Báo chí về đâu khi AI ngày càng giỏi
Các chuyên gia truyền thông, trong buổi tọa đàm với chủ đề “Báo chí về đâu khi AI ngày càng giỏi?” do Câu lạc bộ Café Số cùng Viện Đào tạo Báo chí & Truyền thông (SJC – Trường ĐH KHXH&NV) và Viện IPS tổ chức, đã cho rằng, AI làm được mọi công việc của nhà báo. Nhưng AI thiếu trí tuệ xúc cảm để kể chuyện báo chí một cách tinh tế, đầy sắc thái nhân bản.

AI đã tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực báo chí truyền thông
Theo TS Phan Văn Kiền (Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - SJC), ngành báo chí Việt Nam đang trải qua nhiều biến động chưa từng có. Quá trình tinh gọn bộ máy, sáp nhập và giải thể các cơ quan báo chí, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đang tạo ra những tác động sâu sắc đến hoạt động báo chí – truyền thông. Bởi vậy, dù đã có nhiều hội thảo liên quan đến AI trong báo chí được tổ chức, vẫn còn thiếu những diễn đàn tập trung vào câu hỏi: nhà báo, sinh viên và giảng viên báo chí cần làm gì để thích ứng?
GS.TS Nguyễn Đức An - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Truyền thông về khoa học, sức khỏe và dữ liệu của ĐH Bournemouth (Vương quốc Anh) đã đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể về việc các tòa soạn trên thế giới đang ứng dụng AI vào quy trình sản xuất tin tức.
Một ứng dụng phổ biến của AI trong báo chí là tạo ra các định dạng bài mẫu, giúp giảm thời gian viết bài và tự động hóa những công việc thường nhật, điển hình như các bản tin thời tiết hay tài chính – nơi AI chỉ cần nhập dữ liệu đầu vào để nhanh chóng hoàn thiện bài viết theo định dạng có sẵn.
Một điểm mạnh khác là khả năng xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ với tốc độ cao. Các hệ thống như “payroll graph” hay robot “Heliograf” cho thấy AI có thể sản xuất hàng trăm đến hàng nghìn bài báo mỗi ngày chỉ bằng cách cập nhật số liệu – điều gần như bất khả thi với phóng viên truyền thống. Tại Mỹ, hãng tin AP sử dụng AI để tạo hàng nghìn bản tin tài chính mỗi tháng, trong khi The Washington Post vận hành hệ thống AI “Heliograf” để tự động cập nhật các bản tin thể thao, chính trị với tốc độ ấn tượng – lên tới 850 bài viết mỗi ngày.
Không chỉ nhanh, AI còn cho phép cá nhân hóa nội dung ở nhiều cấp độ: từ phân tích dữ liệu cấp quốc gia đến từng địa phương nhỏ như xã, phường. Nhờ đó, các tòa soạn có thể mở rộng quy mô đưa tin mà không cần tăng nhân lực tương ứng. Ngoài ra, AI còn hỗ trợ hiệu quả trong việc dịch thuật, tạo ảnh minh họa, tóm tắt nội dung, xác minh thông tin và gợi ý ý tưởng – tất cả góp phần nâng cao năng suất và chất lượng tin tức trong thời đại số.
Bên cạnh đó, nhiều khâu hỗ trợ trong hoạt động báo chí như dịch thuật hay tóm tắt nội dung quốc tế hiện nay đang được các cơ quan truyền thông áp dụng AI nhằm tăng tốc độ xử lý. Các tờ báo lớn như BBC hay The New York Times đã sử dụng công nghệ này để chuyển ngữ bài viết sang nhiều ngôn ngữ mà không cần đến biên dịch viên.Tại Việt Nam, một số đơn vị như báo Tuổi Trẻ hay VTV24 cũng đã bắt đầu thử nghiệm công nghệ AI để tạo ảnh minh họa và video bằng các công cụ.
Như vậy, GS Nguyễn Đức An cho rằng xu hướng toàn cầu đang cho thấy AI là một công cụ mạnh mẽ, đặc biệt hữu ích trong việc phân tích dữ liệu phức tạp, tìm kiếm thông tin chuyên sâu trong thời gian ngắn – những việc mà con người khó có thể làm được một cách hiệu quả nếu chỉ dựa vào sức riêng của mình.
AI thiếu khả năng cảm nhận và phán đoán tinh tế
Mặc dù AI có khả năng xử lý khối lượng lớn dữ liệu với tốc độ ấn tượng, GS. TS Nguyễn Đức An cho rằng công nghệ này vẫn không thể thay thế được con người trong nhiều khía cạnh cốt lõi của nghề báo. Ông chỉ ra rằng AI không thể hiểu được bối cảnh một cách sâu sắc, thiếu đi khả năng cảm nhận và phán đoán tinh tế vốn là thế mạnh của các nhà báo. Từ đó dẫn đến thiếu khả năng phán xét thông tin, kém linh hoạt trước các tình huống bất ngờ và không nhất quán trong cách suy nghĩ do được lập trình theo những khuôn mẫu cố định.
