Thanh Hóa: Thiếu hụt vật liệu xây dựng trầm trọng
Tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng như đất, đá, cát đang diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa, kéo theo giá cả tăng cao và ảnh hưởng đến tiến độ nhiều công trình, dự án.
Giá vật liệu xây dựng tăng cao
Nhiều tuần nay, anh Nguyễn Văn Cường (trú thôn Đoài, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc) phải tạm ngừng việc xây nhà vì giá cát và gạch đỏ tăng chóng mặt. Theo anh Cường, vào thời điểm cuối tháng 3/2025, giá cát chỉ rơi vào khoảng 220.000 đồng/m3 thì tới đầu tháng 4, giá cát đã tăng vọt lên 350.000 đồng/m3 và hiện tại đã lên tới 500.000 đồng/m3, nhưng để mua được cát cũng rất khó khăn. Đối với gạch đỏ cũng tăng chóng mặt từ 1.200 đồng/viên lên 1.800 đồng/viên chỉ trong gần 1 tháng vừa qua.

“Ngoài giá cát và gạch tăng quá nhanh, giá bê tông tươi cũng không phải ngoại lệ. Nếu như ở thời điểm cuối năm 2024, giá bê tông tươi ở mức 180.000 đồng/m3 thì nay tăng lên 350.000 đồng/m3, làm đội giá chi phí xây nhà, vượt ngoài dự trù so với tính toán hồi đầu năm của tôi” - anh Cường nói.
Ông Trịnh Việt Cường - quản lý mỏ cát số 50, huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Giá bán cát tại mỏ vừa qua có tăng, hiện đang ở mức 350.000 đồng/m3 chưa bao gồm VAT. “Theo tính toán, số cát còn lại trên bãi của chúng tôi không đáp ứng đủ cho các công trình, dự án giao thông mà Công ty đang triển khai nên gần như sẽ không bán ra ngoài” - ông Cường nói.
Ông Mai Văn Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng giao thông thủy lợi Giang Sơn cho biết: Thời gian qua, giá đá dăm tại Công ty đã tăng từ mức 180.000 đồng/m3 lên 220.000 đồng/m3 nhưng vẫn không có đủ hàng để bán. Gần đây, có nhiều mỏ đá trên địa bàn tỉnh dừng khai thác hoặc giảm công suất khiến nhu cầu về đá tăng mạnh. Ngoài ra, từ cuối tháng 3/2025 đến nay, nhiều tàu ở tận Nam Định, Hải Phòng cũng về Thanh Hóa mua đá với số lượng khá lớn, cộng với các doanh nghiệp trong tỉnh, nên gần như mỏ xay đến đâu là hết đá tới đó.
Tại gói thầu số 5 thuộc Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, đại diện Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi cho biết: Để hoàn thành việc đắp nền đường, sẽ cần khoảng 20.000m3 cát san lấp và 180.000m3 đất đắp. Trước tình trạng thiếu vật liệu xây dựng và giá đang cao như hiện nay, đơn vị thi công rất lo lắng về tiến độ của dự án.
Tìm phương án tháo gỡ
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Thiệu Hóa cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện đang triển khai hơn 10 dự án đầu tư công, trong đó, có nhiều công trình đang rất cần nguyên vật liệu để đắp nền. “Nhiều nhà thầu nói giá cát, đất, đá đã tăng quá cao, vượt khả năng dự trù tài chính của họ. Nếu tỉnh không sớm có giải pháp sớm, tiến độ nhiều dự án trên địa bàn sẽ bị ảnh hưởng”- ông Hùng nói.
Trước thực trạng trên, ngày 15/4, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị về kết quả rà soát, kiểm tra toàn diện công tác quy hoạch, thăm dò, khảo sát, cấp phép, khai thác, vận chuyển, phục hồi môi trường đối với các mỏ khoáng sản trên địa bàn. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, tính đến ngày 15/3/2025, toàn tỉnh có 344 mỏ được cấp phép đang còn thời hạn. Để hoạt động khai thác khoáng sản đáp ứng được nhu cầu vật liệu xây dựng, đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật, từ đầu năm 2025, Sở đã thành lập 3 đoàn công tác, tiến hành kiểm tra 243 mỏ khoáng sản, trong đó, có 189 mỏ đá, 33 mỏ đất, 6 mỏ cát, 15 mỏ đất sét.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết, nguyên nhân khiến việc thiếu hụt nguồn cung vật liệu xây dựng là do quy hoạch khoáng sản được tích hợp vào quy hoạch tỉnh từ giai đoạn 2015 - 2020, đến nay đã không còn phù hợp với thực tế. Cùng với đó, công tác dự báo về nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng chưa chính xác, đơn cử như năm 2024, khối lượng đá sử dụng thực tế là 12,33 triệu m3, trong khi năm 2025 chỉ dự báo là 8,43 triệu m3. Đối với nguồn đất san lấp, trữ lượng còn lại tại các mỏ đã cấp là 42,89 triệu m3, trong khi nhu cầu cho giai đoạn 2026 - 2030 lên tới 151,33 triệu m3, thiếu khoảng 141,71 triệu m3. Ngoài ra, trong quá trình khai thác, nhiều mỏ còn khai thác vượt công suất, không đúng thiết kế, lấn chiếm đất, vượt ranh giới được cấp, kê khai không đúng sản lượng khai thác...
Để giải quyết dứt điểm các vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang giao Sở Nông nghiệp và Môi trường sau khi kiểm tra các mỏ khoáng sản, phải hoàn thiện hồ sơ, tùy vào mức độ vi phạm giao cho Công an tỉnh và các ngành có liên quan xử lý. Cùng với đó, yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra các mỏ ở những khu vực không ảnh hưởng đến dân cư và giao thông để cấp phép nâng công suất khai thác, đáp ứng nhu cầu thị trường.