp minh bạch tuyển sinh
Mùa tuyển sinh năm 2025, ngoài việc đăng ký thi tốt THPT bằng tài khoản được cấp trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), thí sinh có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập (thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia) và thực hiện đăng ký.
Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06 của Bộ GDĐT vừa diễn ra, ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin (Bộ GDĐT) cho biết: Việc đăng ký thi tốt nghiệp THPT, đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học (ĐH), thanh toán lệ phí xét tuyển, xác nhận nhập học theo hình thức trực tuyến... đã được thực hiện và thành công ngay từ năm đầu tiên (năm 2022). Mỗi năm có khoảng 1 triệu thí sinh tham gia. Từ năm 2023 đến nay, mỗi năm có khoảng 750.000 thí sinh cuối cấp thuộc diện chính sách không phải xin giấy xác nhận cư trú của địa phương để được hưởng chính sách ưu tiên trong việc xét tốt nghiệp, xét tuyển vào các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường ĐH và dự bị ĐH dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, trong năm 2025, theo quy chế thi tốt nghiệp THPT mới, thí sinh tự do được phép đăng ký dự thi trực tuyến, việc này giúp tỷ lệ đăng ký trực tuyển có thể sẽ tiệm cận 100%. Ngoài việc đăng ký bằng tài khoản được cấp trên hệ thống của Bộ GDĐT, thí sinh có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập (thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia) và thực hiện đăng ký, do đó gia tăng sự thuận tiện cho thí sinh.
Cùng đó, Bộ GDĐT cũng đã thành lập Ban chỉ đạo, đã hoàn thành giai đoạn 1 về triển khai mô hình thí điểm học bạ số cấp tiểu học. Sau thí điểm giai đoạn 1, Bộ GDĐT đã xác định được mô hình kỹ thuật theo hướng cơ sở dữ liệu tập trung. Hiện nay, Bộ đã hướng dẫn triển khai học bạ số đại trà cho cấp tiểu học và hướng dẫn triển khai thí điểm học bạ số cấp trung học cơ sở (THCS), THPT và Giáo dục thường xuyên (GDTX).
Tại cuộc họp này, lãnh đạo Bộ GDĐT đã chỉ đạo một số nội dung cần tập trung trong thời gian tới, đó là: Tích hợp nội dung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng vào Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao; hoàn thiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa 2 cơ sở dữ liệu cơ sở dữ liệu về lao động, việc làm và cơ sở giáo dục về giáo dục nghề nghiệp (GDNN); triển khai thí điểm văn bằng số trong hệ thống giáo dục; đẩy mạnh cắt giảm, xóa bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết…
Nội dung chia sẻ dữ liệu được các trường nghề, thí sinh, người học quan tâm. Lâu nay, các trường gặp khó trong tuyển sinh vì thiếu dữ liệu học sinh THPT. Để tuyển đủ chỉ tiêu, khối các trường nghề phải “gõ cửa” trực tiếp các trường phổ thông để phục vụ công tác tuyển sinh. Mong muốn của trường nghề thời gian qua là những dữ liệu liên quan đến học sinh tốt nghiệp THPT sẽ được chia sẻ với các đơn vị GDNN.
Cụ thể hơn, trong khi Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đề ra mục tiêu phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%. Nhưng trên thực tế các trường nghề không nắm được dữ liệu về học sinh phổ thông, việc tuyên truyền, hướng nghiệp đến người học rất khó khăn.
Trước đó, từ năm 2018 Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (cũ) đã có văn bản đề nghị Bộ GDĐT phối hợp và chia sẻ dữ liệu thông tin tuyển sinh, qua đó giúp người học có thêm sự lựa chọn cao đẳng, trung cấp bên cạnh việc đăng ký học ĐH. Khi ấy, đại diện Tổng cục GDNN cũ cho hay, việc đề nghị phối hợp nhằm hỗ trợ người trẻ có nhiều sự lựa chọn ngành học phù hợp với khả năng. Đồng thời với đó là đề nghị Bộ GDĐT ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa trình độ THPT mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng.
Theo đại diện các trường nghề, việc quản lý/chia sẻ hệ thống dữ liệu tuyển sinh chung của Bộ GDĐT sẽ mang lại nhiều thuận lợi rõ rệt, giúp mở rộng khả năng tiếp cận thí sinh, tối ưu hóa quy trình tuyển sinh và tăng cường tính minh bạch, công bằng.