Tinh hoa Việt

Nhà sản xuất Nguyễn Phan Giang: Văn hoá là nguồn lực định vị quốc gia

Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện) 23/04/2025 09:49

Nhà sản xuất Nguyễn Phan Giang có 15 năm kinh nghiệm làm truyền thông và hơn 10 năm trong vai trò nhà sản xuất, chia sẻ với tôi về việc đẩy mạnh đầu tư văn hoá, xây dựng hình ảnh quốc gia có sức lan toả mạnh mẽ trên thế giới. Nguyễn Phan Giang tin rằng, khi văn hóa được đặt đúng vào mạch chảy của thời đại, nó không chỉ tồn tại mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành cầu nối để thế giới hiểu hơn về Việt Nam.

PV: Nhìn lại hành trình dài đã qua, có thể nói, anh rất chú ý tới việc đầu tư vào các chương trình hay MV thể hiện được bản sắc truyền thống văn hoá dân tộc?

NSX Nguyen Phan Giang
Nhà sản xuất Nguyễn Phan Giang.

NSX Nguyễn Phan Giang: Đúng vậy. Tôi luôn tin rằng nghệ thuật không chỉ là một phương tiện giải trí, mà còn là cách để lưu giữ, tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc. Mỗi sản phẩm tôi làm ra đều mang một hơi thở rất Việt Nam – dù là âm nhạc, điện ảnh hay các chương trình biểu diễn.

Văn hóa của chúng ta rất giàu có, từ những làn điệu dân ca ngọt ngào, những giai điệu truyền thống mang âm hưởng núi rừng Tây Bắc hay miền Trung đầy nắng gió, đến những câu chuyện lịch sử hào hùng. Nếu biết cách kết hợp giữa yếu tố truyền thống và sự sáng tạo hiện đại, chúng ta không chỉ chạm đến trái tim khán giả trong nước mà còn có thể giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam đến với thế giới.

Tôi muốn người trẻ Việt Nam, khi xem một MV hay một bộ phim, không chỉ thấy đó là một sản phẩm giải trí, mà còn cảm nhận được niềm tự hào về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.

Vì sao anh chọn TP Hồ Chí Minh là nơi khởi nghiệp và gắn bó?

- Tôi yêu tinh thần phóng khoáng, năng động của thành phố này. Ở đây, mọi ý tưởng đều có thể trở thành hiện thực nếu bạn đủ đam mê và nỗ lực. Với tôi, đây là nơi lý tưởng để thử nghiệm những điều táo bạo, kết nối những tài năng trẻ và cùng nhau xây dựng một nền công nghiệp giải trí mang đậm dấu ấn Việt Nam.

Thị trường văn hoá nghệ thuật giải trí ở TP Hồ Chí Minh, anh thấy dư địa ra sao và tạo nên những yếu tố phát triển như thế nào?

- Tôi tin rằng thị trường này vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt khi chúng ta đang bước vào kỷ nguyên số và hội nhập toàn cầu.

Không chỉ dừng lại ở âm nhạc hay điện ảnh, tôi thấy ngày càng nhiều hình thức nghệ thuật mới đang lên ngôi – như những chương trình biểu diễn đa phương tiện, những show diễn kết hợp thực tế ảo, hay những dự án âm nhạc lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa nhưng mang hơi thở quốc tế.

TP Hồ Chí Minh có lợi thế lớn về nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo, dám thử nghiệm những điều mới. Điều quan trọng là chúng ta cần có chiến lược dài hạn, đầu tư bài bản để xây dựng một hệ sinh thái văn hóa vững chắc, từ sáng tạo nội dung, sản xuất chuyên nghiệp đến phân phối và quảng bá ra thị trường quốc tế.

Nhiều bộ Phim và MV mà anh đã sản xuất, đã tạo ra thị hiếu ra sao, đặc biệt đối với giới trẻ?

- Giới trẻ ngày nay rất thông minh và nhạy bén với xu hướng. Họ không chỉ muốn xem một bộ phim và MV đẹp, nghe một bài hát hay, mà còn muốn tìm thấy cảm xúc, giá trị và sự kết nối trong đó.

Khi sản xuất các MV, tôi luôn định hướng đội ngũ mình đến việc mang lại một câu chuyện, một cảm hứng nào đó chứ không chỉ đơn thuần là hình ảnh lung linh hay âm nhạc bắt tai. Đó có thể là một ca khúc mang âm hưởng dân gian nhưng được phối khí hiện đại, hay một MV tái hiện những câu chuyện truyền thuyết Việt Nam theo phong cách điện ảnh. Tôi muốn mỗi sản phẩm của mình đều có sức sống riêng khiến khán giả cảm thấy tự hào khi được là một phần của nền văn hóa này.

