Sức khỏe

80% bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện khi đã quá “giờ vàng”

Kim Thu 21/04/2025 08:00

Đột quỵ không còn là bệnh của người già mà hiện nay, nhiều người trẻ, thậm chí trẻ em cũng bị đột quỵ. Điều đáng chú ý, khoảng 80% bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam được đưa đến bệnh viện đều đã quá “giờ vàng” (khoảng 4,5 giờ sau khi phát hiện triệu chứng), nguyên nhân là do nhận thức của cộng đồng về đột quỵ chưa cao và người bệnh chưa được đưa đến đúng địa chỉ khi bị đột quỵ.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động” tổ chức ngày 20/4.

sk dot quy1
“Giờ vàng” là yếu tố sống còn, có vai trò cực kỳ quan trọng trong điều trị bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: BV Bạch Mai.

3 giây có một người bị đột quỵ

Tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác như tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý… Trên thế giới, trong các bệnh không lây nhiễm, đột quỵ vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai và là nguyên nhân đứng thứ ba gây tử vong và tàn tật cộng lại. Trung bình một ca mắc mới mỗi 3 giây, trong 4 người thì có một người bị đột quỵ.

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam nằm số những nước có màu đỏ đậm nhất - nhóm các quốc gia có tỷ lệ đột quỵ cao nhất. Tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ lần lượt là 161 và 415 trên 100.000 người.

Trong khi đó, TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM cho biết, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ mắc mới. So với các nước có nền kinh tế tương đương thì Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao nhất. Nguyên nhân được bác sĩ đưa ra là do người bệnh khi được đưa đến bệnh viện chuyên khoa để điều trị thì đã quá muộn.

Đột quỵ không phải “trời kêu ai nấy dạ”

Theo TS.BS Nguyễn Huy Thắng, 80% bệnh nhân khi được đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa điều trị đột quỵ đã vượt quá thời gian vàng (4,5 giờ). Dẫn chứng về một trường hợp điển hình, ông cho biết, Khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 đã tiếp nhận một trường hợp là bé gái 14 tuổi, không có tiền sử bệnh trước đó, đột ngột yếu liệt nửa người trái. Ban đầu, bé gái được đưa đến Trung tâm Y tế huyện cách nhà 2 km.

Đơn vị y tế này nghi ngờ đột quỵ nên chuyển lên bệnh viện tỉnh cách đó 5 km. Sau đó, bệnh viện tỉnh chụp CT, chẩn đoán đột quỵ rồi mới chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115.

“Khi chúng tôi tiếp nhận người bệnh thì thời gian đã kéo dài 24 tiếng. Bé gái đã chết não nên chúng tôi không thể làm gì thêm. Nếu như bé được chuyển đến chúng tôi ngay từ đầu thì có thể đã khác. Tại sao chúng ta không đưa bệnh nhân đến trung tâm điều trị ngắn nhất?”- BS Thắng chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh đột quỵ không phải là căn bệnh "trời kêu ai nấy dạ". 90% các bệnh nhân đột quỵ đều có yếu tố nguy cơ. Do đó, việc tốt nhất là kiểm soát yếu tố nguy cơ, chứ không phải uống một viên thuốc có thể phòng ngừa điều trị suốt đời.

3 dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Chia sẻ tại hội thảo, TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, thành viên Hội Can thiệp Thần kinh Thế giới, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho biết, có 3 dấu hiệu nhận biết đột quỵ gồm: mặt méo, yếu/liệt tay chân, nói khó. Hậu quả sau đột quỵ: 30% để lại di chứng nhẹ, độc lập, 40% để lại di chứng trung bình, tàn phế, phụ thuộc một phần, 30% tàn phế nặng, phụ thuộc, sống thực vật, tử vong.

Theo TS.BS Trần Chí Cường, “giờ vàng” là yếu tố sống còn, có vai trò cực kỳ quan trọng. Mỗi phút trôi qua trong cơn đột quỵ, người bệnh có thể mất 2 triệu tế bào thần kinh. Trong khoảng thời gian 3-6 giờ đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến cơ sở y tế chuyên sâu và điều trị kịp thời bằng thuốc tiêu sợi huyết (IV rTPA) hoặc can thiệp nội mạch lấy huyết khối thì khả năng phục hồi hoàn toàn có thể lên đến 90%.

Kim Thu