Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Con người có tổ có tông...

Nam Việt 07/04/2025 07:23

Ngày 6/12/2012, UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với dân tộc Việt Nam, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta.

g2.jpg
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trọng thể vào ngày mùng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Đỗ Thành.

“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu; thể hiện rõ lòng tôn kính tổ tiên. Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học, điều đó đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy đương đại” - UNESCO đánh giá về giá trị của Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ, Việt Nam.

Tại Phú Thọ, cũng như mọi năm, năm nay Lễ hội Đền Hùng được tổ chức rất trọng thể. Mà cũng không chỉ ở quê hương các Vua Hùng, khắp nơi trên cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài cũng cùng hướng về Đất Tổ tri ân công đức của Tổ tiên qua đó góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Dịp này, ở một nơi rất xa xôi, người Việt tại Argentina cũng hướng về đất nước. Phát biểu tại buổi gặp mặt thân mật đúng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, Đại sứ Ngô Minh Nguyệt cho biết mọi người Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu “Con Lạc - cháu Hồng,” dù ở bất cứ nơi đâu, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất cội nguồn. Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng là Quốc tổ có công dựng nên nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam, là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam.

Thự tế cho thấy, tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn công lao của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân trong truyền thống hào hùng của dân tộc về dựng nước và giữ nước cũng chính là củng cố truyền thống đại đoàn kết, tạo nên sức mạnh nội sinh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Triết lý của người Việt “con người có tổ có tông” và “uống nước nhớ nguồn” được trao truyền từ đời này sang đời khác, vì thế Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có sức sống mãnh liệt, trường tồn với thời gian. Cho dù trong thời kỳ nào thì Đền Hùng ở khắp đất nước luôn được nhân dân trông nom, hương khói và Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10/3 âm lịch) luôn có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt.

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, từ ý nghĩa, vai trò quan trọng của Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương trong truyền thống yêu nước của người dân Việt, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN, trong đó quy định Giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ lễ 1 ngày. Tới ngày 20/2/1995, Ban Bí thư đã ban hành Thông báo số 101-TB/TW khẳng định Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ lớn trong năm.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Trải qua bao biến cố của lịch sử, thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam vẫn mãi mãi thiêng liêng, được bảo tồn và lưu truyền với sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện cao nhất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt Nam, đó là lòng biết ơn đối với Hùng Vương và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Việc thờ cúng Hùng Vương trở thành tín ngưỡng đề cao sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã tạo nên truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng vượt qua mọi khó khăn thử thách của người Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong dòng chảy lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã ăn sâu vào tâm tưởng của người Việt; thể hiện sự ngưỡng vọng, thành tâm, đồng thuận của người Việt Nam. Phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong bối cảnh hiện nay, với tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc tạo nên sức mạnh nội sinh, đất nước sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nam Việt