Cởi mở về nguồn vốn cho doanh nghiệp
Khó tiếp cận nguồn vốn vay là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó mở rộng quy mô sản xuất, từ đó khó có thể bứt phá.
Doanh nghiệp “khát” vốn
Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chiếm tới 98% trong tổng số khoảng 963.000 DN Việt Nam hiện nay; đóng góp 45% GDP, đồng thời là khách hàng chính của các tổ chức tài chính và được xem là trụ cột của nền kinh tế nước nhà.
TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhận định, kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong tổng cầu và quyết định tốc độ tăng trưởng. Từ góc độ đầu tư vốn - một cấu phần quan trọng của tổng cầu, kinh tế tư nhân đóng góp 56% tổng đầu tư toàn xã hội - tỷ trọng rất cao so với kinh tế nhà nước và khu vực FDI. Chỉ cần đầu tư của kinh tế tư nhân tăng 1% sẽ mang lại mức tăng về giá trị tuyệt đối tương đương với việc đầu tư công phải tăng 2,5% và đầu tư nước ngoài phải tăng 3,5%... Thế nhưng, hiện nay các DN tư nhân mà nòng cốt là DN nhỏ và vừa rất khó tiếp cận các vốn vay.

Số liệu thống kê cho biết, hiện có khoảng 28% DN nhỏ và vừa đang rất “khát” vốn. Nói về thực tế này, giới chuyên gia kinh tế cho biết, cộng đồng DN nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nguyên do là bởi không có tài sản bảo đảm hoặc có tài sản bảo đảm nhưng giá trị thấp. Nếu được vay thì tỷ lệ vay trên giá trị tài sản bảo đảm đó không cao, chỉ khoảng 50-60%. Trong khi đó hoạt động vay tín chấp lại khó tiếp cận. DN nhỏ và vừa cũng khó tiếp cận việc cho vay dựa trên dòng tiền và chu kỳ vốn lưu động. Lý do bởi dự án của DN nhỏ và vừa có tính khả thi thấp, báo cáo tài chính thiếu tin cậy. Loại hình DN này thường chưa có kế hoạch kinh doanh và dự báo tài chính từ 3 - 4 năm.
Ngoài ra, cộng đồng DN nhỏ và vừa vẫn đang phải đối mặt với nhiều áp lực, thách thức từ bên ngoài như, sự cạnh tranh cao, thách thức trong quản lý dòng tiền...
Theo TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, vốn của DN hiện nay chủ yếu dựa vào ngân hàng thương mại. Chỉ khoảng 500 DN trong tổng số khoảng 900.000 DN hiện có huy động vốn trên sàn chứng khoán, nhưng ngay cả những DN này vẫn phải dựa vào vốn ngân hàng. Hiện cũng chỉ có khoảng 30 - 35% DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận vốn ngân hàng.
Lời giải cho bài toán khó
Trước những khó khăn, thách thức kể trên, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, khó tiếp cận vốn, DN có thể mất cơ hội kinh doanh. Ngược lại, thiếu sự linh hoạt để hợp tác, hỗ trợ DN phát triển, ngân hàng thương mại cũng bị ảnh hưởng. Trong một số giai đoạn, với một số nhóm DN, ngân hàng thương mại linh hoạt hơn để đồng hành cùng DN. Thực tế này cho thấy, cả ngân hàng và DN đều phải thay đổi. DN cần đảm bảo minh bạch hơn, xây dựng phương án kinh doanh khả thi trong khi ngân hàng cũng cần linh hoạt hơn, tạo điều kiện để các DN tiếp cận vốn.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Chính phủ cần mở ra thị trường vốn đầu tư đa dạng hơn, phát triển thị trường vốn có các loại quỹ, phát triển mạnh hệ thống quỹ bảo lãnh tín dụng nhằm giảm bớt rủi ro cho ngân hàng và hỗ trợ DN không có tài sản bảo đảm. Đồng thời, cần cải tiến quy trình bảo lãnh để bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, giúp DN dễ dàng tiếp cận vốn vay.
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, hiện vướng mắc lớn nhất của DN nhỏ và vừa chính là không có tài sản thế chấp đảm bảo đủ điều kiện vay vốn. Hiện một số ngân hàng đã triển khai hình thức cho vay dựa trên tài sản hình thành trong tương lai nhưng số lượng hạn chế, chủ yếu mang tính thử nghiệm. Do vậy, nhiều DN nhỏ và vừa vẫn khó phát triển, khó mở rộng quy mô.
Trước tình hình đó, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đề xuất, các ngân hàng nên phát triển các sản phẩm tín dụng phù hợp hơn với DN nhỏ và vừa: thực hiện cho vay tín chấp dựa trên dòng tiền kinh doanh ổn định, có hợp đồng đầu vào - đầu ra rõ ràng có thể xem xét cho vay mà không cần tài sản thế chấp… Ngoài ra, cần phát triển hệ sinh thái tài chính đa dạng hơn với nhiều kênh huy động vốn khác đồng thời cải tiến quy trình quỹ bảo lãnh tín dụng tạo điều kiện để DN nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận vốn hơn.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng toàn hệ thống đang phục hồi tích cực. Tính đến hết quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, cao gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước. Lãi suất cho vay bình quân giảm 0,4 điểm phần trăm so với cuối năm 2024, thể hiện nỗ lực của ngành ngân hàng trong chia sẻ khó khăn với DN.