Tinh hoa Việt

Chọn ngành học phù hợp với thời kỳ mới

Hàn Minh 11/04/2025 09:15

Mùa tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng 2025 đang đến gần. Công tác tư vấn chọn ngành học, hướng nghiệp cho học sinh được quan tâm từ nhà trường, gia đình và xã hội. Các chuyên gia lưu ý cần dự báo xu hướng của giai đoạn mới khi việc làm ở khu vực nhà nước có tác động bởi cuộc sắp xếp tinh gọn bộ máy trong khi ở khu vực ngoài nhà nước, một số ngành có biến động do tác động của AI và cách mạng công nghệ.

bach khoa
Học sinh trải nghiệm Lab-tour của Trường Điện - Điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội). Ảnh: Duy Thành.

AI có ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp?

Tại Ngày hội tuyển sinh tư vấn hướng nghiệp 2025 vừa diễn ra vào tháng 3-2025, một trong những câu hỏi được nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm nhất đó là: Trước làn sóng cắt giảm nhân sự và bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, các ngành học, nhất là những ngành ngôn ngữ liệu có bị AI “soán ngôi”, người học có bị ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp?

Dự báo xu hướng nghề nghiệp trong tương lai
PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định nhìn nhận trong 5-10 năm tới, một số lĩnh vực sẽ phát triển mạnh. Cụ thể, công nghiệp công nghệ số là lĩnh vực đang hình thành với các hoạt động như sản xuất tài sản số, cung cấp dịch vụ công nghệ số, phát triển AI, dữ liệu lớn (Big Data)… Điều này cho thấy một bước tiến cao hơn so với ngành Công nghệ thông tin truyền thống. Công nghiệp giải trí, văn hóa – truyền thông với xu hướng phát triển nhờ sự bùng nổ của công nghệ số và AI, đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của con người. Công nghệ y khoa, chăm sóc sức khỏe: Ngành y khoa đang chuyển dịch thành một ngành công nghệ, ứng dụng AI và dữ liệu lớn trong chẩn đoán, điều trị.

Nỗi lo thất nghiệp ngay từ khi còn chưa chọn được nghề, ngành học phù hợp để xét tuyển chưa khi nào lại rõ ràng như thời điểm này khi cuộc sắp xếp tinh gọn bộ máy đang diễn ra rộng khắp cả nước. Học gì để sau khi ra trường có việc làm với thu nhập tốt, cơ hội thăng tiến cao là trăn trở của tất cả những ai đã đang và sẽ đứng trước quyết định chọn hướng đi nào sau tốt nghiệp THPT, THCS…

Chia sẻ nỗi lo lắng của người trẻ, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết đối với ngành báo chí, mục tiêu của quy hoạch là tổ chức, sắp xếp hợp lý, tinh gọn hiệu quả các cơ quan báo chí trên cả nước để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị, đặc biệt đáp ứng bối cảnh chuyển đổi số. Trong khi đó, con người luôn cần những thông tin để phục vụ sự phát triển, từ cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, toàn quốc… nên nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực báo chí, truyền thông luôn đặt ra. Bên cạnh đó, khi học báo chí truyền thông, ngoài làm việc ở khu vực công, sinh viên còn có thể làm truyền thông doanh nghiệp, quản trị sự kiện, thương hiệu, sáng tạo nội dung… rất đa dạng.

PGS. TS Đặng Thị Thu Hương cũng thẳng thắn chỉ ra AI đang hỗ trợ, thay đổi diện mạo của báo chí Việt Nam cũng như quốc tế với nhiều điểm tích cực. Nhưng AI sẽ không thể thay thế được nhà báo, vì nhà báo còn rất nhiều vai trò quan trọng như kiểm chứng thông tin, nhận diện đa nhiều, định hướng thông tin và cảm xúc và các giải pháp mang tính nhân văn…

Về vấn đề này, bà Phạm Thanh Hà, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương nhận định, AI đang tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành nghề, nhưng chỉ là công cụ hỗ trợ. Ví dụ, ở ngành phiên dịch, AI dịch khá tốt và nhanh, nhưng thực tế, khách nước ngoài khi đến Việt Nam còn muốn tìm hiểu rất nhiều về phong tục tập quán, về văn hóa, về đặc điểm riêng của từng vùng, miền... Du khách thích được giao tiếp, tìm hiểu và tương tác với con người cụ thể. Điều ấy cho thấy, AI không thể thay thế con người. Thí sinh đừng quá lo lắng, hãy tập trung học tập thật tốt và tận dụng được các lợi ích từ công nghệ để tăng hiệu suất.

