Văn hóa

Nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa

Lan Dương 19/04/2025 07:35

Ngày 18/4, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo về “Giải pháp tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa” với sự tham gia của trên 120 đại biểu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho rằng, chúng ta hiện nay đang đối diện với thách thức rất lớn, cả nước cũng như Thủ đô phải tăng trưởng đạt 2 con số. Bên cạnh đó, để Hà Nội đạt mục tiêu tăng trưởng mà cụ thể là tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh thì phát triển công nghiệp văn hoá là giải pháp quan trọng, đồng thời là lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội.

tren(1).jpg
Show diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” ở Quốc Oai (Hà Nội) góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa, thu hút khách du lịch. Ảnh: M.H

Hà Nội kỳ vọng, với cơ sở pháp lý quan trọng là Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ phát huy tối đa tiềm năng văn hoá để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá Thủ đô. Hai nghị quyết này nếu được ban hành là cơ sở quan trọng của việc phát triển văn hoá nói chung, công nghiệp văn hoá nói riêng, là nền tảng để biến văn hoá thành nguồn lực Thủ đô.

Tại Hội thảo, các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân... đã tập trung vào các vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội. Các kinh nghiệm của các nước như Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, khu phát triển thương mại và văn hóa đã gợi mở nhiều bài học cho Thủ đô Hà Nội.

Trong đó, KTS Emmanuel Cerise - Trưởng đại diện Vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp văn hóa mang lại cho Pháp 110 tỷ đô/năm. Tại Paris, khi phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa, chính quyền rất quan tâm đến kết nối được giao thông công cộng. Những điểm văn hóa rất thu hút và nhu cầu giao thông công cộng gắn với các điểm này gia tăng. Hiện tại, tuyến đường sắt 200km nội vùng Paris kết nối tất cả các điểm văn hóa chính của vùng.

“Hà Nội hiện có 2 tuyến đường sắt đô thị. Tôi hy vọng, Hà Nội nên gắn các điểm văn hóa này với lộ trình tuyến đường sắt đô thị. Metro là phương tiện lý tưởng để quảng bá, phát triển công nghiệp văn hóa” - KTS Emmanuel Cerise nêu.

Trong khi đó, bà Phạm Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng, Hà Nội có nhiều di sản đô thị cũ đã được làm sống lại qua các lễ hội sáng tạo như Bốt Hàng Đậu, Nhà máy xe lửa Gia Lâm… Đây là tiềm năng lớn để phát triển trung tâm công nghiệp văn hoá.

Bà Phạm Thanh Hường đề xuất tái sử dụng khu công nghiệp cũ, di sản công nghiệp bị bỏ hoang thành trung tâm công nghiệp văn hoá - vừa tiết kiệm chi phí, vừa tạo cảm hứng sáng tạo. Ngoài ra, cần phát triển trung tâm liên kết đa ngành: Văn hóa, thiết kế sáng tạo, công nghệ, khuyến khích thử nghiệm mới và tạo không gian trải nghiệm.

Là người tham gia xây dựng nhiều mô hình công nghiệp văn hoá tại Hà Nội, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh chia sẻ tiêu chí xây dựng mô hình mới bên cạnh việc tái sử dụng công trình cũ. Theo ông, để hiệu quả, trung tâm công nghiệp văn hoá nên có diện tích từ 1 - 5 ha, thu hút khoảng 60 - 80 gian hàng, đồng thời có không gian chung thiết kế thân thiện, gắn kết cộng đồng. “Để xác định ra kích thước tối ưu trong quy hoạch khu vực triển khai hệ sinh thái thương mại văn hóa thì cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và tạo ra một không gian hấp dẫn cho cả thương mại lẫn văn hóa” - ông Thanh nhấn mạnh.

Kết luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, việc phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những chủ trương quan trọng của TP nhằm biến văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện hiện nay, TP sẽ ưu tiên việc sử dụng lại các khu nhà máy, trụ sở, khu công nghiệp cũ để cải tạo, chuyển đổi công năng phục vụ phát triển văn hóa.

Bên cạnh đó, TP đã ban hành Nghị quyết về liên doanh, liên kết, nhượng quyền… Đây là cơ sở để các đơn vị mạnh dạn thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa theo hình thức này. “Thành phố sẽ chủ trương đẩy mạnh hình thức hợp tác công - tư (đầu tư công, quản trị tư), phát huy sự sáng tạo, đổi mới của khu vực tư nhân” - ông Sơn cho biết. Với vai trò định hướng, Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ về công nghệ, truyền thông, hợp tác quốc tế và phát triển thị trường. Việc phát triển trung tâm công nghiệp văn hoá cần được thực hiện theo lộ trình với những bước đi phù hợp, chắc chắn.

Lan Dương