Sắp xét xử cựu Phó Vụ trưởng Bộ Công Thương nhận hối lộ hơn 14 tỷ đồng
Dự kiến ngày 6/5, TAND TP Hà Nội xét xử cựu Phó Vụ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Lộc An về tội nhận hối lộ.
TAND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định đưa ra xét xử vụ án đưa - nhận hối lộ; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, xảy ra tại Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cùng một số đơn vị liên quan.
Phiên tòa dự kiến được mở vào ngày 6/5 tới đây, HĐXX gồm 5 người: 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân do thẩm phán Đặng Mạnh Cẩm Yến làm chủ tọa.
Bốn bị cáo ra hầu tòa trong vụ án này gồm: Nguyễn Lộc An (SN 1965, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) bị truy tố về tội "Nhận hối lộ"; Nguyễn Tuấn Quỳnh (SN 1964, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Long Hưng) bị truy tố về tội "Đưa hối lộ"; Trần Trác Việt Đức (SN 1990, Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại, tư vấn, đầu tư, xây dựng Bách Khoa Việt) và Đỗ Thị Tuyết Nga (SN 1979, Kế toán trưởng Công ty cổ phần thương mại, tư vấn, đầu tư, xây dựng Bách Khoa Việt) cùng bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Lộc An đã yêu cầu các công ty Bách Khoa Việt, Long Hưng phải đưa tiền cho mình "mua nhà to hơn" và đổi lại được cấp phép kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, tại Công ty Bách Khoa Việt, điều tra xác định năm 2012, bà Trần Thị Loan Phương, Chủ tịch doanh nghiệp này, do quen biết nên được Nguyễn Lộc An nói nếu cần, sẽ giúp kinh doanh xăng dầu.
Đầu năm 2013, bà Phương gọi điện thoại nhờ An giúp công ty mảng xăng dầu, khí đốt và được An hướng dẫn bà Phương thành lập pháp nhân kinh doanh khí hóa lỏng, thuê cây xăng có sẵn để kinh doanh nhỏ lẻ trước. Hai năm sau, phía Bách Khoa Việt xin Bộ Công Thương cấp phép làm thương nhân phân phối xăng dầu.
Bộ Công Thương cũng lập đoàn kiểm tra, giao Nguyễn Lộc An làm Trưởng đoàn, đi kiểm tra điều kiện thực tế của Công ty Bách Khoa Việt.
Quá trình kiểm tra thực tế trước khi cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu cho Công ty Bách Khoa Việt, Nguyễn Lộc An đã nhận của bà Trần Thị Loan Phương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Bách Khoa Việt) số tiền 200 triệu đồng để hỗ trợ, giúp doanh nghiệp này được cấp giấy phép sớm.
Trước khi tiếp nhận hồ sơ, thực hiện quy trình kiểm tra, cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Bách Khoa Việt, bị can Nguyễn Lộc An đã nhận 9 tỷ đồng từ bà Phương để hướng dẫn doanh nghiệp này hợp thức hồ sơ cấp phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu và không kiểm tra đầy đủ năng lực thực tế.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, bà Trần Thị Loan Phương có hành vi đưa hối lộ 9 tỷ đồng để doanh nghiệp của mình được cấp phép sai quy định. Tuy nhiên từ khi chưa bị phát giác, bà Phương đã: "Nhận thức sai phạm, chủ động làm đơn tố giác việc Nguyễn Lộc An nhận hối lộ và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra".
Từ tố giác của bà Phương, cơ quan điều tra mới khởi tố được Nguyễn Lộc An và đồng phạm. Căn cứ Điều 364 Bộ luật Hình sự và Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán tối cao, cơ quan điều tra miễn trách nhiệm hình sự với bà Phương.
Còn tại Công ty Long Hưng, khi thực hiện quy trình kiểm tra, cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu cho doanh nghiệp này, Nguyễn Lộc An đã tạo điều kiện trong quá trình kiểm tra không kiểm tra đầy đủ năng lực thực tế, sắp xếp lịch trình kiểm tra, ký biên bản kiểm tra và báo cáo, đề nghị ông Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) ký giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trái quy định.
Sau đó, Nguyễn Lộc An đề nghị Nguyễn Tuấn Quỳnh phải chi 10 tỷ đồng (sau đó trả lại 5 tỷ đồng) để đảm bảo điều kiện kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty Long Hưng.
Tổng cộng, bị can Nguyễn Lộc An đã nhận hối lộ với tổng số tiền 14,2 tỷ đồng.
Trước vụ án này, Nguyễn Lộc An từng bị TAND TP HCM tuyên phạt 4 năm tù về tội "Nhận hối lộ" trong vụ án xảy ra tại Công ty "Xuyên Việt Oil".