NSX Nguyen Phan Giang 2

Tâm niệm của anh khi làm nghề, có thể thấy, không chỉ dừng lại ở việc giải trí, mà còn là tạo cảm hứng về tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc đến công chúng thưởng thức?

- Nghệ thuật không chỉ là tiếng nói của cá nhân mà còn là hơi thở của một dân tộc. Tôi muốn những sản phẩm của mình, dù là MV, phim ảnh hay sự kiện nghệ thuật, đều có thể mang lại một chút gì đó để khơi dậy niềm tự hào Việt Nam trong mỗi người.

Tôi tin rằng khi một đất nước có một nền văn hóa mạnh, thì vị thế của quốc gia đó cũng sẽ được nâng cao. Nếu chúng ta có thể đưa hình ảnh Việt Nam vào những sản phẩm âm nhạc, điện ảnh một cách tinh tế, sáng tạo, thì đó chính là cách giới thiệu đất nước mình ra thế giới một cách tự nhiên và hiệu quả nhất.

Đó cũng là lý do mà anh quan tâm tới việc cần đầu tư vào văn hoá ra sao, để có thể phát triển vững chắc và xây dựng hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế?

- Đúng vậy! Nếu chúng ta nhìn vào những quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển như Hàn Quốc hay Nhật Bản, họ đã làm rất tốt việc đưa văn hóa truyền thống vào các sản phẩm hiện đại để tạo sức hút toàn cầu.

Việt Nam có một kho tàng văn hóa khổng lồ - từ âm nhạc dân gian, nghệ thuật truyền thống, điện ảnh đến những câu chuyện lịch sử hào hùng. Điều quan trọng là làm sao để biến những chất liệu ấy thành những sản phẩm có giá trị, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ.

Tôi luôn nghĩ rằng nghệ thuật là một cây cầu nối, và nếu chúng ta có một chiến lược dài hạn, một tầm nhìn lớn thì văn hóa Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, tạo dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ giải trí thế giới. Tôi mong rằng trong tương lai, những sản phẩm văn hoá - nghệ thuật của chúng ta không chỉ được yêu thích ở Việt Nam mà còn có thể khiến bạn bè quốc tế nhớ đến và trân trọng nền văn hóa này.

NSX Nguyen Phan Giang 3

Chiến lược văn hóa quan trọng không kém chiến lược kinh doanh - anh có đồng ý với quan điểm này không?

- Tôi hoàn toàn đồng ý! Văn hóa không chỉ là một phần của cuộc sống, mà còn là một nguồn lực mạnh mẽ giúp định vị quốc gia và thương hiệu. Nếu nhìn vào các nền kinh tế hàng đầu thế giới, chúng ta sẽ thấy họ không chỉ xuất khẩu sản phẩm hay công nghệ mà còn xuất khẩu cả lối sống, phong cách và giá trị văn hóa của mình.

Mỹ có Hollywood, Disney, Marvel – những cỗ máy giấc mơ định hình nhận thức của hàng tỷ người. Hàn Quốc có K-Pop, K-Drama, K-Cinema giúp họ không chỉ là một cường quốc công nghệ mà còn là một trung tâm sáng tạo toàn cầu. Những thương hiệu lớn trên thế giới cũng không đơn thuần là công ty kinh doanh sản phẩm mà họ còn gắn liền với những biểu tượng văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo. Vậy tại sao Việt Nam lại không thể?

Chúng ta có một nền văn hóa phong phú, một lịch sử hào hùng, một dân số trẻ với tinh thần sáng tạo mạnh mẽ. Nhưng điều chúng ta còn thiếu là một chiến lược bài bản để đầu tư và lan tỏa giá trị văn hóa đó ra thế giới.

Theo anh, doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp cận văn hóa như thế nào? Đã đến lúc họ chủ động xây dựng di sản thay vì chỉ tài trợ không?

- Tôi nghĩ đã đến lúc các doanh nghiệp Việt cần thay đổi góc nhìn về đầu tư vào văn hóa. Nhiều người vẫn xem đây là một dạng CSR (trách nhiệm xã hội doanh nghiệp), nhưng thực tế, những tập đoàn hàng đầu thế giới đã chứng minh rằng văn hóa có thể trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược thương hiệu của họ.

Vậy từ việc tài trợ đến xây dựng di sản - Việt Nam đang ở đâu, theo anh?

- Việt Nam cũng đã có những mô hình thành công, nhưng phần lớn vẫn mang tính tự phát và chưa có sự đầu tư bài bản từ doanh nghiệp.

