Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường viện trợ cho người Myanmar sau động đất
Các quan chức Liên hợp quốc (LHQ) đã khảo sát thiệt hại do động đất ở Myanmar và kêu gọi cộng đồng toàn cầu tăng cường viện trợ cho người dân nước này trước khi mùa gió mùa sắp tới có thể làm trầm trọng thêm tình hình, với số người chết là 2.719 và dự kiến sẽ vượt quá 3.000.
“Nước uống, vệ sinh, thực phẩm, nơi trú ẩn và thuốc men là những nhu cầu cấp thiết nhất sau khi các tòa nhà, đường sá và cầu bị hư hại nặng nề”, ông Marcoluigi Corsi, điều phối viên nhân đạo và thường trú tại địa phương của LHQ cho biết sau chuyến thăm kéo dài 2 ngày.
"Tất nhiên, chúng tôi vẫn cam kết sâu sắc trong việc tiếp cận những người dân Myanmar cần viện trợ. Chúng tôi phải hành động nhanh chóng để cung cấp cứu trợ trước mùa gió mùa sắp tới, điều này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khủng khiếp này", người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric cho biết.
Ngày 1/4, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết, nơi trú ẩn, nước sạch và thuốc men đang khan hiếm sau trận động đất lớn ở Myanmar.
Trận động đất mạnh 7,7 độ Richter diễn ra hôm 28/3 đã giết chết hơn 2.700 người và khiến hơn 4.500 người bị thương, làm hư hại nghiêm trọng cơ sở hạ tầng quan trọng bao gồm các cây cầu và đường bộ lớn.
"Thời gian tìm kiếm và cứu nạn quan trọng đang thu hẹp lại... Nơi trú ẩn, nước sạch và thuốc men đang khan hiếm. Người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng đã phải ngủ ngoài trời vì không có điện hoặc nước sạch", ông Marcoluigi Corsi, Điều phối viên nhân đạo và thường trú tại Myanmar của OCHA, cho biết.
Nhiều cơ quan của Liên hợp quốc đã lên tiếng báo động về tình trạng thiếu nước uống và lo ngại về sự lây lan của dịch tả.
"Tình hình thực sự rất tồi tệ - nhu cầu cấp thiết nhất là nước vì thời tiết đang rất nóng. Đường ống nước và bể phốt đã bị vỡ", bà Julia Rees, Phó đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các bệnh viện đã quá tải và nguồn cung cấp y tế đang cạn kiệt, thiếu nước sạch và nhiên liệu.
Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc (UNHCR) đã xác định tình hình là một cuộc khủng hoảng nhân đạo cấp cao và đang huy động các nguồn dự trữ như tấm nhựa, vật liệu ngủ và màn chống muỗi.
UNHCR cho biết, các nỗ lực ứng phó đã trở nên phức tạp do đường sá và cầu bị hư hại nghiêm trọng, nghĩa là các nhóm của UNHCR phải mất 13 giờ để di chuyển từ Yangon đến Mandalay, trong khi hành trình thông thường chỉ mất 8 giờ.
"Những yêu cầu cấp thiết nhất là nơi trú ẩn và các vật dụng cứu trợ… , ra còn có nguy cơ về bom mìn do 4 năm xung đột vẫn đang diễn ra", đại diện của UNHCR Babar Baloch cho biết.
OCHA, UNHCR và UNICEF đã nêu lên mối quan ngại về tài trợ, thúc giục các quốc gia cung cấp tiền để họ có thể bổ sung hàng dự trữ.
"Các kho dự trữ trên thực địa sẽ không tồn tại mãi mãi, vì vậy điều rất quan trọng là chúng ta phải có được các nguồn lực cần thiết", ông Baloch cho biết.