GS. Yann LeCun, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, một trong những nhà khoa học đặt nền móng cho AI từng chỉ ram trong vài năm tới, AI sẽ rất khác biệt, tốt hơn rất nhiều lần. Tuy nhiên, việc AI có thể đạt được trí tuệ tầm con người vẫn là một tương lai xa. “Cha đẻ” của AI khẳng định, không cần lo lắng về việc AI thông minh sẽ thay thế con người bởi hiện tại, AI chưa có khả năng suy xét, lý luận, chưa có thế giới quan để hiểu cách sự vật, sự việc vận hành như thế nào.

Dẫu vậy, không thể phủ nhận thực tế, với sự phát triển không ngừng của công nghệ luôn tạo ra những thay đổi lớn cho thị trường lao động. Theo dự đoán từ báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2023, trong khi hàng triệu việc làm có thể bị thay thế bởi máy móc, thì cũng sẽ có hàng triệu cơ hội mới xuất hiện, tạo ra một thị trường lao động vô cùng sôi động và đầy tiềm năng.

bk.jpg
Học sinh tham dự Ngày hội Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2025.

Nhà trường thay đổi đáp ứng yêu cầu mới

Theo Báo cáo Thị trường IT Việt Nam 2024 – 2025 từ Topdev, một nền tảng tuyển dụng IT cho doanh nghiệp, mức lương trung bình của lập trình viên tại Việt Nam vào năm 2024 ước tính dao động từ 1.100 đến 3.000 USD mỗi tháng, tùy theo kinh nghiệm và vị trí công việc. Nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin nhiều năm qua luôn có sức hút lớn với các thí sinh khi chiếm tỉ lệ cao trong đăng ký xét tuyển vào ĐH cũng như tỉ lệ nhập học. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường nhân lực ngành bán dẫn Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng thì đây càng là một lựa chọn hấp dẫn. Nhưng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, cạnh tranh lớn với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo AI đem đến cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên toàn thế giới, không riêng gì Việt Nam cũng đặt ra cho lực lượng lao động những đòi hỏi cấp thiết. Để bảo đảm không thất nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào, các chuyên gia phân tích vấn đề không chỉ ở nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường mà còn ở năng lực của mỗi ứng cử viên. Nếu chuyên môn giỏi, kỹ năng tốt, sinh viên tốt nghiệp có thể tìm được việc làm mong muốn. AI và các công nghệ mới chỉ là công cụ hỗ trợ, giúp con người nâng mức cạnh tranh. Vì thế, điều quan trọng nhất là khi đã chọn được ngành nghề phù hợp, thí sinh cần tập trung cao độ để học tập và rèn kỹ năng. Chỉ những người không chịu nỗ lực thay đổi, thích ứng và không áp dụng đúng cách, tư duy đúng kiểu thì mới phải lo sợ trước AI.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đưa ra khuyến nghị cho các cơ sở đào tạo nghề nghiệp là phải đổi mới chương trình đào tạo để giúp sinh viên có kỹ năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường lao động hiện nay.

Cụ thể, Falmi đề nghị các trường phát triển chương trình đào tạo liên ngành, kết hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực công nghệ và kinh tế, kỹ thuật với môi trường, y tế và công nghệ… Theo Falmi, có như vậy thì mới đào tạo được những nhân lực có khả năng thích ứng cao với nghề nghiệp trên thị trường lao động hiện nay.

Đặc biệt, các trường phải quan tâm đầu tư vào việc đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng số, lồng ghép vào các môn học, chú trọng đào tạo các ngành nghề theo xu hướng phát triển mới của nền kinh tế hiện nay là kinh tế xanh, kinh tế bền vững, công nghệ sáng tạo… Đó là những kỹ năng mà người lao động cần, những nghề nghiệp mà doanh nghiệp cần trong giai đoạn sắp tới.

Các chuyên gia nhận định với những nhu cầu mới phát sinh về các ngành nghề, việc đào tào nhân lực có kiến thức nền tảng vững chắc, có năng lực tự học, sáng tạo, có khả năng nghiên cứu, học tập, làm việc theo hướng liên ngành, xuyên ngành sẽ tạo cho nhân lực có tính năng động, sáng tạo dễ thích ứng với những yêu cầu thách thức mới của thị trường lao động, tránh lãng phí.

