Thuốc giả - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống y tế
Công an tỉnh Thanh Hóa mới đây đã triệt phá một đường dây sản xuất và buôn bán thuốc chữa bệnh giả với quy mô lớn. Qua khám xét tại 6 địa điểm đã thu giữ gần 10 tấn thuốc giả, cùng nguyên liệu để làm thuốc giả.
Thuốc giả chủ yếu bán qua mạng và kênh bán lẻ
Các sản phẩm giả này chủ yếu là thuốc chữa bệnh xương khớp, nhức mỏi, tê bại, những nhóm đối tượng dễ bị lừa chính là những người cao tuổi, có thu nhập thấp và nhu cầu thuốc chữa bệnh giá rẻ. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận, từ năm 2021 đến khi bị bắt đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền thu lời bất chính ước tính gần 200 tỷ đồng.
.jpg)
Một trong những phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội mới mà các đối tượng sử dụng, đó là đối với các loại thuốc chữa bệnh về xương khớp, các đối tượng không làm giả các sản phẩm có sẵn đang lưu hành trên thị trường trong và ngoài nước mà tự đặt ra những tên thuốc cũng như tên Công ty có trụ sở ở nước ngoài, chủ yếu là tại Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Singapore… nên rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết: Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đề nghị cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật và triệt để thu hồi các thuốc do đối tượng làm giả, đã đưa ra thị trường. Thông tin ban đầu của Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị chức năng chưa phát hiện thấy các sản phẩm nêu trên tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Các sản phẩm do những đối tượng làm giả không xâm nhập được vào hệ thống bệnh viện công lập do không có đầy đủ giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu. Do đó, những sản phẩm giả này chủ yếu được bán trên mạng và tại các kênh bán lẻ. Bộ Y tế và Bộ Công an đã ký quy chế phối hợp, trong đó, hai bộ sẽ phối hợp trong cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu, phân phối lưu thông thuốc, trong đó có thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Để bảo đảm chất lượng thuốc, Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt hoạt động tiền kiểm cũng như hậu kiểm trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Người dân có thể tra cứu thuốc đã được cấp phép lưu hành trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Nếu thuốc không có tên trên trang web là thuốc chưa được cấp phép lưu hành, không được sản xuất, kinh doanh, không sử dụng.
Gánh nặng với hệ thống y tế
Theo BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga (Bộ Quốc phòng) cho rằng, thuốc giả là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống y tế toàn cầu. Các loại thuốc giả không chỉ làm gián đoạn quá trình điều trị mà còn có thể khiến bệnh nhân mất cơ hội sống, gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Tình trạng này đang đẩy ngành dược phẩm chính thống vào thế khó, đồng thời tạo ra một “vòng xoáy” nguy hiểm: Thuốc giả - thất bại điều trị - chi phí điều trị tăng cao - gánh nặng cho hệ thống y tế.
Ngoài tác hại trực tiếp đối với sức khỏe, thuốc giả còn mang đến những thiệt hại lớn cho nền kinh tế và xã hội. Doanh nghiệp dược phẩm hợp pháp phải đối mặt với tình trạng mất thị phần, giảm doanh thu khi thuốc giả chiếm lĩnh thị trường. Họ phải gia tăng chi phí để bảo vệ thương hiệu, nâng cao chất lượng bao bì, kiểm tra và điều tra pháp lý, gây thêm gánh nặng cho việc sản xuất và kinh doanh.
Về phía hệ thống y tế, thuốc giả làm tăng chi phí điều trị do phải xử lý biến chứng và tiếp tục điều trị cho bệnh nhân. Những nguồn lực quý báu như giường bệnh, thuốc men và nhân lực cũng bị lãng phí trong quá trình điều trị. Các cơ quan quản lý, vì thế, cũng phải đối mặt với chi phí lớn trong công tác kiểm tra và xử lý các vụ buôn bán thuốc giả.
Hệ lụy xã hội của thuốc giả cũng không nhỏ. Sự xuất hiện của thuốc giả làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống y tế. Thuốc giả không chỉ gây hại trực tiếp đến sức khỏe người dùng mà còn tạo ra những mối nguy hiểm dài hạn. Các hậu quả như ngộ độc, dị ứng, nhiễm khuẩn từ thuốc tiêm, kháng thuốc kháng sinh và thậm chí tử vong có thể xảy ra nếu người bệnh không nhận thức được sự nguy hiểm của việc sử dụng thuốc giả. Việc kéo dài quá trình điều trị và gia tăng chi phí điều trị chỉ làm cho gánh nặng tài chính của bệnh nhân nặng thêm, đồng thời tăng áp lực lên hệ thống y tế.
BS Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo, nếu vô tình sử dụng loại thuốc nằm trong danh sách cảnh báo, điều quan trọng nhất là hãy giữ bình tĩnh và hành động kịp thời. Đầu tiên, hãy ngừng ngay việc sử dụng thuốc. Dù chỉ uống một liều hay nhiều liều, việc tiếp tục sử dụng có thể khiến tình trạng sức khỏe xấu đi. Thứ hai, nhanh chóng liên hệ với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và tư vấn. Việc khai báo cụ thể loại thuốc đã dùng, liều lượng và thời gian sử dụng sẽ hỗ trợ quá trình xử lý và theo dõi. Thứ ba, cần theo dõi sát các biểu hiện bất thường như đau đầu, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, dị ứng... và ghi lại diễn biến triệu chứng để cung cấp cho nhân viên y tế. Nếu còn bao bì thuốc, đừng vứt bỏ. Đây là bằng chứng quan trọng giúp xác định nguồn gốc và thành phần thuốc giả. Cuối cùng, đừng quên báo cáo với cơ quan chức năng như Sở Y tế, Cục Quản lý Dược hoặc công an địa phương. Hành động này không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần ngăn chặn mối nguy hiểm cho cộng đồng.