Quản lý thương mại điện tử: Cần hành lang pháp lý đủ mạnh
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, cùng với sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới, đa dạng về chủ thể, phức tạp về bản chất đã dẫn tới nhiều thách thức trong công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Theo giới chuyên gia, cần sớm xây dựng và ban hành Luật Thương mại điện tử để điều chỉnh, quản lý lĩnh vực này.

Thiếu chế tài xử lý
Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ trong những năm gần đây. Quy mô thị trường bán lẻ TMĐT hiện đứng thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 25 tỷ USD. Trong tổng quy mô 36 tỷ USD của nền kinh tế số Việt Nam, TMĐT chiếm tới 2/3. Đặc biệt, về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam hiện đang xếp thứ 5 trên toàn thế giới.
Thị trường TMĐT là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu, có thể tiếp cận với cả các sản phẩm đa dạng và phong phú cả trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã tận dụng được các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm của mình.
Theo "Báo cáo toàn cảnh Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 và Dự báo 2025" do Metric mới phát hành, tổng doanh số của 5 sàn TMĐT phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo) trong năm 2024 đạt 318.9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 37.36% so với năm 2023. Đồng thời, tổng sản lượng tiêu thụ cũng đạt 3,421 triệu sản phẩm, tăng mạnh 50.76%. Những con số này cho thấy sức mua của thị trường vẫn luôn duy trì ở mức cao.
Một kết quả khảo sát được đưa ra, trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/tháng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT cũng xuất hiện các hành vi gian lận ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, thách thức lớn nhất hiện nay là giao dịch TMĐT ngày càng trở nên phức tạp. Khi người tiêu dùng tham gia nhiều vào các giao dịch TMĐT, họ cũng trông đợi rất nhiều vào cơ quan quản lý nhà nước.
Điều dễ thấy là cơ quan quản lý nhà nước còn gặp khó khăn trong công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới; vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng… trên TMĐT. Chẳng hạn, với hoạt động livestream bán hàng cũng chưa kiểm soát được về độ chính xác thông tin được đưa ra.
Nhiều người tiêu dùng đã phải “ngậm trái đắng” khi chót mua hàng trên chợ mạng không được như ý muốn, hàng khác hẳn so với các hình ảnh quảng cáo mà các shop bán hàng online đưa ra, cuối cùng người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt thòi vì không biết đòi lại quyền lợi cho mình cách nào...
Để quản lý lĩnh vực này, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52 ngày 16/5/2013 về TMĐT và Nghị định số 85 ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, cùng với sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới, đa dạng về chủ thể, phức tạp về bản chất đã dẫn tới nhiều thách thức trong công tác quản lý nhà nước về TMĐT. Từ đó, các chính sách và quy định hiện hành đã bộc lộ những vấn đề cần khắc phục như: Tính pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cao và thiếu chế tài xử lý các hành vi vi phạm; chưa có quy định điều chỉnh các mô hình TMĐT mới, trong đó, có các nền tảng dựa trên dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, và thương mại qua mạng xã hội; thiếu cơ chế cụ thể đối với các chủ thể tham gia TMĐT, đặc biệt trong việc xác định quyền và nghĩa vụ. Điều này gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm, tạo nguy cơ gia tăng gian lận thương mại và trốn thuế.
Giới chuyên gia cũng đề xuất cần sớm có một khuôn khổ pháp lý chuyên ngành để thúc đẩy TMĐT phát triển, bắt kịp xu hướng toàn cầu, thu hút đầu tư, huy động được các nguồn lực. Luật TMĐT ra đời sẽ bảo vệ lợi ích của các bên liên quan, đặc biệt bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn.
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh, cần có khung pháp lý để điều kiện cho sự phát triển của công nghệ mới, công nghệ cao, mở không gian cho TMĐT. Quan trọng hơn, cần có tính liên thông quốc tế trong luật giúp các nền tảng TMĐT Việt Nam hội nhập thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thanh toán, quản lý thuế…
Những chính sách lớn về TMĐT
Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, thời gian qua, Bộ Công thương đã khẩn trương xây dựng 5 bộ tài liệu liên quan đến hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật TMĐT, gồm: Hồ sơ xây dựng luật, báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết thực thi pháp luật hiện hành, báo cáo đề xuất chính sách. Các tài liệu này đã được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương từ ngày 17/01/2025 để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành, xác định các nội dung cần thiết cần bổ sung hoàn thiện để hoạch định chính sách về TMĐT trong thời gian tới, Bộ Công thương xác định 5 nhóm chính sách lớn, gồm: Bổ sung và thống nhất các khái niệm theo các quy định pháp luật hiện hành; Quy định các hình thức hoạt động TMĐT, các chủ thể tham gia vào hoạt động TMĐT, quyền và nghĩa vụ liên quan với mục tiêu đảm bảo không bỏ sót các mô hình hoạt động TMĐT và các chủ thể tham gia; Đảm bảo minh bạch về thẩm quyền, rõ ràng về giới hạn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp; Trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ TMĐT; Quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại với mục tiêu đối xử công bằng đối với các loại hình cung cấp dịch vụ tin cậy; Nhanh chóng phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến hợp đồng điện tử; Quy định về xây dựng, phát triển TMĐT nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy phát triển TMĐT; Thúc đẩy TMĐT phát triển xanh, bền vững, góp phần phát triển kinh tế hiệu quả, tạo giá trị cho cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội công bằng và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Bình Minh (Ban Chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam) cho rằng, các quy định trong Luật TMĐT cần mang tính bao quát đồng thời phù hợp với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; đưa ra những khái niệm chính xác về các công nghệ mới có ảnh hưởng tới giao dịch TMĐT thời gian tới. Khi xây dựng Luật TMĐT cần có quy định rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của các bên tham gia nhằm xác định rõ trách nhiệm pháp lý và quyền lợi của mỗi bên. Ngoài ra, việc định danh và xác thực sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, các giao dịch TMĐT là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và các cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia và tăng tính pháp lý cho các giao dịch khi Việt Nam tham gia TMĐT toàn cầu.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM từng nhấn mạnh, việc chưa có đầy đủ các quy định pháp luật về quản lý TMĐT có thể gây thiệt hại lớn cho kinh tế - xã hội trong nước. “Vì vậy, cần sớm hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước để hoạt động TMĐT đi vào nề nếp, đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các đơn vị sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, chống thất thu thuế, bảo vệ người tiêu dùng mua hàng hóa có chất lượng và xuất xứ rõ ràng” – ông Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.

“Thương mại điện tử ở Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu làm sao Việt Nam có một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ thông suốt để vừa đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cũng như các nhà cung cấp, các bên tham gia đồng thời phải đảm bảo quản lý nhà nước, đảm bảo về về an ninh, quốc phòng, phù hợp với các hiệp định, hiệp ước mà chúng ta đã ký kết với song phương, đa phương” - ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.

“Việc cấp thiết là cần hoàn thiện khung pháp lý đối với những quy định rõ ràng về hoạt động thương mại điện tử. Các quy định này bao gồm trách nhiệm của nền tảng trong việc kiểm soát chất lượng hàng hoá, bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Với vấn đề hàng hoá nên có các quy định điều chỉnh về định giá, chiến lược marketting để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạn” - ông Vũ Bảo Thắng, nhà sáng lập kiêm điều hành Meta Ecom.