Lấy “Vietnamese Concert” của Hoàng Thùy Linh làm ví dụ: Đây không chỉ là một buổi biểu diễn mà còn là một hành trình âm nhạc đưa khán giả đi qua các lát cắt của văn hóa Việt Nam. Với gần 20 ca khúc mang âm hưởng dân gian, concert này đã tạo ra một không gian nghệ thuật nơi những yếu tố truyền thống như hát chầu văn, ca trù, và dân ca Bắc Bộ được tái hiện trên sân khấu hiện đại. Thành công của chương trình không chỉ dừng lại ở lượng vé bán ra mà còn ở việc tạo ra một làn sóng lan tỏa về niềm tự hào văn hóa trong giới trẻ. Điều đáng nói là, nếu có sự đồng hành từ các thương hiệu lớn, Vietnamese Concert hoàn toàn có thể mở rộng quy mô, trở thành một chuỗi sự kiện thường niên, hoặc thậm chí là một sản phẩm xuất khẩu văn hóa ra thế giới như cách K-Pop đã làm.

MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của Hòa Minzy cũng là một ví dụ đáng chú ý. Với nội dung tái hiện câu chuyện của Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại, MV này đã khơi gợi sự quan tâm của giới trẻ đến lịch sử triều Nguyễn. Ngay sau khi MV ra mắt, lượng khách du lịch đến Huế tăng đáng kể, đặc biệt là những địa điểm liên quan đến bối cảnh MV như Đại Nội và Cung An Định. Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy nghệ thuật không chỉ có giá trị giải trí mà còn có thể trở thành công cụ quảng bá du lịch và kích cầu kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, cả “Vietnamese Concert” và “Không thể cùng nhau suốt kiếp” đều chỉ là những nỗ lực cá nhân, chưa có sự bảo trợ chiến lược từ doanh nghiệp hay chính phủ. Hãy tưởng tượng nếu một tập đoàn bất động sản đầu tư vào việc tái hiện một phần lịch sử Việt Nam thông qua các MV hoặc phim điện ảnh, sau đó xây dựng khu du lịch dựa trên những bối cảnh này - giống như cách Universal Stu-dios hay Disney đã làm với các bộ phim của họ. Khi đó, nghệ thuật không chỉ là phương tiện giải trí mà còn là một phần trong chiến lược kinh kế.

"Quyền lực mềm" là một khái niệm do giáo sư người Mỹ Joseph Samuel Nye đưa ra, ông cho rằng đối với một quốc gia, quyền lực mềm được tạo dựng trên 3 yếu tố: văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia và chính sách của quốc gia đó. Trong đó, văn hoá quốc gia là một trong ba quyền lực mềm vô cùng quan trọng?

- Đúng vậy! Quyền lực mềm không chỉ là chuyện của điện ảnh hay âm nhạc, mà còn là một phần của nền kinh tế.

Chúng ta có thể nhìn vào trường hợp của “The Lord of the Rings” (phim “Chúa tể của chiếc nhẫn”). Bộ phim này không chỉ là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc mà còn giúp New Zealand thu về hàng tỷ USD từ du lịch. Hay “Game of Thrones” đã biến Iceland, Croatia, Bắc Ireland thành những điểm đến “phải check-in” của hàng triệu du khách.

Hàn Quốc hiểu điều này hơn ai hết. Khi “Hạ cánh nơi anh” gây sốt, chính quyền Seoul nhanh chóng biến các địa điểm quay phim thành điểm du lịch. Khi “Trò chơi con mực” bùng nổ, chính phủ Hàn Quốc tận dụng ngay để quảng bá nền công nghiệp sáng tạo của họ.

Việt Nam có những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, có Truyện Kiều, Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt sử ký… nhưng chưa có ai thực sự đầu tư nghiêm túc để biến chúng thành sản phẩm văn hóa có giá trị xuất khẩu.

Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta cần làm gì để thay đổi điều này?

Vậy theo anh, chúng ta cần làm những gì để các sản phẩm văn hoá nghệ thuật có giá trị không chỉ trong nước mà còn phổ biến trên toàn thế giới?

- Vâng! Không một nền công nghiệp văn hóa nào có thể phát triển mạnh nếu thiếu sự hậu thuẫn của chính phủ.

Hollywood không lớn mạnh chỉ nhờ tài năng của các đạo diễn – đó là kết quả của hàng thập kỷ bảo trợ từ chính phủ Mỹ. Hàn Quốc cũng không tự nhiên trở thành cường quốc giải trí – chính phủ của họ đã có những chính sách hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế và chiến lược đưa K-Content ra toàn cầu.

Việt Nam cần có một chính sách dài hạn, hỗ trợ các nhà làm phim, nhạc sĩ, nghệ sĩ đưa sản phẩm của họ ra thế giới. Chúng ta có thể hợp tác với các nền tảng như Netflix để giới thiệu các câu chuyện lịch sử, truyền thuyết vào dòng chảy giải trí quốc tế.

