Tinh hoa Việt

Đạo diễn Trần Vũ Anh: Không có bộ phim nào hay hơn sự thật lịch sử

Cẩm Thuý (thực hiện) 17/04/2025 09:19

Giữa những ngày hướng tới kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong rất nhiều bộ phim về đề tài này, có một dự án phim gây chú ý là series phim tài liệu “Hà Nội, ngày thống nhất”. Một bộ phim về ngày 30/4 không đề cập trực diện đến những cánh quân hướng về Sài Gòn, mà kể những câu chuyện từ Hà Nội cho hành trình đến ngày thống nhất non sông.

Trần Vũ Anh, đạo diễn phim tài liệu thế hệ 9x của Media 21, chia sẻ về dự án phim này.

PV: Nói về ngày thống nhất, sau nửa thế kỷ, vì sao ê kip sản xuất lại chọn cách tiếp cận làm phim về Hà Nội?

img_7703(1).jpeg
Đạo diễn Trần Vũ Anh.

Đạo diễn Trần Vũ Anh: Đây là bộ phim hợp tác sản xuất giữa Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và M21. Năm nay về mặt lễ kỷ niệm thì chị biết rồi, rất lớn, tất cả các đài truyền hình, các hãng phim có lẽ đều làm phim hướng đến sự kiện này. Cho nên, trong khi bàn bạc về dự án, lãnh đạo Đài và M21 đã thống nhất phải tạo ra dấu ấn. Phải làm khác thì mới tạo ra sự khác biệt. Đầu tiên là xuất phát điểm từ góc nhìn như vậy.

Thông thường phim cho ngày 30/4, mạch chính vẫn là trình bày một câu chuyện lịch sử, thông thường sẽ là diễn biến 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn, chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập, rồi ông Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng, những hình ảnh ai cũng biết rồi. Tất nhiên đó là những hình ảnh lịch sử vô cùng quan trọng nhưng nếu chúng tôi cũng kể như vậy thì nó không tạo ra sự khác biệt.

Từ suy nghĩ đấy, ê kíp làm phim muốn có cách nhìn khác đi một chút về ngày 30/4. Phải có một góc nhìn từ Hà Nội, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong hành trình đi đến ngày 30/4/1975, vai trò của Hà Nội – nơi đặt Tổng hành dinh Chiến dịch Hồ Chí Minh như nào? người Hà Nội đã trận ra sao? ký ức của những người Hà Nội đã đón tin mừng vào trưa ngày 30/4 như thế nào?

Hà Nội với tư cách là nơi đặt Tổng hành dinh Chiến dịch, nơi phát đi bức điện lịch sử của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng.”, cũng vốn là những hình ảnh quen thuộc trong các bộ phim tài liệu về ngày chiến thắng 30/4. Vậy không biết bộ phim “Hà Nội, ngày thống nhất” được triển khai theo các hướng tiếp cận như thế nào để có một góc nhìn mới hơn?

“Hà Nội, ngày thống nhất” là một series phim tài liệu gồm 4 tập, mỗi tập chỉ có 30 phút. Trong đó, tập đầu chúng tôi nói về “Những bức điện mật”; tập thứ 2 là “Miền Nam trong lòng Hà Nội” nói về những người con miền Nam tập kết ra Bắc sinh sống ở Hà Nội; tập 3 là những người con Hà Nội xung phong đi miền Nam chiến đấu cho đến ngày toàn thắng; tập 4 là nói về Hà Nội vào ngày đón tin mừng chiến thắng, rồi hành trình Hà Nội trải qua muôn vàn khó khăn của thời kỳ bao vây, cấm vận và những bước đi gian nan để đạt đến danh hiệu “Thành phố Vì hoà bình”. Mỗi một tập phim do một đạo diễn trẻ của M21 thực hiện.

Đúng như chị nói, hình ảnh Bộ chỉ huy Chiến dịch và những bức điện từ ngôi nhà D67 thì cũng quen thuộc rồi. Vì thế ở tập 1, chúng tôi khai thác sâu hơn, một cách cụ thể hơn vai trò của hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống phát điện tín, vô tuyến – dấu ấn quan trọng của Chiến dịch để từ đây thấy được vai trò của Tổng hành dinh với thế cục chiến trường lúc đó.

img_7704.jpeg
Một cảnh phim tài liệu "Hà Nội, ngày thống nhất".