Theo ông, “AI thiếu ‘trí tuệ xúc cảm’ (emotional intelligence) để kể chuyện báo chí một cách tinh tế, đầy sắc thái nhân bản.” Yếu tố này chính là điều tạo nên sự khác biệt trong một bài báo hay – khi người viết có thể truyền tải cảm xúc, dẫn dắt câu chuyện bằng trái tim và trải nghiệm. Bên cạnh đó, GS An nhấn mạnh rằng AI không có nhận thức về đạo đức – điều tối quan trọng trong quá trình lựa chọn và xử lý thông tin báo chí.
Bên cạnh vô số lợi ích, AI cũng tiềm ẩn những rủi ro đáng lo ngại, đặc biệt là nguy cơ củng cố các định kiến xã hội vốn đã tồn tại như phân biệt chủng tộc hay bất bình đẳng kinh tế. GS Nguyễn Đức An cảnh báo rằng một trong những mối nguy lớn nhất hiện nay là hiện tượng “ảo giác” – khi AI tạo ra thông tin sai nhưng lại thể hiện với sự tự tin cao, khiến người dùng dễ bị đánh lừa.
“Chỉ cần chat một dòng yêu cầu, AI đưa thông tin rất “đã” nhưng thực ra trật lất. Hiếm khi nào AI trả lời “không biết”, hay “không chắc” mà đa phần tự tin trả lời, nhưng nhiều nội dung sai. Điều này dễ bị các tác nhân xấu lạm dụng để làm ô nhiễm môi trường thông tin”, GS An chia sẻ. Điều này đặt ra các thách thức lớn cho các tòa soạn, khi những thông tin sai lệch có thể lan truyền nhanh chóng và ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của độc giả.
Tiếp nhận AI thế nào?
Từ những phân tích về AI của thực tiễn quốc tế, GS. TS Nguyễn Đức An khẳng định: “Trí tuệ nhân tạo không phải là sự thay thế cho trí tuệ con người; nó là công cụ để khuếch đại sự sáng tạo và tài năng của con người. AI sẽ không thay thế các nhà báo mà sẽ khiến sứ mệnh sự thật của nhà báo càng quan trọng hơn. Nếu tận dụng thích hợp, AI đồng thời trao cho nhà báo những công cụ đầy quyền năng siêu việt để thực hiện sứ mệnh đó”. Ông cho rằng trong tương lai sẽ tiếp tục có sự hiện diện của các nhà báo, máy tính, bút giấy, và đặc biệt là công nghệ AI như một công cụ hỗ trợ mới. Tuy nhiên, vai trò trung tâm vẫn thuộc về con người – chính các nhà báo sẽ là người đưa ra chỉ dẫn, còn AI đóng vai trò thực thi theo định hướng được giao.
TS Phan Văn Kiền cho rằng diễn ngôn “AI có thể thay thế nhà báo” hiện nay xuất phát từ hai thái cực: một là những người được lợi từ AI nên luôn cổ vũ tiếp cận, sử dụng công nghệ này; hai là những người lo lắng bị thay thế, sợ mất việc, từ đó hình thành tâm lý né tránh hoặc phản đối. TS Kiền nhấn mạnh rằng AI không thể thay thế hoàn toàn con người, nhưng vẫn có thể thay thế những ai không chịu thay đổi, không cập nhật. Theo ông, điều quan trọng là cần tiếp cận AI một cách bình tĩnh, chủ động học hỏi để thích nghi. Ông cũng khẳng định AI không có cảm xúc, chỉ hoạt động dựa trên dữ liệu có sẵn, nên không thể thay thế được sự sáng tạo và chiều sâu cảm xúc – những yếu tố cốt lõi làm nên nghề báo.
Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) – tiếp cận vấn đề từ hai góc nhìn: cá nhân nhà báo và tổ chức tòa soạn. Theo ông, khi đối mặt với làn sóng AI, cá nhân có thể phản ứng và thích nghi rất nhanh, trong khi các cơ quan báo chí lại đang chậm hơn rất nhiều. Điều này xuất phát từ việc tòa soạn vừa là nơi phục vụ độc giả, vừa là một thiết chế mang tính kinh doanh. So sánh với báo chí quốc tế, ông nhận định rằng ở nhiều quốc gia, câu chuyện về AI, dữ liệu và mô hình kinh doanh báo chí đã được thảo luận sôi nổi từ cách đây khoảng 5 năm. Trong khi đó, báo chí Việt Nam vẫn đang bị chậm chân. Ông khẳng định, không có mô hình AI nào có thể vận hành nếu không có dữ liệu – mà dữ liệu quý giá nhất hiện nay chính là các bài báo và tệp độc giả. Do đó, điều quan trọng là các cơ quan báo chí cần biết cách bảo vệ những tài sản cốt lõi đó. n
Con người nên học cách dung hòa với sự hiện diện của AI, thay vì đẩy vấn đề sang hai thái cực “AI có thể” hay “không thể” thay thế con người. Khi tiếp cận AI với tâm thế như vậy, ta sẽ dễ dàng chấp nhận rằng AI đang tồn tại như một phần trong đời sống, nhưng sẽ không bao giờ thay thế được bản chất của “con người”. Bởi vậy, hãy yên tâm sống chung với AI, tận dụng tối đa những lợi ích mà nó mang lại và bớt đi những nỗi lo không cần thiết.
(TS Phan Văn Kiền)