Tinh hoa Việt

Nguyễn Viết Quang Hưng - Chủ tịch Hội Du Học Sinh Việt Nam (VISA): Cách thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội

Việt Quỳnh (thực hiện) 21/04/2025 14:48

Nguyễn Viết Quang Hưng sinh năm 2004 tại TP Hồ Chí Minh, hiện đang là sinh viên năm ba ngành Khoa học dữ liệu tại University of Michigan Ann Arbor, Hoa Kỳ (Trường thuộc Top 3 Đại học công lập Hoa Kỳ) và hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội Du học sinh Việt Nam (VISA) tại trường. Cùng với VISA, Nguyễn Viết Quang Hưng đã xây dựng chiến lược phát triển toàn diện tập trung vào việc kết nối cộng đồng du học sinh Việt Nam và quảng bá nét đẹp văn hóa Việt Nam trong môi trường đa văn hóa.

Quang Hung
Nguyễn Viết Quang Hưng.

Hưng và VISA đã tổ chức nhiều sự kiện để lan tỏa tinh thần Việt Nam, kết nối cộng đồng và giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc. Các bạn du học sinh Việt Nam thế hệ 2K cùng nhau tái hiện không gian văn hóa Việt qua các hoạt động như làm đèn lồng Hội An, thư pháp, và mang không khí Tết cổ truyền đến Michigan. Ngoài ra, VISA cũng thể hiện sự trân trọng đối với giáo dục và truyền thống dân tộc. Mỗi sự kiện đều được tổ chức với sự chăm chút tỉ mỉ, từ không gian trang trí đến âm nhạc và ẩm thực, nhằm tạo ra một không gian ấm áp và gần gũi, giúp mọi người cảm nhận sâu sắc hơn về văn hóa Việt Nam.

“Công nghệ và mạng xã hội là những công cụ tuyệt vời khi được sử dụng có mục đích”. Nguyễn Viết Quang Hưng chia sẻ: “Em thường xuyên sử dụng mạng xã hội để kết nối với cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Michigan và các trường đại học lân cận, cũng như học hỏi từ những kinh nghiệm của các anh chị đi trước. Bên cạnh đó, mạng xã hội còn giúp em cập nhật nhanh chóng các tin tức mới và duy trì mối liên hệ với bạn bè dù ở xa. Em luôn chú trọng theo dõi những nội dung mang lại giá trị thực tiễn, từ đó biến mạng xã hội thành công cụ giúp em phát triển bản thân, thay vì để nó trở thành nơi lãng phí thời gian”.

Với trải nghiệm của mình, Hưng thừa nhận rằng ai cũng có nguy cơ bị thao túng bởi mạng xã hội. Khi nói chuyện với nhiều bạn du học sinh, Hưng thấy nhiều người luôn cảm thấy phải "check-in" liên tục, lo lắng về việc bỏ lỡ thông tin (FOMO), và vô thức so sánh cuộc sống của mình với những hình ảnh "đã qua chỉnh sửa" trên mạng. Chính sự so sánh này khiến nhiều bạn cảm thấy không hài lòng với thực tại và tạo áp lực xây dựng hình ảnh hoàn hảo online, làm thay đổi cách đánh giá thành công và giá trị bản thân.

“Em cũng đã từng bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội và vẫn đang cố gắng thay đổi cách sử dụng nó”. Hưng tâm sự. “Một trong những điều giúp em nhận thức rõ hơn về tác động của mạng xã hội là việc tự hỏi bản thân: "Mình thực sự đang dành thời gian cho điều gì?" Câu hỏi này giúp em nhận ra rằng không phải tất cả những gì mình theo dõi đều mang lại giá trị cho bản thân. Em đã bắt đầu chọn lọc hơn những nội dung mình tiếp nhận, cố gắng chỉ theo dõi những tài khoản có nội dung hữu ích và phù hợp với mục tiêu cá nhân”.

Với Hưng, việc “hóng drama” không hẳn là điều xấu. Do mỗi người đều có cảm xúc và nhu cầu muốn tìm hiểu những gì đang xảy ra xung quanh mình, và đôi khi từ những câu chuyện ấy, chúng ta cũng có thể rút ra được vài bài học quý giá. Tuy nhiên, vấn đề là việc “hóng drama” nếu không có sự kiểm soát có thể chiếm mất quá nhiều thời gian và năng lượng của mình khiến chúng ta dễ mất đi khả năng tập trung vào những vấn đề quan trọng khác. Hưng cũng cố gắng tìm một sự cân bằng, nơi mà bản thân vẫn có thể theo dõi những thứ thú vị, nhưng cũng không để chúng chi phối quá nhiều thời gian.