Cụ thể là ở tập 1, nhóm làm phim có khai thác thêm được những tư liệu, nhân vật mới không?

- Nhóm làm phim có may mắn tìm được những người ngày xưa trực tiếp gửi những bức điện mật trong thời gian tháng 3, tháng 4 năm 1975 từ nhà D67 và nhận điện từ chiến trường.

Nhưng dù thế nào thì câu chuyện về những bức điện mật cũng được nhiều bộ phim đã làm. Vì thế ở tập 1, chúng tôi còn kể một câu chuyện khác. Đó là tìm gặp những người lính ở ngoài chiến trường tham gia chiến dịch vào thời điểm đó, họ kể lại cảm xúc của họ khi nhận được lệnh “Thần tốc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong phim phỏng vấn bộ đội Trường Sơn và những người lính ở các mặt trận để khai thác cái sức mạnh tinh thần khi mà người lính mặt trận nhận được bức điện này, họ nói rằng được tiếp thêm sức mạnh ghê gớm lắm. Cảm giác sức mạnh của một thời điểm bằng 20 năm của cuộc chiến tranh dài đằng đẵng. Ý chí, tâm hồn và trái tim người lính với một mệnh lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi cảm nhận được thực sự có sự khác biệt, đấy là điều chúng tôi khai thác, để thấy vai trò quan trọng đặc biệt từ một bức điện được phát đi từ Tổng hành dinh, từ vị Đại tướng Tổng tư lệnh.

Sang tập 2 là một không khí khác hẳn nhỉ, đúng là hình ảnh của một Hà Nội hậu phương lớn của tiền tuyến lớn?

- Tập 2 “Miền Nam trong lòng Hà Nội” được khai thác góc nhìn của những văn nghệ sĩ, của những người không trực tiếp chiến đấu ở trên chiến trường nhưng luôn hướng về cuộc sống, chiến đấu của đồng bào miền Nam. Và nơi đây đã nuôi dưỡng những học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Cứ đến cuối tuần, những đứa trẻ miền Nam sẽ được dẫn đi chơi ở Hồ Gươm, ăn kem Tràng Tiền. Phần này chúng tôi đã để các nhân vật kể những câu chuyện của họ. Như ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch công ty Lộc Trời bây giờ cũng là một học sinh miền Nam tập kết hồi đó, hay là nhà báo Thế Thanh…

Còn tập 3 là chuyện về những người con Hà Nội trực tiếp tham gia ngoài chiến trường. Rồi những sinh viên Bách khoa, Xây dựng, Tổng hợp xếp bút nghiên lên đường ra trận, hy sinh nhiều vô kể ở các mặt trận như Quảng Trị và cả trước cửa ngõ Sài Gòn trước buổi trưa ngày 30-4 lịch sử. Tập 3 chúng tôi muốn nói rằng cần có một sự ghi nhận rõ ràng hơn cho đóng góp trực tiếp máu xương của người Hà Nội trong suốt chiều dài cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Họ có thể là những người Hà Nội, mà cũng có thể là những người mà các tỉnh khác nhưng đang làm việc, học tập ở Hà Nội rồi từ đây đi thẳng vào chiến trường.

img_7701.jpeg
Nhóm làm phim đang thực hiện một cảnh quay.

Ý tưởng cho cái kết của bộ phim này được ê kíp làm phim triển khai như thế nào?

- Tập 4 là “Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình”. Nó là câu chuyện sau khi chúng ta đã “xẻ dọc Trường Sơn” để giành lại độc lập, thống nhất. Đất nước thống nhất thì Hà Nội gánh trách nhiệm là đầu tàu. Ngay sau chiến thắng 30/4, Việt Nam bắt đầu truyền đi thông điệp muốn trở thành một quốc gia hòa bình thân thiện và mong muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Tính toán lúc đó của Đảng và Nhà nước là muốn xoay chuyển tình hình để đất nước làm sao thoát khỏi quán tính chiến tranh một cách nhanh chóng nhất có thể. Nhưng do bối cảnh lúc đó, do thế và lực, mà phải mất nhiều năm lịch sử phải đi những bước quanh co, chúng ta mới Đổi mới thành công. Ở trong tập này chúng tôi phỏng vấn các chuyên gia, các nhà ngoại giao, để thấy hành trình vươn tới “Thành phố vì hòa bình” của Hà Nội và vị thế của Việt Nam như hiện nay cũng gian nan không kém gì chặng đường đến Dinh Độc Lập.