Là một đại diện tiêu biểu trong vai trò nhà đầu tư và nhà sản xuất trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hoá, giải trí, anh có gợi ý định hướng nào cho các doanh nghiệp để góp phần đưa văn hóa Việt Nam vươn xa?

- Tôi nghĩ có 5 yếu tố quan trọng: Đầu tiên là bệ phóng tài chính và thương hiệu quốc gia. Những tập đoàn lớn có thể đóng vai trò tài trợ và đầu tư vào các dự án văn hóa, từ xây dựng phim trường, công viên chủ đề đến bảo tàng số. Doanh nghiệp Việt có thể tích hợp giá trị văn hóa vào chiến lược thương hiệu để lan tỏa bản sắc Việt ra thế giới. Tham gia phát triển nền công nghiệp giải trí: biến di sản thành sản phẩm hấp dẫn

Hai là, xác định Việt Nam trên bản đồ giải trí toàn cầu. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và ngành giải trí không chỉ giúp bảo tồn di sản mà còn tạo ra giá trị kinh tế bền vững. Nếu có chiến lược dài hạn và sự đầu tư nghiêm túc, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc giải trí mới của châu Á, đưa văn hóa Việt Nam vươn tầm thế giới.

Ba là, đầu tư dài hạn - lợi ích vượt xa truyền thông ngắn hạn. Tôi tin rằng, nếu chỉ tìm kiếm lợi ích ngắn hạn từ một hợp đồng tài trợ, doanh nghiệp sẽ chỉ chơi một ván cờ nhỏ. Nhưng nếu có tầm nhìn chiến lược, họ có thể biến thương hiệu thành biểu tượng văn hóa – điều không gì có thể thay thế được.

Bốn là, gây dựng sự trung thành từ khách hàng: Thế hệ trẻ ngày nay quan tâm đến những thương hiệu có trách nhiệm với văn hóa và xã hội hơn là những cái tên chỉ xuất hiện trên quảng cáo.

Năm là, nâng cao hình ảnh quốc gia: Khi thương hiệu Việt đầu tư vào nghệ thuật, họ không chỉ phát triển chính mình mà còn góp phần đưa hình ảnh đất nước ra thế giới.

Những doanh nghiệp thành công nhất trong lịch sử không chỉ là những doanh nghiệp bán nhiều sản phẩm nhất, mà là những cái tên gắn liền với giá trị văn hóa của một dân tộc. Đó mới là di sản thực sự.

Rõ ràng như những chia sẻ của anh: Muốn thành công lớn, phải nghĩ lớn?

- Chính xác! Doanh nghiệp không nên chỉ đặt logo lên phông nền sự kiện. Hãy trở thành một phần của câu chuyện. Những thương hiệu nào hiểu điều này sẽ không chỉ sống sót trong cuộc chơi dài hạn, mà còn có thể thay đổi cả một nền văn hóa. Và tôi tin rằng, những người dám nghĩ lớn sẽ là những người làm nên lịch sử.

Xin cảm ơn những chia sẻ quý giá của anh!

Nhà sản xuất Nguyễn Phan Giang (hiện đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh) nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất âm nhạc, nghệ thuật, điện ảnh. Anh là nhà sản xuất: Phim chiếu rạp: “Em gái mưa”, “Vietnamese Concert Film”. Các MV top - trending (dẫn đầu thị hiếu công chúng): “Em gái mưa” (Hương Tràm), “Đừng hỏi em” (Mỹ Tâm), “Ngày đầu tiên” (Đức Phúc), “Không thể cùng nhau suốt kiếp” (Hoà Minzy), “Kẻ cắp gặp bà già” (Hoàng Thuỳ Linh), “See Tình” (Hoàng Thuỳ Linh)... Là thành viên hội đồng thẩm định Zing Music Award 2016.

Giải thưởng: Wechoice 2017: Giải Xu hướng giới trẻ; Giải cống hiến 2018: giải MV của năm; Làn Sóng Xanh 2020: Giải MV của năm; Top 10 MV của năm Youtube Vietnam 2020: “Hơn Cả Yêu”... Giải thưởng Youtube cho nhà sản xuất Việt Nam 2023 - Youtube Works awards Vietnam 2023: Giải Nhất: hạng mục Đổi mới; Giải Nhì hạng mục Nhà sáng tạo hàng đầu. Giải thưởng MAA SMARTIES 2023: Giải Vàng: Sáng tạo Thương mại Điện tử tích hợp; Giải Bạc: Đa dạng và Hoà nhập…

Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện)