Đầm Nhà Mạc trước nguy cơ ô nhiễm
Đầm Nhà Mạc thuộc xã Liên Vị (thị xã Quảng Yên) từng là một trong những vựa hải sản lớn nhất ở Quảng Ninh, nhưng giờ đây các loài thủy sản nước lợ ngon nức tiếng như cua, ngán, cá, tôm… đã có dấu hiệu cạn kiệt.
Ký ức trên đầm Nhà Mạc
Khu đầm Nhà Mạc là vùng đầm hai nước, vừa đón nhiều cửa sông chảy về, vừa tiếp giáp với vùng biển Cát Hải, Hải Phòng. Những tán rừng bẩn chua, rừng sú vẹt ở vùng bãi bồi ven biển, cửa biển khu vực đầm Nhà Mạc chính là “ngôi nhà” lý tưởng để các loài cua, tôm, cá sinh trưởng và phát triển. Từ nhiều năm nay, người dân Liên Vị đã đắp đầm ven biển nuôi các loài hải sản theo hình thức quảng canh cải tiến, ít có tác động của con người, chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên.

Anh Phạm Văn Tùng (thôn Vị Khê, xã Liên Vị) là người gắn bó với vùng đầm Nhà Mạc từ khi còn bé, cho đến bây giờ đã ngoài 50 tuổi, vẫn làm nghề lưới cua trên sông Rút. Anh kể, từ nhỏ đã theo bố mẹ đi ngòi (từ dân địa phương dùng chỉ các nghề đánh bắt hải sản trong rừng ngập mặn).
“Sản vật trên đầm Nhà Mạc ngày đó nhiều vô kể, cứ dẫm chân xuống bùn là có cua, ngán, hay cá bớp. Người dân Liên Vị có thể thiếu tiền, nhưng thức ăn thì không bao giờ thiếu” - anh Tùng nói.
Cả đời theo nghề đánh bắt trên đầm Nhà Mạc, anh Tùng là người thấu hiểu rõ nhất khu đầm, cũng là người nhận ra nguồn lợi thủy, hải sản ở đây đã cạn kiệt. Điều đó không diễn ra trong một vài năm mà cứ dần dần các loài hải sản khan hiếm dần.
“Khoảng chục năm về trước, đi trên bờ đê cũng có thể nhìn thấy cua, cá bớp ở dưới đầm mà lao xuống bắt. Nhưng giờ đi thuyền máy đánh lưới cả buổi, hôm nào may mắn cũng chỉ được 1 - 2 cân cua, nhiều buổi về tay không, lỗ tiền dầu máy” - anh Tùng kể.
Theo những lão ngư ở xóm Đông, thôn Vị Khê, xã Liên Vị thì giống cua ở đây không khác nhiều vùng khác. Nhưng sở dĩ cua ở Liên Vị thơm ngon và nhiều gạch bởi cua ở đây phần nhiều là cua tự nhiên. Với đặc trưng vùng đầm 2 nước, lại đón nhiều cửa sông chảy về nên các loại phù du sinh vật, các loại tảo biển đa dạng. Đây là nguồn thức ăn phong phú để cua biển sinh trưởng và phát triển tự nhiên.
Ngoài những loài hải sản thượng hạng như cua biển, tôm sú, ngán ngòi… trên đầm Nhà Mạc còn rất nhiều loài trở thành những món ngon khó cưỡng.
“Nước lên thì người dân đi đánh đáy bắt tép, tôm, cá trên sông, nước cạn thì vào rừng ngập mặn bắt cáy, xỉa ngán, đơm lờ… Hàng trăm thứ nghề quanh khu đầm Nhà Mạc. Nhưng giờ đi làm nghề sông nước chỉ còn những người trung niên trở lên, lớp trẻ giờ đi làm khu công nghiệp hết, với chẳng còn mấy mà đánh bắt” - ông Đỗ Trung Kiên - Trưởng thôn Vị Khê nói.
Khi các khu công nghiệp mọc lên
Sự biến mất dần của các loài thủy, hản sản trên đầm Nhà Mạc thấy rõ nhất trong vài năm trở lại đây. Bên những nhánh sông cửa biển, hay bãi bồi, đầm lầy bao năm nay là chốn mưu sinh của nhiều thế hệ người dân các xã Liên Hòa, Liên Vị, giờ mọc lên nhiều dự án khu công nghiệp và dịch vụ.
Thông tin với chúng tôi, một lãnh đạo thị xã Quảng Yên cho biết: Khu vực đầm Nhà Mạc đang có nhiều dự án quan trọng, góp phần phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng của khu vực. Nổi bật là Khu công nghiệp dịch vụ Đầm Nhà Mạc với tổng diện tích quy hoạch 3.710 ha, trong đó khu công nghiệp đầm Nhà Mạc có diện tích 1.735,85 ha. Chức năng chính là trung tâm công nghiệp với các dự án phục vụ cảng biển, công nghiệp chế biến và chế tạo. Ngoài ra còn các dự án thành phần: các khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, Nam Tiền Phong và Bạch Đằng đã và đang được triển khai xây dựng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong nhiều hội nghị cũng bày tỏ kì vọng khu vực đầm Nhà Mạc không chỉ là một trung tâm công nghiệp lớn mà còn là điểm nối chiến lược cho các hoạt động kinh tế, hỗ trợ mở rộng không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh nói chung và khu vực ven biển Quảng Yên nói riêng.
Một cán bộ phụ trách lĩnh vực thủy sản UBND thị xã Quảng Yên, cho biết: Việc xây dựng các khu công nghiệp có thể làm tăng ô nhiễm nước do chất thải từ các nhà máy khiến nước không còn sạch và làm giảm chất lượng môi trường sống của hải sản. Từ đây, các chất ô nhiễm có thể xâm nhập vào hệ sinh thái biển. Ngoài ra, việc xây dựng hạ tầng có thể làm thay đổi bề mặt đất và lòng biển, làm mất đi nơi cư trú của các loài hải sản, đặc biệt là những loài sống gần bờ.
Theo các chuyên gia, nếu được quản lý tốt, việc phát triển khu công nghiệp có thể đem lại lợi ích kinh tế cho khu vực, tạo điều kiện cho việc đầu tư vào các dự án bảo tồn và phục hồi nguồn lợi hải sản.
Để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực, cần có các biện pháp bảo vệ môi trường chặt chẽ và quy hoạch hợp lý trong việc phát triển khu công nghiệp, bao gồm việc tái tạo và bảo tồn môi trường sống của hải sản trên đầm Nhà Mạc.