Trở thành phiên bản tốt hơn qua mỗi ngày

Trong bối cảnh rất nhiều công việc chịu áp lực lớn vì bị trí tuệ nhân tạo và người máy thay thế, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận chỉ có thực học mới là nền tảng của thành công.

PV: Việc định hướng sớm trong học tập để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp giữ vai trò như thế nào, thưa ông?

ong-le-viet-khuyen.jpg

TS Lê Viết Khuyến: Nhìn từ kinh nghiệm ở các quốc gia phát triển, định hướng nghề nghiệp luôn được bắt đầu rất sớm, ngay từ bậc phổ thông. Hoạt động này thường được tổ chức bài bản thông qua các buổi chuyên đề giữa phụ huynh với học sinh, nhà trường với học sinh. Thông qua các bài trắc nghiệm hướng nghiệp, kiểm tra tính cách để đánh giá bản thân phù hợp với ngành, nghề nào. Hướng nghiệp ngay từ cuối cấp THCS, đẩy mạnh hơn ở cấp THPT là phù hợp với sự phát triển tâm lý học sinh.

Tại Việt Nam, hoạt động hướng nghiệp đã được quan tâm trong nhiều năm qua, điển hình là Chính phủ đã phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” chính là một bước tiến dài, khẳng định vai trò quan trọng của hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông. Bên cạnh đó, học sinh và gia đình ngày nay cũng có nhiều kênh tham khảo, tìm hiểu về ngành nghề nên có thể chủ động từ sớm việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện hoàn cảnh gia đình và xu hướng tương lai.

Mỗi mùa tuyển sinh các trường ĐH liên tục mở ra các ngành học mới cùng lời giới thiệu rất hấp dẫn về triển vọng việc làm sau tốt nghiệp… Nhưng đi cùng với đó là rất nhiều thông tin về thị trường việc làm khó khăn, tình trạng cử nhân thất nghiệp, ảnh hưởng của AI và cuộc sắp xếp tinh gọn bộ máy đang diễn ra mạnh mẽ làm dấy lên những lo lắng của người trẻ trong việc quyết định chọn ngành nghề để theo học sau khi tốt nghiệp phổ thông, thưa ông?

Công tác dự báo thông tin quốc gia về phát triển nguồn nhân lực đã được Việt Nam chú trọng và triển khai nhiều năm qua nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Các nhà trường mong muốn dựa vào đó để đưa ra chỉ tiêu đào tạo sát với nhu cầu của xã hội trong khi người học hy vọng đây là một kênh thông tin đáng tin cậy để giúp định hướng tương lai khi chọn nghề. Bởi việc định hướng nghề nghiệp sai sẽ gây ra nhiều lãng phí cho người học lẫn xã hội, tạo thêm áp lực thất nghiệp ở giới trẻ.

Đối với AI, tôi nhận thấy sự lo lắng không chỉ của người trẻ về cơ hội việc làm mà nó còn tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động nhiều ngành nghề. Khảo sát công bố đầu năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) với hàng trăm doanh nghiệp lớn, trong 5 năm tới, nhiều việc làm có thể bị cắt giảm vì trí tuệ nhân tạo. Trong đó, từ nay đến 2030, 41% có kế hoạch giảm nhân sự khi AI đảm nhận một số việc, 77% cho biết có kế hoạch đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho lao động hiện tại trong giai đoạn 2025-2030 để làm việc cùng AI tốt hơn.

Nhưng ở chiều ngược lại, gần 70% doanh nghiệp lên kế hoạch tuyển nhân sự có kỹ năng thiết kế công cụ AI. 62% dự định tăng tuyển nhân sự có thể làm việc cùng AI tốt hơn.

Rõ ràng, trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế nhiều công việc, trước mắt là những công việc đơn giản còn với những công việc đòi hỏi chuyên môn cao, tôi tin rằng con người sẽ giữ vai trò chủ đạo.

Để không tụt hậu, không có cách nào khác là không ngừng học tập, nâng cấp bản thân. Dòng chảy kiến thức của nhân loại không vì ai, không vì điều gì mà dừng lại nên con người thời đại mới cần đến kỹ năng học tập suốt đời. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng đây là kỹ năng sinh tồn quan trọng nhất trong thời đại ngày nay. Tự học để trở thành phiên bản tốt hơn chính mình ngày hôm qua thì dù cho công nghệ có biến chuyển ra sao, các đơn vị cắt giảm nhân sự thế nào thì vẫn luôn có cơ hội dành cho những người nỗ lực thay đổi, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu mới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hương (thực hiện)

Hàn Minh