Tạo không gian mở để cá nhân, doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Ngày 15/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong hơn 10 năm qua, Luật Khoa học và công nghệ (KH&CN) 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật KH&CN 2013 cho thấy pháp luật hiện hành còn có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, các quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, chưa đồng bộ và được xác định là một trong những rào cản để thực hiện mục tiêu đưa KH,CN&ĐMST thành động lực chính phát triển kinh tế - xã hội; pháp luật về KH,CN&ĐMST cũng chưa quy định được đầy đủ cơ chế để thực sự thu hút, đào tạo, phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài cho KH,CN&ĐMST.
Các làn sóng công nghệ mới phát triển nhanh chóng, mãnh liệt, đặc biệt là làn sóng của Cách mạng công nghệ 4.0 mà trong đó chuyển đổi số là cốt lõi đòi hỏi các quy định của pháp luật KH,CN&ĐMST phải được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.
Căn cứ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn cũng như nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật KH&CN 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy cần nghiên cứu và sửa đổi toàn diện Luật KH&CN.
Theo ông Hùng, dự thảo Luật KH,CN&ĐMST gồm 8 chương và 95 điều, tăng 14 điều so với Luật KH&CN năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo (ĐMST) và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành. Dự thảo Luật có sửa đổi lớn đối với 26 điều, bổ sung 23 điều.
Thẩm tra dự án Luật, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ hơn các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, ví dụ nghiên cứu, thể chế hóa nội dung về chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST.
Về quy định vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chính sách khẳng định vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, cần tạo không gian mở, thuận lợi để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện quyền tự do nghiên cứu và phát triển KH,CN&ĐMST, quyền tự do kinh doanh trong ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh; từ đó làm động lực để thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST mạnh mẽ hơn.
Về quy định đối với nhà khoa học, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ quy định tại khoản 4 Điều 11 để phù hợp với nguyên tắc “lấy nhà khoa học là trung tâm” nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW; bổ sung đối tượng “tổ chức, cá nhân đề xuất, thẩm định đề án thử nghiệm” không phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự nếu tuân thủ đầy đủ quy trình liên quan đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; bổ sung quy định phong tặng viện sĩ viện hàn lâm cho cá nhân nước ngoài là các nhà khoa học xuất sắc, góp phần vào nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH,CN.
Bên cạnh đó, cần quy định cá nhân, tổ chức nghiên cứu có quyền công bố kết quả trong thời gian bảo lưu hợp lý trước khi dữ liệu được chia sẻ rộng rãi; bổ sung công nhận “các trường đại học quốc gia, các viện hàn lâm” là tổ chức KH&CN công lập đặc biệt; bổ sung “danh hiệu viện sĩ” tương đương với nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư; bổ sung quy định khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với nhiệm vụ KH,CN&ĐMST mà không cần hoá đơn, chứng từ, góp phần đơn giản hóa thủ tục thanh quyết toán.