“Em đã thấy nhiều bạn du học sinh gặp khó khăn với việc sử dụng mạng xã hội quá mức”, Hưng chia sẻ. “Về sức khỏe, việc nhìn vào màn hình điện thoại quá lâu có thể gây ra tình trạng mỏi mắt, đau đầu, và mất ngủ, đặc biệt là khi chúng ta thức khuya để lướt TikTok hay xem livestream. Về mặt tâm lý, việc liên tục thấy người khác đi du lịch, tham gia sự kiện hay đạt thành tích tốt trong học tập khiến nhiều bạn cảm thấy áp lực, thậm chí là tự ti với chính mình. Điều này cũng làm giảm khả năng xây dựng các mối quan hệ thực tế - một kỹ năng quan trọng khi chúng ta sống xa nhà”.

Hưng không nghĩ bản thân hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của mạng xã hội, nhưng em đã và đang học cách làm chủ nó. Mỗi ngày, Hưng dành thời gian để làm những điều thực sự ý nghĩa như đi dạo quanh khuôn viên trường, trò chuyện với bạn bè hay đơn giản là ngồi bên hồ để tận hưởng không gian. Những khoảnh khắc này giúp Hưng cảm thấy bình yên, tách biệt khỏi thế giới ảo. Hưng cũng đã tự đặt ra những “vùng cấm” cho điện thoại, chẳng hạn như không sử dụng trước khi đi ngủ hay trong bữa ăn, để có thể sống trọn vẹn với những người xung quanh và những trải nghiệm thực tế. Thực sự, việc dành thời gian sống cho những điều ý nghĩa trong cuộc sống thực mới là cách tốt nhất để mình cân bằng lại tâm trí và thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội.

Với Hưng cũng như các bạn du học sinh, khi sống xa quê hương, tình yêu đất nước lại càng trở nên mãnh liệt hơn. Hưng tin rằng để hội nhập tốt, trước hết mỗi người phải hiểu rõ và tự hào về nguồn cội của mình: “Mỗi thành viên trong VISA đều là một đại sứ văn hóa Việt Nam, sẵn sàng chia sẻ về lịch sử, văn hóa và giá trị truyền thống của dân tộc với bạn bè quốc tế. Em luôn tự hào khi mặc áo dài trong các sự kiện văn hóa, giới thiệu về ẩm thực Việt Nam, hay kể về những phong tục tập quán độc đáo của dân tộc ta. Điều đáng mừng là nhiều sinh viên quốc tế đã thay đổi cái nhìn về Việt Nam sau khi tham gia các sự kiện của VISA, từ một đất nước xa lạ thành một nền văn hóa phong phú đáng ngưỡng mộ. Nhiều sinh viên quốc tế đã thay đổi cái nhìn về Việt Nam, từ những hiểu biết hạn chế thành sự ngưỡng mộ chân thành. Quan trọng hơn cả, VISA đã tạo ra một không gian an toàn cho các du học sinh Việt Nam giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, đồng thời tự tin hội nhập vào môi trường quốc tế đa văn hóa”.

Theo Hưng, các bạn trẻ hãy sống có mục đích và đừng để công nghệ kiểm soát cuộc sống của mình. Thay vì chú tâm vào những "drama" trên mạng xã hội, hãy chú trọng hơn vào việc phát triển bản thân và tạo ra giá trị cho cộng đồng. Đừng đánh mất mình trong những tiêu chuẩn ảo trên mạng, mà hãy xây dựng những kết nối chân thành trong thế giới thực. Hãy tự hào về cội nguồn và bản sắc của mình, nhất là khi sống ở nước ngoài, vì đó là cơ hội để bạn chia sẻ những điều tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam. Cuối cùng, thành công không phải là những lượt thích trên mạng xã hội, mà là những ảnh hưởng tích cực bạn có thể mang lại cho người khác và cộng đồng”.

Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Viết Quang Hưng mong muốn được áp dụng kiến thức và kỹ năng lãnh đạo đã học để đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam: “Em tin rằng thế hệ du học sinh chúng em may mắn vì có một lợi thế đặc biệt, được tiếp cận với kiến thức tiên tiến đồng thời hiểu rõ bối cảnh và nhu cầu của đất nước. Em mong muốn xây dựng cầu nối giữa các du học sinh trở về nước để cùng nhau tạo ra những tác động tích cực.”

Việt Quỳnh (thực hiện)