Những khâu cuối cùng của bộ phim đang được hoàn thiện và sẽ phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội vào dịp gần tới ngày 30/4 năm nay. Ngoài bộ phim này, chúng tôi còn có một bộ phim khác là “Sài Gòn - ngày về chiến thắng” dài 52 phút sẽ được phát sóng trong chương trình VTV đặc biệt kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tất nhiên là “Sài Gòn - ngày về chiến thắng” như cái tên của nó đặt câu chuyện của những người Sài Gòn ở trong cuộc kháng chiến. Nhưng mà chữ “về” ở đây không chỉ là những người Sài Gòn về lại thành phố của mình, mà điểm hẹn cuối cùng của tất cả mọi người là hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn. Kể cả những người còn sống và những người không may ngã xuống, họ đều hẹn nhau “ngày về chiến thắng”.

Trước khi trở thành một đạo diễn phim tài liệu, Trần Vũ Anh học ngành gì?

- Tôi học ngành Vật lý hạt nhân, rồi làm việc ở dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Nhưng sau đó dự án dừng lại. Thất nghiệp, tôi đi làm truyền thông ở Viettel Media.

Khi làm việc ở đó, tôi đã tham gia làm một số sản phẩm về đề tài lịch sử đã được phát trên Truyền hình Quốc phòng. Rồi từ đó say mê đề tài lịch sử và trở thành đạo diễn phim tài liệu lịch sử từ khi em làm việc cho M21.

Vì sao 1 người trẻ tuổi, sinh năm 1993 lại quan tâm đến lịch sử như vậy?

- Bạn muốn hỏi câu này với góc nhìn của tôi thời đấy hay là góc nhìn của tôi bây giờ?

Chắc là phải bắt đầu từ lúc đấy rồi mới có ngày hôm nay?

- Thực ra tôi có một quan điểm về lịch sử từ thời đấy và đến bây giờ vẫn giữ quan điểm ấy. Đó là, nếu mà bạn là người thích xem phim, thì lịch sử chính là nhà biên kịch, là đạo diễn xuất sắc nhất mọi thời đại. Không có bộ phim nào hay hơn sự thật lịch sử cả. Tại vì lịch sử được tạo ra bởi các trí tuệ hàng đầu, những con người vĩ đại nhất nên những nếu ta gọi đó là “drama” thì đó là câu chuyện cuốn hút nhất mà không một biên tập, đạo diễn thông thường nào có thể làm được.

Và Trần Vũ Anh là người thích xem phim?

Nhóm đạo diễn trẻ của M21 tham gia làm bộ phim tài liệu “Hà Nội, ngày thống nhất” còn có Quang Huy, Minh Huy, Đức Trung, Hoàng Hiếu, Đức Lương. Trong đó Trần Vũ Anh giữ vai trò điều phối cho cả series phim. Họ đều là những người rất trẻ, sinh ra khi cuộc chiến tranh đã lùi rất xa. Nhưng họ đam mê mảng đề tài lịch sử và đầy triển vọng trong lĩnh vực phim tài liệu. Chính vì thế mà góc nhìn mới mẻ của các bạn trẻ về chiến tranh, về chiến thắng vĩ đại của dân tộc lại mở ra những chiều kích khác. Bên cạnh họ là nhiều cố vấn, chuyên gia âm thầm ủng hộ khát vọng của những người trẻ.

