Kinh tế

Chuẩn bị thí điểm sàn giao dịch carbon: Nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay

NAM ANH 15/04/2025 10:37

Được xem là công cụ khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Việt Nam vào 2050, sàn giao dịch carbon Việt Nam dự kiến vận hành vào tháng 6/2025. Vậy nhưng, thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

tren(1).jpg
Việt Nam nằm trong nhóm đầu các nước về diện tích rừng ngập mặn với giá trị trên thị trường carbon lớn. Ảnh: N.A

Tháng 6/2025, thí điểm sàn giao dịch carbon

Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, sàn giao dịch carbon dự kiến vận hành vào tháng 6. Thị trường carbon được kỳ vọng giúp kiểm soát lượng phát thải khí nhà kính, tạo cơ chế cho phép doanh nghiệp (DN) và tổ chức mua bán hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon. Theo đó có 2 loại hàng hóa chính trên sàn giao dịch này là hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.

Ông Cường cho biết, theo lộ trình, sàn giao dịch carbon Việt Nam thí điểm trong 3 năm (đến 2028), sau đó đi vào vận hành chính thức. Cụ thể: Trước tháng 6/2025 hoàn thiện khung pháp lý và hạ tầng kỹ thuật. Từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028 vận hành thí điểm. Từ năm 2029 chính thức vận hành toàn quốc. Hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với các Bộ: Công thương, Xây dựng… để xây dựng trình Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ hạn ngạch khí nhà kính giai đoạn đầu dự kiến cho hơn 100 DN phát thải lớn trong một số lĩnh vực. Bộ Tài chính hiện đang gấp rút triển khai để thiết lập sàn giao dịch carbon có thể vận hành trong thời gian tới. Giai đoạn thí điểm sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực trọng điểm: nhiệt điện, sắt thép và xi măng. Mặc dù cả nước có 2.166 DN thuộc diện phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 13/2024, nhưng chỉ khoảng 100 - 200 DN thuộc 3 lĩnh vực nêu trên sẽ được xem xét phân bổ hạn ngạch trong giai đoạn thí điểm.

Ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng Phòng Thị trường carbon, Cục Biến đổi khí hậu cho biết, trong giai đoạn đầu triển khai, toàn bộ hạn ngạch sẽ được phân bổ miễn phí. Các giai đoạn sau có thể áp dụng hình thức đấu giá, với khoảng 90% hạn ngạch được phân bổ miễn phí, 10% còn lại thông qua đấu giá nếu DN muốn có thêm. Nghị định 06 hiện hành quy định các cơ sở được phân bổ hạn ngạch có thể sử dụng tối đa 10% tín chỉ carbon để bù trừ phát thải vượt quá hạn ngạch. Tuy nhiên, sau khi nhận phản hồi từ DN, Thủ tướng đã chỉ đạo xem xét nâng cao tỷ lệ này, nhằm khuyến khích đầu tư vào các dự án tạo tín chỉ carbon, tạo thêm nguồn cung cho thị trường. Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 06 cũng quy định rõ, chỉ những cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính mới được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch với nhau.

Doanh nghiệp mong muốn gì?

Chia sẻ dưới góc độ DN, bà Võ Hoàng Nga - Giám đốc ESG của Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS) cho biết, DN đã bắt đầu tham gia vào lộ trình giảm phát thải khí nhà kính từ 10 năm trước. Một trong những thuận lợi là DN đã đầu tư công nghệ sản xuất phân hữu cơ từ sớm. Tuy nhiên, bà Nga thông tin, quá trình triển khai của DN gặp khá nhiều thách thức, đặc biệt là việc tuân thủ các tiêu chí kỹ thuật, trong đó có những khâu vẫn phải thực hiện thủ công như thu gom chất thải, dẫn đến chi phí cao. Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký dự án để phát hành tín chỉ carbon cũng tốn nhiều thời gian và chi phí. Trung bình mỗi dự án cần 2 - 3 năm để hoàn tất quy trình, thậm chí có trường hợp kéo dài tới 4 năm.

Theo bà Phạm Liên Anh - Trưởng nhóm Tư vấn và Nghiên cứu Kinh tế Khu vực Mekong của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), kết quả khảo sát do đơn vị thực hiện từ 240 DN trong 4 nhóm ngành, sản xuất lúa gạo, F&B (chủ yếu là thực phẩm), chăn nuôi, quản lý chất thải, cho thấy, hầu hết DN đều nhận thấy việc giảm phát thải khí nhà kính là cơ hội để tạo nguồn thu từ thị trường carbon. Tuy nhiên, bà Liên Anh cho rằng, hạn chế về nguồn tài chính và khoảng trống kiến thức vẫn là những trở ngại lớn trong việc áp dụng các biện pháp giảm phát thải.

Dù phần lớn DN tham gia khảo sát là các đơn vị quy mô lớn và có điều kiện thuận lợi để tiếp cận các thông lệ phát triển bền vững, nhưng năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính và hệ thống đo lường, báo cáo, thẩm tra vẫn còn hạn chế. Thực tế này cho thấy, nếu ngay cả các DN lớn còn gặp khó khăn trong việc tham gia thị trường carbon, thì khả năng tiếp cận của các DN nhỏ còn hạn chế hơn” – bà Liên Anh nói.

Đồng quan điểm, bà Elvira Morella - Giám đốc bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu kinh tế, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (IFC) cho biết, để vận hành thị trường carbon hiệu quả, trước hết, phải bảo đảm tính toàn vẹn môi trường thông qua xây dựng và triển khai hệ thống thẩm tra bảo đảm chặt chẽ và hiệu quả, thực tiễn. Cùng với đó, xây dựng khuôn khổ pháp lý rõ ràng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế tạo niềm tin cho thị trường và thu hút sự tham gia của doanh nghiệp.

NAM ANH