Tránh lộ lọt thông tin từ camera giám sát
Ngày càng nhiều người sử dụng camera giám sát để theo dõi hoạt động tại cửa hàng và nhà riêng, cùng với việc kiểm soát, giám sát được công việc và an ninh là canh cánh nỗi lo có thể bị lộ lọt thông tin, hình ảnh của mình và người thân.
.png)
Gia đình chị Hương Giang (Đống Đa - Hà Nội) sử dụng camera giám sát gia đình từ năm 2020. Theo chị Giang, việc lắp camera rất tiện lợi để giám sát việc học tập và giờ giấc sinh hoạt của các con. Còn chị Thu Hà (Long Biên - Hà Nội) cũng rất yên tâm khi qua camera giám sát vẫn quan sát được hoạt động của bố mẹ già ở quê và kịp thời gọi người hỗ trợ khi thấy có họ biểu hiện bất thường trong sinh hoạt. Mặc dù thấy rất tiện song lúc nào chị Giang và chị Hà cũng canh cánh nỗi lo có thể bị lộ lọt hình ảnh của gia đình và người thân. “Gần đây, tôi biết có nhiều trường hợp bị lộ lọt thông tin qua camera giám sát gia đình khiến tôi rất lo ngại. Nhất là những hình ảnh riêng tư có thể bị sử dụng để tống tiền, tấn công tâm lý hoặc bị sử dụng vào mục đích xấu” - chị Giang chia sẻ.
Hiện nay, việc giám sát hình ảnh từ xa thông qua các camera giám sát được các cơ quan, tổ chức và người dân sử dụng khá phổ biến. Theo thống kê của Cục Hải quan (Bộ Tài chính), ước tính đến năm 2025, Việt Nam sẽ có hơn 20 triệu camera giám sát được sử dụng, trong đó có khoảng hơn 90% camera xuất xứ từ Trung Quốc và chuyển dữ liệu khách hàng Việt Nam ra nước ngoài. Điều này đặt ra những lo ngại về an ninh mạng, đặc biệt là khi một số dòng camera hoạt động theo cơ chế đám mây, kết nối với máy chủ đặt tại nước ngoài, tiềm ẩn rủi ro về lộ lọt dữ liệu. Thực tế, trong thời gian qua tại Việt Nam cũng đã xảy ra nhiều vụ dữ liệu hình ảnh camera riêng tư bị thu thập trái phép và tung lên mạng xã hội gây bất an cho người sử dụng và làm ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn, an ninh xã hội.
Ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết, năm 2014, hàng nghìn camera giám sát được chia sẻ công khai trên một trang web (khoảng 730.000 camera trên toàn thế giới, trong đó có hơn 1.000 chiếc tại Việt Nam). Năm 2020, theo khảo sát thực hiện tại Việt Nam, hơn 70% camera có mật khẩu yếu, mật khẩu mặc định. Năm 2023, tin tặc rao bán quyền truy cập camera tại Việt Nam, với chi phí chỉ khoảng 800.000 đồng để tiếp cận 15 camera và số lượng camera được rao bán lên tới hàng trăm nghìn chiếc… tình trạng này hiện vẫn đang tiếp diễn. Các đối tượng thu thập dữ liệu người dùng để thực hiện các hành vi tấn công mạng và lừa đảo trực tuyến khi nắm giữ được các thông tin cá nhân và những hình ảnh riêng tư và dữ liệu nhạy cảm... “Camera bị tấn công dễ để lại hậu quả nghiêm trọng khi hacker có nhiều thông tin nhạy cảm như hình ảnh, âm thanh. Đối với cá nhân, quyền riêng tư sẽ bị xâm phạm, bị theo dõi từ xa, bị tống tiền, làm deepfake lừa đảo; đối với các cơ quan, tổ chức, ngoài các hậu quả như người dùng cá nhân, còn có vấn đề liên quan đến gián điệp, hoặc trở thành bàn đạp để hacker tấn công hệ thống khác bên trong mạng lưới…” - ông Sơn phân tích.
Theo ông Sơn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bị xâm phạm camera, trong đó phổ biến là do người dùng không đổi mật khẩu khi lắp đặt, dùng mật khẩu yếu hoặc đặt chung mật khẩu với tài khoản khác. Ngoài ra, hacker có thể tấn công và xâm nhập vào máy chủ của nhà sản xuất hoặc thông tin bị lộ từ đơn vị lắp đặt camera. Để phòng tránh rò rỉ dữ liệu từ camera, người dùng lưu ý chọn các thương hiệu camera nổi tiếng với chính sách bảo mật rõ ràng, minh bạch; tránh sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc; đặt mật khẩu mạnh gồm cả chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt; đảm bảo thiết bị luôn hoạt động ở phiên bản phần mềm mới nhất; tắt chức năng truy cập qua Internet nếu không cần theo dõi từ xa để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công; không đặt camera ở những vị trí riêng tư như phòng ngủ, phòng tắm…
Ông Nguyễn Việt Bằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT cho hay, dù trông đơn giản và nhỏ bé nhưng camera là một thiết bị phức tạp, có thể trở thành thiết bị để thu thập thông tin. Một camera đặt trong nhà sẽ giống như máy tính có hệ điều hành, chạy âm thầm có ghi âm, có hình ảnh, nếu có lỗ hổng, thiết bị camera hoàn toàn có thể gửi thông tin ra ngoài. Do đó, ngoài các biện pháp bảo đảm an toàn như: đặt mật khẩu mạnh, sử dụng camera có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… người dùng nên cập nhật thường xuyên phần mềm mới để vá các lỗ hổng bảo mật. Đồng thời, trong quá trình sử dụng, người dùng cũng nên thường xuyên kiểm tra nhật ký truy cập để phát hiện các hoạt động đáng ngờ, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.