- Bản thân tôi thấy, tôi theo dõi lịch sử nó hay hơn xem phim nhiều. Thế còn bây giờ, theo một góc nhìn bây giờ, thì sau cũng rất nhiều năm làm rồi, thật ra nếu gọi là “làm sử” thì tạm gọi là người trẻ, thì có một câu của ông Braudel, ông ấy nói một cái câu tôi nhớ đại ý là thế này: “Lịch sử mỗi sự kiện là phù du, và nó sẽ như con đom đóm bay qua sân khấu, chúng ta chẳng thể nhận biết được nó cho đến khi nó chìm vào bóng tối”. Đấy là câu rất hay, có nghĩa là lịch sử khi có độ lùi về thời gian, không chỉ là để hiểu sâu sắc hơn cái sự kiện đó, mà xâu chuỗi các sự kiện đấy là để hiểu được hiện tại hơn rất nhiều. Ví dụ ngay bây giờ, năm nay là kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc, thống nhất sẽ tham gia lễ diễu binh, duyệt binh 30/4 này. Thì rõ ràng đây là một biểu hiện cho việc lịch sử là cầu nối cho tương lai. Tất cả mọi thứ đều có sự tiếp nối từ lịch sử.

Khi có một sự kiện lịch sử, người ta kết nối với nhau dễ dàng hơn, có nghĩa là lịch sử vẫn đang sống hằng ngày. Lịch sử là một bài học cực kì khó học. Ở trong đấy người ta hay nói nhiều mặt, nhưng mà thường thì khi sự đã rồi thì người ta sẽ nhận ra là ở trong lịch sử nó đã có việc như thế.

Anh có học thêm về đạo diễn hay biên kịch điện ảnh không?

- Thời gian trước thì tôi tự học. Còn bây giờ tôi đang học ở trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, lớp đạo diễn truyền hình.

Anh từ câu chuyện của mình, có nghĩ là thời buổi công nghệ hiện đại ngày nay, không nhất thiết phải qua đào tạo, ai cũng có thể làm phim tài liệu không?

- À cũng có ý đúng. Tại vì bây giờ công nghệ khiến việc quay dựng phim nó dễ dàng. Nhưng càng dễ làm thì tính cạnh tranh càng cao, vấn đề là làm gì, làm như nào mới có chỗ đứng trong nghề. Đúng là một ngày tay ngang cũng có thể thành đạo diễn luôn. Ai cũng sản xuất được nội dung số. Bây giờ bình đẳng như nhau. Nếu họ giỏi, họ hoàn toàn có cơ hội. Nó là mảnh đất cho tất cả mọi người.

Bây giờ chúng ta sẽ nói về khán giả của các bộ phim tài liệu đề tài lịch sử. Kinh nghiệm thời gian qua các bộ phim đề tài này của M21 khi phát trên các nền tảng số thì lượng khán giả thế nào? M21 có đo được sự quan tâm của khán giả trẻ với chủ đề lịch sử không?

Bọn tôi đã có những series phim tài liệu lịch sử phát trên các nền tảng số được nhiều triệu views rồi. Các bình luận cho thấy người xem đồng thuận và cổ vũ nhiều hơn rất nhiều so với những bình luận mang tính tiêu cực. Bản thân tôi cũng có một kênh TikTok lập ra để chơi thôi, nhưng cũng có lượng follow khá lớn. Và ví dụ tôi up những clip nhỏ về hậu trường làm phim thì mọi người đều rất cổ vũ. Đấy là cách người trẻ tương tác qua mạng xã hội.

Ở Việt Nam, cá nhân anh có thần tượng một đạo diễn phim tài liệu nào không?

- Không chỉ riêng tôi mà có lẽ là rất nhiều người đều thấy bác Trần Văn Thủy đạo diễn của các phim "Việc tử tế" và "Hà Nội trong mắt ai", là một thần tượng lớn vì cái sự dũng cảm, thẳng thắn và cái cách làm phim vượt thời đại của ông ấy ở Việt Nam thời điểm đó. Còn ở hiện tại, thì có đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, ông ấy vừa làm phim truyện điện ảnh, vừa làm phim tài liệu giỏi và là một người cân bằng rất tốt giữa ăn khách và nghệ thuật.

Còn có một người nữa em rất nể. Đó là bác Lê Thi ở Điện ảnh Quân đội. Ông ấy có thể nhớ từng thước phim một. Ông ấy xem và bảo: “Cái đoạn này nó phải ở trận này, không ở trận kia” có nghĩa là từng thước phim một ghim vào trí nhớ bác ấy, rõ từng trận đánh, từng giai đoạn lịch sử.

