Dấu tích oai hùng và những mốc son chói lọi
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, Quảng Trị là nơi trực tiếp chứng kiến nỗi đau chia cắt hơn 20 năm (1954 - 1975), và đây cũng là nơi chứng kiến cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên cường của cả dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.

Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải
Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải bao gồm: cầu Hiền Lương, nhà Hiệp thương, đồn Công an giới tuyến, kỳ đài… Đây là những địa điểm chứng kiến cuộc đấu tranh bền bỉ, oai hùng của cả dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo Hiệp định Genève năm 1954, nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời. Việc phân chia này không có ý nghĩa về mặt chính trị hay lãnh thổ bởi vì các bên tham dự hội nghị đã cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Nhưng với âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, được Mỹ hậu thuẫn, Ngô Đình Diệm đã không thực hiện Tổng tuyển cử thống nhất đất nước như Hiệp định Genève quy định (sẽ được tổ chức vào tháng 7/1956) nên từ đây cầu Hiền Lương trở thành chứng tích chia cắt hai miền Nam - Bắc.
Nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng cảnh sát liên hợp, cầu Hiền Lương được chia làm hai nửa: Một nửa phía Bắc do Công an giới tuyến của ta quản lý, một nửa phía Nam do cảnh sát chính quyền Sài Gòn quản lý. Trong suốt 18 năm chia cắt (1954 - 1972), chiếc cầu là nơi diễn ra cuộc đấu tranh giằng co, bền bỉ, liên tục và không kém phần ác liệt về chính trị, tư tưởng giữa hai bên.
Trong công tác đấu tranh chính trị, “đấu cờ” hay “chọi cờ” là một trong những hình thức đối đầu quyết liệt giữa hai bên tại vĩ tuyến 17. Kể từ khi giới tuyến quân sự được phân định, chiều cao của cột cờ liên tục được nâng lên, bởi lá cờ đỏ sao vàng của ta không thể thấp hơn cờ của đối phương.
Nhân kỷ niệm 3 năm sau ngày ký Hiệp định Genève, một cột cờ cao 34,5m được đưa từ Hà Nội vào giới tuyến. Khi lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên bầu trời Hiền Lương, đồng bào hai bên bờ sông Bến Hải đã vỡ òa trong niềm vui sướng. Trước sự kiện bất ngờ này, Mỹ và chính quyền Sài Gòn vội vàng nâng cột cờ của họ lên 35m.
Không dừng lại ở đó, năm 1962, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ đạo Tổng công ty Lắp máy Việt Nam chế tạo một cột cờ mới cao 38,6m tại Hiền Lương. Lá cờ rộng 134m², nặng 15kg được kéo lên đầy trang nghiêm. Để bảo vệ và duy trì lá cờ, một cabin cách cột cờ 15m được bố trí cho các chiến sĩ túc trực, thực hiện nhiệm vụ thu và treo cờ.
Bất chấp mưa bom bão đạn, cột cờ Hiền Lương vẫn sừng sững, trở thành biểu tượng của lòng kiên trung, ý chí bất khuất của cả dân tộc. Biết bao người con vùng giới tuyến đã không quản gian khổ, hy sinh để lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trên bầu trời.
Có thể nói, cột cờ Hiền Lương là biểu tượng của dân tộc, luôn đứng vững dưới mưa bom bão đạn, đã động viên, cổ vũ nhân dân ta trên cả hai miền trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù xâm lược.
.jpg)
Khi âm thanh trở thành vũ khí
Với vị trí là tiền đồn của 2 phía, khu phi quân sự vĩ tuyến 17 là nơi diễn ra cuộc đối đầu ác liệt trên mặt trận chính trị - tư tưởng. Tại đây, cuộc đấu tranh bằng hệ thống phát thanh đã diễn ra vô cùng căng thẳng, trở thành một trong những cuộc chiến tâm lý gay gắt nhất thời bấy giờ.
Năm 1955, chính quyền Sài Gòn thiết lập hệ thống loa truyền thông ở giới tuyến, coi việc tuyên truyền cho chế độ Việt Nam Cộng hòa là biện pháp hữu hiệu, đồng thời qua đó để chống lại miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Nhận thức được tầm quan trọng của mặt trận đấu tranh chính trị, tư tưởng, từ năm 1957, với sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, ta đã xây dựng một hệ thống loa phát thanh cực mạnh ở bờ Bắc sông Bến Hải. Hệ thống này được bố trí linh hoạt, vừa tập trung vừa có trọng điểm tạo lợi thế áp đảo so với đối phương.
