Xã hội

Nâng cao năng lực ứng phó động đất

Thái Nhung 20/04/2025 07:47

Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, từ đầu năm đến nay nước ta xảy ra 88 trận động đất. Riêng từ ngày 1 - 17/4/2025 đã ghi nhận 19 trận động đất tại khu vực tỉnh Kon Tum. Dù là các trận động đất nhỏ nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn cần chuẩn bị các khả năng đối phó với nguy cơ động đất.

thay.jpg
Xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) - nơi xảy ra nhiều trận động đất trong thời gian qua. Ảnh: N.Chi.

Tần suất các trận động đất tăng

Thống kê của Viện Vật lý địa cầu cho thấy, những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng tần suất của các trận động đất, phần lớn đều là các trận động đất nhỏ dưới 5 độ richter. Các trận động đất ở nước ta thường xảy ra tại các vùng Tây Bắc, Quảng Nam và Kon Tum.

Lý giải, TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho rằng, ngoài các yếu tố tự nhiên, động đất xảy ra còn do những tác động của con người như phát triển cơ sở hạ tầng, làm các công trình thủy điện. Các hồ chứa lớn và các đập thủy điện đã làm thay đổi hệ thống địa chất tạo ra các trận động đất kích thích.

Ví dụ ở Tây Nguyên, nơi có nhiều công trình thủy điện rất hay xảy ra các trận động đất nhỏ. Tuy không gây thiệt hại lớn, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng xảy ra những trận động đất lớn hơn trong tương lai. Đặc biệt, những dư chấn từ các trận động đất xảy ra ở các nước trong khu vực Đông Nam Á như Myanmar đã làm rung lắc các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội và TPHCM khiến người dân trong nước lo lắng về khả năng đối phó với nguy cơ động đất.

Người dân cũng quan tâm đến khả năng chống chịu của các tòa nhà cao tầng khi xảy ra động đất. Về điều này, TS Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, Việt Nam là nơi có nguy cơ về động đất thấp nhất thế giới do chúng ta không nằm ở vị trí của "vành đai lửa" và ranh giới của các mảng kiến tạo địa chất, không nằm ở các rãnh đứt gãy chính nên lịch sử chưa từng xảy ra các trận động đất lớn diện rộng. 2 khu vực có xuất hiện động đất ở Việt Nam là vùng Tây Bắc giáp Lào - Trung Quốc và vùng Kon Tum. Những trận động đất này thường dưới 5 độ richter. Với động đất 5 độ richter trở xuống thì các chung cư cao tầng hiện tại của Hà Nội và TPHCM sẽ xảy ra rung lắc và có thể bị nứt tường nếu chất lượng xây dựng kém. Còn những nhà cũ, kết cấu yếu, không có bê tông cốt thép thì có thể bị xê dịch, đổ, sập. Do đó, theo ông Huy, việc xây dựng cần đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để tránh các rủi ro về thiên tai; khi xảy ra động đất không nên hoảng loạn mà tìm các nơi như gầm bàn để tránh trú các đồ vật rơi, đổ vào người.

Nâng cao năng lực giám sát

Về khả năng ứng phó với động đất có thể xảy ra, TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, hiện Việt Nam có hơn 30 trạm địa chấn quốc gia và gần 100 trạm địa chấn địa phương, đặc biệt là ở những khu vực có công trình trọng điểm như thủy điện và các khu vực dự kiến phát triển điện hạt nhân. Dữ liệu thu thập từ các trạm này được truyền về Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần để phân tích và đưa ra các cảnh báo kịp thời. Tuy nhiên, dù có hệ thống trạm quan trắc hiện đại, nhưng ở Việt Nam và thế giới đều chưa thể dự báo chính xác thời điểm và cường độ của động đất. Bởi động đất là hiện tượng phức tạp, các yếu tố khó dự đoán nên cảnh báo sớm chỉ có thể đưa ra trong một phạm vi nhất định, và không thể chính xác tuyệt đối.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Việt Nam đã có các tiêu chuẩn thiết kế kháng chấn cho các công trình sao cho có thể chịu được lực tác động của động đất. Các công trình mới cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về kháng chấn để giảm thiểu tối đa thiệt hại khi có động đất xảy ra. Các công trình cũ, các khu chung cư đã xuống cấp, cần được kiểm tra và có phương án gia cố để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, để nâng cao khả năng ứng phó với động đất, TS Nguyễn Xuân Anh cho rằng, cần có một chương trình quốc gia đánh giá nguy cơ động đất. Hiện Việt Nam đã có bản đồ phân vùng động đất được xây dựng từ năm 2006 nhưng cần được cập nhật để phản ánh chính xác hơn các mối nguy hiểm hiện tại. Các khu vực đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM cần có kế hoạch phát triển bền vững, tránh xây dựng quá nhiều công trình cao tầng tại các khu vực có nguy cơ động đất cao; tăng cường các trạm quan trắc và lắp đặt các thiết bị đo rung chấn trực tiếp tại các công trình cao tầng là một giải pháp thiết thực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về động đất và hướng dẫn người dân cách ứng phó hiệu quả trong trường hợp xảy ra sự cố…

Như vậy, các chuyên gia đều cho rằng, dù Việt Nam không nằm trên vành đai lửa, rủi ro về động đất thấp, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng xảy ra những trận động đất lớn hơn trong tương lai, hay các trận động đất lớn từ các khu vực khác vẫn có thể gây ảnh hưởng lớn đến nước ta. Để giảm thiểu rủi ro và ứng phó hiệu quả, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực giám sát động đất, củng cố hệ thống cảnh báo, đồng thời các công trình xây dựng cần đạt tiêu chuẩn kháng chấn để ứng phó động đất.

Thái Nhung