À, nếu mà thêm một người nữa thì có một người rất là trẻ thôi, trên tôi 1 tuổi là đạo diễn Hà Lệ Diễm với phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương”. Đó là một bộ phim được làm rất tự nhiên.

Bây giờ làm phim tài liệu thì như anh nói dễ hơn nhiều bởi vì có nền tảng công nghệ, tức là người thường người ta cũng có thể làm được. Trong khi đấy, trước kia để làm được những thước phim tài liệu, nhất là phim nhựa thì là cái gì đó “kinh khủng” lắm, vì nó tốn công. Bạn thấy có sự khác biệt nào giữa phim làm bằng công nghệ hiện nay với những thước phim tài liệu nhựa trước đây?

- Tôi nghĩ nó không phải là dễ hơn, mà là cơ hội bây giờ được chia cho nhiều người hơn. Có nghĩa là sân chơi bây giờ mở, nhưng lại tạo ra những sự cạnh tranh cao hơn. Còn lại, cảm giác xem những phim tài liệu cũ so với bây giờ, ngoài vấn đề liên quan đến đặc thù của phim nhựa, thì có một cái liên quan đến là cảm xúc. Có lẽ, do tôi làm về lịch sử chính trị, nên tôi xem phim lịch sử chính trị cũng nhiều, xem từ phim của Liên Xô (cũ) từ những năm 1930, phim của Trung Quốc cho đến phim Việt Nam thì từ lời bình, từ giọng đọc, từ cái hồn trong phim, nó khiến người xem như đang sống trong thời đại đó.

Tức là về mặt cảm xúc thì nó lớn hơn nhiều?

- Nó lớn hơn và rất táo bạo. Bây giờ mình rất là khó để mà làm được.

Cá nhân mình tôi thấy cảnh quay, cũng như độ mở của ống kính cảm giác nó lớn hơn nhiều. Rồi những cú lia máy hoặc cảnh quay đại cảnh, ví dụ như khi tôi xem phim tài liệu của ông Đào Trọng Khánh hay ông Lê Mạnh Thích hình ảnh trau chuốt và cảm xúc dữ dội lắm?

Đúng rồi, có một cái bây giờ không biết là thế mạnh hay thế yếu, là hồi trước người ta hay đặt máy quay ngang tầm mắt nhìn. Tại vì lúc đấy trang thiết bị chỉ set up như thế là dễ nhất. Nhưng nó tạo ra một góc nhìn mang tính con người, rất là thật. Còn bây giờ thì mọi người dùng flycam rồi gimbal, bay trên bay dưới khiến các góc độ quay có vẻ hoành tráng hơn nhưng mà kết hợp không khéo ấy, trông nó... khó vào. Lạm dụng công nghệ quá, và đặc biệt là muốn tạo ra những cái “hoành tráng” ấy, nó thành một dạng viral hơn là phim tài liệu, một dạng viral clip hơn là documentary.

Tức là thực ra cái gọi là phim tài liệu ấy nhiều khi nó là một cái clip dài hơn, lớn hơn...

- Vâng, với những kiểu bùm chíu ùng oàng phô trương. Nhiều lúc thì bay flycam cả phim, rất nhiều cảnh mà cảm giác nó chẳng liên quan.

Cảm ơn đạo diễn về những chia sẻ thú vị này!

“Ở tập 1, nhóm làm phim đã tìm được một bác tên là Đặng Thị Muôn, làm việc tại tổ cơ yếu ở Tổng hành dinh từ năm 1970 đến 1975, người trực tiếp chuyển thành ký hiệu mật mã cho các bức điện mật trước khi gửi đi. Người thứ hai là bác Vũ Đình Trọng, cũng là người trong tổ cơ yếu. Bác Đặng Thị Muôn cũng là người trực tiếp dịch bức điện “Thần tốc” của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và là người đầu tiên nhận tin chiến thắng từ Sài Gòn gửi ra. Vì khi gửi cũng dưới dạng mật mã nên bác ấy là người dịch, tức là người đầu tiên ở Hà Nội biết tin Sài Gòn đã giải phóng.”

(Phạm Minh Huy - đạo diễn tập 1 của series phim tài liệu “Hà Nội, ngày thống nhất”)

Cẩm Thuý (thực hiện)