Văn hóa

Khám phá thành lũy đá cổ trên dãy Hoành Sơn

Cẩm Kỳ 16/04/2025 13:18

Hơn 30 năm trước, người dân xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) phát hiện đoạn thành cổ bằng đá ẩn sâu trong rừng cây. Quá trình mở rộng nghiên cứu, các nhà khảo cổ nhận định đây là hệ thống lũy đá cổ, có niên đại từ lâu.

LUY DA2
Di tích lũy đá cổ Kỳ Anh được phân bố trên sườn phía Bắc dãy Hoành Sơn kéo dài theo trục từ Đông sang Tây với độ dài trên 30 km. Hiện nay, đoạn thành lũy cổ bằng đá còn nguyên vẹn thuộc địa phận các xã Kỳ Lạc và Kỳ Nam (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: Cẩm Kỳ
ghep2.jpg
Điểm bắt đầu của lũy đá là chân dốc Đèo Bụt, kéo dài khoảng 1 km, men theo sườn núi lên đỉnh đèo thuộc núi Trầm Hương nằm trong dãy Hoành Sơn hùng vĩ. Lũy nằm chắn ngang con đường thượng đạo, là trục giao thông huyết mạch của nhân dân vùng núi phía Tây huyện Kỳ Anh và Tuyên Hóa (Quảng Bình). Ảnh: Cẩm Kỳ
LUY DA21
Lũy hiện nay còn gần 500 m, được xây dựng bằng đá không sử dụng chất kết dính, thành quay về hướng nam, nơi cao nhất là 6 m ở bề mặt phía nam, về phía bắc cao nhất là 3 m, mặt thành rộng 3 m, chân thành rộng 5 m. Ảnh: Cẩm Kỳ
LUY DA10
Lũy được xây dựng hoàn toàn bằng loại đá tự nhiên ở chính vùng đất này mà cư dân bản địa gọi là đá son (vì khi mài ra có màu đỏ như son). Ảnh: Cẩm Kỳ
ghep3.jpg
Để lâu ngày, các bột đá bị phân hủy tạo thành chất kết dính rất chắc. Ảnh: Cẩm Kỳ
LUY DA18
Hiện chưa tìm thấy những hiện vật, đồ dùng sinh hoạt có liên quan đến thành lũy, nhưng một phát hiện khá lý thú là công trình không có móng nhân tạo mà người xưa chỉ dựa vào nền đất tự nhiên. Ảnh: Cẩm Kỳ
LUY DA4
Đặc biệt, cứ cách nhau khoảng 3m dưới chân lũy hoặc trên thân lũy lại trổ một lỗ hình vuông, mặt trước có kích thước 1m, mặt sau 0,8 m, có công dụng vừa làm lỗ thoát nước, vừa là lỗ châu mai, chạy xuyên qua thân lũy. Ảnh: Cẩm Kỳ
ghep.jpg
Ông Trần Phi Công, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, qua nghiên cứu địa hình tại chỗ và các sử liệu, công trình nghiên cứu khoa học, các nhà khảo cổ bước đầu đưa ra nhận định: Thành lũy đá cổ ở Kỳ Anh là một đoạn còn lại trong hệ thống lũy cổ Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt - Chăm Pa) do chúa Lâm Ấp là Phạm Văn (345-375) khởi công xây dựng để bảo vệ biên giới. Lũy đá được xây dựng và tu bổ thêm vào thời kỳ chiến tranh Trịnh Nguyễn, do nhà Trịnh ở Đàng Ngoài xây dựng làm phòng tuyến quân sự đề phòng quân Nguyễn từ Đàng Trong đánh ra. Ảnh: Cẩm Kỳ
LUY DA13
Từ năm 1993, nhiều đoàn chuyên gia khảo cổ đã về Hà Tĩnh khảo sát, nghiên cứu về lũy đá cổ Kỳ Anh. Kết quả cho thấy các khối đá màu nâu đỏ vẫn còn nguyên vẹn, bề mặt tương đối bằng phẳng. Ảnh: Cẩm Kỳ
ghep1.jpg
Nhà chức trách sau đó đã phát quang đoạn lũy đá dài hơn một km, làm hàng rào thép để phục vụ công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tham quan du lịch cũng như nghiên cứu về thành lũy cổ ở Việt Nam. Ảnh: Cẩm Kỳ
LUY DA3
Với những giá trị nổi bật về kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học và lịch sử văn hóa, ngày 12/12/2014, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 4105/QĐ-BVHTTDL công nhận và xếp hạng Lũy đá Kỳ Anh là di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đến nay, đoạn thành lũy ở xã Kỳ Lạc được gắn cột cờ cùng một số hạng mục phụ trợ bao quanh. Ảnh: Cẩm Kỳ

Cẩm Kỳ