Hệ thống phát thanh hàng ngày phát đi các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền thanh Vĩnh Linh, truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, khẳng định sự lớn mạnh của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Những chương trình này không chỉ giúp nhân dân miền Nam hiểu rõ bản chất của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa mà còn tiếp thêm niềm tin vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.
Bên cạnh âm thanh ở bờ Bắc lan qua bờ Nam thì hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay ở khu vực giới tuyến đã biểu tượng cho lòng yêu nước, ý chí đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Hệ thống loa phát thanh kết hợp cùng lá cờ Tổ quốc đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chính trị giữa ta và địch trên trận tuyến ở hai bờ sông Bến Hải, khẳng định tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành lại hòa bình và thống nhất đất nước.
Bản tráng ca hào hùng 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị
Theo ThS. Nguyễn Anh Tuấn - Hội Khoa học Lịch sử TP Huế, trong cuộc tiến công chiến lược hè năm 1972, ngày 1/5, quân Giải phóng đã giành thắng lợi quan trọng khi đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Trị, kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên Tòa Hành chính/Dinh Tỉnh trưởng của chính quyền Sài Gòn tại thị xã Quảng Trị. Tuy nhiên, không lâu sau đó, quân đội Sài Gòn đã tổ chức phản kích quyết liệt với mục tiêu tái chiếm tỉnh lỵ Quảng Trị.
“Từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, cuộc chiến đấu giằng co ác liệt kéo dài suốt 81 ngày đêm đã biến thị xã Quảng Trị và Thành cổ thành biển lửa. Theo thống kê, số lượng bom đạn Mỹ trút xuống khu vực này có sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử từng ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. Cảnh tượng đổ nát, hoang tàn càng cho thấy mức độ khốc liệt của cuộc chiến và tinh thần kiên trung của những người lính bảo vệ mảnh đất này” - ông Tuấn chia sẻ.
ThS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết, cuộc chiến 81 ngày đêm giữ Thành cổ Quảng Trị mang ý nghĩa chiến lược trên mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao giữa ta và Mỹ. Chiến công này đã ghi vào lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam như một biểu tượng hào hùng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
2 năm sau, đúng 18 giờ 30 phút ngày 19/3/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lại tung bay hiên ngang trên cột cờ thị xã Quảng Trị, đánh dấu thời khắc trọng đại, tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Sự kiện trọng đại này đã góp phần vào thắng lợi chung của miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Viết tiếp bản anh hùng ca cách mạng
Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Quảng Trị cùng với nhân dân cả nước bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Các thế hệ thanh niên sau này cũng tiếp bước cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Anh Lê Văn Thành - một người dân thị xã Quảng Trị cho biết, mỗi dịp lễ lớn của dân tộc, anh đều đưa các con đến tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn, thắp hương tri ân các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị... để nhắc nhở các con về sự hy sinh của thế hệ đi trước vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
“Là thế hệ sau, tôi luôn khắc ghi và biết ơn những hy sinh cao cả của các bậc cha ông. Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải không chỉ là di tích mà còn là những "bảo tàng lịch sử" sống động, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Những địa danh này giúp mỗi người hiểu rõ hơn về quá khứ hào hùng và ý chí kiên cường của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước” - anh Thành nói.
Ngày nay, cầu Hiền Lương vẫn sừng sững như một biểu tượng thiêng liêng của hòa bình và thống nhất. Sông Bến Hải vẫn ngày đêm như “vỗ về” hai bờ Nam - Bắc để xoa dịu đi những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra.
Chiến tranh đã đi qua, nhưng ký ức về một thời kỳ khói lửa đầy hào hùng vẫn còn vang vọng trong từng tấc đất Quảng Trị, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về giá trị của hòa bình, độc lập và tự do. Hôm nay, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đang chung sức, đồng lòng để biến vùng đất kiên trung năm xưa thành một vùng đất ngày càng giàu đẹp, cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.