Văn hóa

Cảnh gây ám ảnh trong phim “Nổi gió”

Việt Hà 12/04/2025 14:44

Ra mắt năm 1966, bộ phim "Nổi gió" của đạo diễn Huy Thành được đánh giá là một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển về đề tài chiến tranh. Hơn nửa thế kỷ sau, bộ phim một lần nữa sống lại trong lòng công chúng qua Cine7 – Ký ức phim Việt.

“Nổi gió” được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của tác giả Đào Hồng Cẩm. Phim khắc họa sâu sắc sự đối lập về tư tưởng giữa hai chị em Vân và Phương trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc.

Bộ phim kể về nhân vật Vân - một nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung, sau một thời gian dài gặp lại người em trai thất lạc trong chiến tranh, cô đau đớn phát hiện ra em mình - Phương - lại là một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hoà. Những xung đột gia đình bắt đầu, khi họ phải đưa ra lựa chọn của riêng mình giữa danh dự, tình thân và lý tưởng...

Không chỉ thành công trong việc xây dựng kịch tính và chiều sâu tâm lý nhân vật, "Nổi gió" còn gây ấn tượng mạnh với khán giả bởi những màn đối thoại sắc sảo, giàu tính triết lý.

Theo TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, chính sự chắt lọc trong ngôn ngữ và chiều sâu tư tưởng đã giúp "Nổi gió" vượt lên trên một tác phẩm điện ảnh thông thường, trở thành biểu tượng của dòng phim cách mạng – nơi ký ức, lịch sử và nhân văn được thăng hoa bằng nghệ thuật.

Bộ phim đã giành giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất năm 1970, khẳng định vị trí của mình trong dòng phim chiến tranh cách mạng.

Qua câu chuyện của Phương và Vân, bộ phim không chỉ tái hiện hiện thực lịch sử đầy biến động mà còn tôn vinh tinh thần yêu nước và lòng trung kiên của những con người dám đấu tranh vì chính nghĩa.

Noi gio1
“Nổi gió” là một tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Nguồn: VTV.

Một trong những thành công của “Nổi gió” là khắc hoạ được hình tượng nhân vật nữ có tính biểu tượng - Vân - một người phụ nữ vừa kiên trung, vừa mạnh mẽ nhưng cũng đầy xót thương, do cố NSND Thuỵ Vân thủ vai.

Trong phim, Vân là một chiến sĩ cách mạng. Chiến tranh đã tước đi của cô cả gia đình, cả người em trai, và đau xót hơn cả, con trai cô dù mới 3 tuổi đã bị hạ sát ngay trong tù. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, nhưng chưa bao giờ đủ sức lung lay ý chí và lòng kiên định của người phụ nữ ấy.

Có một chi tiết rất đặc biệt, đó là cố NSND Thuỵ Vân – người đảm nhận vai chị Vân không phải là người con gái miền Nam mà sinh ra và lớn lên ở miền Bắc. Tuy vậy, bà đã hóa thân đầy thuyết phục vào vai người phụ nữ Bến Tre, kiên cường, bất khuất.

Một trong những cảnh quay gây ám ảnh nhất là khi nhân vật Vân bị địch tra tấn bằng cách đốt mười đầu ngón tay. Chia sẻ về cảnh quay này, TS. Ngô Anh Đào – con gái của NSND Thuỵ Vân – cho biết: “Đây là cảnh quay đạo diễn Huy Thành yêu cầu chỉ thực hiện một lần duy nhất. Tay mẹ tôi được quấn băng, đắp thạch cao và đốt bên ngoài.

Bên cạnh luôn có người cầm sẵn xô nước để sẵn sàng ứng cứu khi cần. Khi tôi hỏi mẹ có sợ không, mẹ chỉ đáp: ‘Không. Trong khoảnh khắc đó, mẹ là chị Vân’.

Noi gio
Một trong những cảnh quay gây ám ảnh nhất trong "Nổi gió". Nguồn: VTV.

Bộ phim Nổi gió được sản xuất khi chiến tranh vô cùng khốc liệt. Mặc dù khắc hoạ cuộc chiến của đồng bào miền Nam, nhưng đoàn phim phải quay tại một bối cảnh khác là nông trường Quý Cao tại Hải Phòng - nơi tập trung đông đảo đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.

Khi nghe có đoàn phim về làm phim muốn khắc họa bối cảnh quê hương, bà con rất mừng. Mỗi người góp một tay tạo dựng bối cảnh, từ nhà lá, cầu khỉ đến từng cái ghế, từng bộ ấm chén trong nhà. Và thế là một miền Tây sông nước Bến Tre ra đời ngay tại Hải Phòng.

Noi gio 3
Nghệ sĩ Thu Hằng – vợ của NSND Thế Anh. Nguồn: VTV.

Các diễn viên chính của bộ phim như cố NSND Thuỵ Vân, cố NSND Thế Anh (vai Trung uý Phương) cũng phải dành hàng tháng trời tới Quý Cao thực tế, để tập sống cuộc sống của người Bến Tre.

Nghệ sĩ Thu Hằng – vợ của NSND Thế Anh chia sẻ, mặc dù ngày ấy phim vô cùng quý giá, nhưng đạo diễn Huy Thành vẫn sẵn sàng quay tới 400 mét phim rồi bỏ, vì chưa chọn được người vào vai Trung úy Phương ưng ý. Cho tới khi gặp NSND Thế Anh, ông mới thực sự thấy hài long.

Nhân vật Trung úy Phương sau này đã trở thành vai diễn để đời, gắn liền với tên tuổi của cố NSND Thế Anh trong lòng nhiều thế hệ khán giả.

Noi gio2
NSND Thế Anh trong vai trung úy Phương. Nguồn: VTV.

“Nổi gió” không chỉ là một tác phẩm điện ảnh, mà còn là một lát cắt lịch sử mang đậm dấu ấn thời đại. Trên nền bối cảnh chiến tranh khốc liệt, bộ phim khắc họa những số phận con người đầy day dứt, phản ánh sâu sắc cuộc đấu tranh tư tưởng giữa tình thân và lý tưởng.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, “Nổi gió” vẫn giữ nguyên giá trị nghệ thuật và tinh thần nhân văn, trở thành biểu tượng của dòng phim cách mạng Việt Nam.

Nổi gió được giới thiệu lại trên Cine7 – Ký ức phim Việt là dịp để khán giả hôm nay hiểu thêm về một thời kỳ lịch sử đầy lý tưởng và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc.

Việt Hà