Kinh tế

Cần chính sách đặc biệt thu hút đầu tư trung tâm tài chính quốc tế

Hồ Hương 16/04/2025 18:17

Ngày 16/4, tại Hà Nội, Thời báo Ngân hàng tổ chức sự kiện “Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính” . Giới chuyên gia cho rằng các yếu tố thuận lợi để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam là vị trí địa lý chiến lược, hội nhập kinh tế sâu rộng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực cải thiện thể chế, pháp lý, môi trường đầu tư; kinh tế vĩ mô ổn định.

Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đưa Việt Nam tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.

Thực hiện định hướng của Đảng và Nhà nước, các cơ quan quản lý, các tổ chức tài chính - ngân hàng và cộng đồng chuyên gia đang cùng chung tay xây dựng tầm nhìn chiến lược cho trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Trong quá trình đó, hệ thống ngân hàng - với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế được xác định là lực lượng tiên phong, vừa tạo nền tảng ổn định, vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái tài chính quốc gia.

IMG_20250416_144126 (1)
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TBNH.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Khu vực 2 Nguyễn Đức Lệnh, trong quá trình xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh, ngành ngân hàng giữ vai trò quan trọng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, đó là vai trò xây dựng và tạo lập môi trường pháp lý, bao gồm xây dựng cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp theo mục đích và yêu cầu phát triển của trung tâm tài chính quốc tế đảm bảo thúc đẩy hoạt động của các định chế tài chính lĩnh vực ngân hàng phát triển. “Việc phát triển các định chế tài chính gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, cho thuê tài chính… trong trung tâm tài chính quốc tế sẽ đảm bảo hoạt động hiệu quả, cạnh tranh và phát triển, qua đó trở thành động lực thúc đẩy hoạt động ngân hàng trong nước”, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.

Việc khai thác vốn và sử dụng vốn hiệu quả (trong và ngoài nước) không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các thị trường này, mà còn góp phần tạo động lực tăng trưởng, phát triển hệ sinh thái và nhóm các ngành dịch vụ lớn của thành phố: Ngành vận tải và logistics, nhóm ngành khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, truyền thông, y tế, giáo dục, thương mại và bán lẻ, bất động sản và du lịch…

Ông Nguyễn Đức Long , Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng hiện nay, việc thành lập trung tâm tài chính tại Việt Nam còn khó và khác biệt hơn với các nước không chỉ ở quy mô dân số, địa lý… mà còn khác biệt về khung pháp lý.

Chúng ta có quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô. Đơn cử như về quy định giao dịch vốn, tự do hóa dòng vốn là một điều kiện lớn để thành lập trung tâm tài chính nhưng Việt Nam đang có quy định chặt chẽ. Việc mở thêm định chế tài chính, ngân hàng thương mại rất chặt chẽ.

Do đó, làm sao để tạo ra một khung pháp lý đảm bảo trung tâm tài chính hoạt động hiệu quả nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô là một bài toán khó.

Theo ông Long, trong trung tâm tài chính quốc tế hoạt động ngân hàng truyền thống sẽ không nhiều mà sẽ hướng về các hoạt động ngân hàng mới, theo thông lệ quốc tế. Đi kèm như vậy, việc quản lý an toàn hoạt động cũng được đặt ra…

Trong khi đó, bà Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, định hướng phát triển thì TP.Hồ Chí Minh sẽ là trung tâm tài chính quốc tế toàn cầu và ở Đà Nẵng là trung tâm tài chính quốc tế có mức độ khu vực. Hai cấp độ này khác nhau để tránh sự cạnh tranh của hai trung tâm ngay ở trong nước.

Theo bà Vân, nếu chúng ta muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế cạnh tranh được với các trung tâm tài chính quốc tế hiện có trong khu vực, cần quan tâm đến chỉ số đánh giá xếp hạng trung tâm tài chính (GFCI) theo 5 tiêu chí: Môi trường kinh doanh và thuế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, phát triển thị trường tài chính, danh tiếng…

Các yếu tố thuận lợi để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam đó là vị trí địa lý chiến lược, hội nhập kinh tế sâu rộng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực cải thiện thể chế, pháp lý, môi trường đầu tư; kinh tế vĩ mô ổn định.

Hồ Hương