Cần thêm tác phẩm văn học đỉnh cao
Tròn nửa thế kỷ sau khi đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi sự chuyển biến, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của công chúng và thời đại. Đặc biệt, đời sống văn học cần có thêm những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

Kế thừa truyền thống xứng đáng
Nhìn lại chặng đường văn học, nghệ thuật 50 năm qua, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh sau ngày đất nước thống nhất, nền văn học nghệ thuật Việt Nam bước sang một giai đoạn mới – giai đoạn sáng tạo trong hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước. Văn học, nghệ thuật tiếp tục là cầu nối thiêng liêng gắn kết hàng triệu con người Việt Nam, dù đang sống trên quê hương hay ở khắp năm châu thành một khối đại đoàn kết vững chắc.
“Chính từ những tác phẩm văn học, nghệ thuật lay động lòng người, chúng ta được tiếp thêm niềm tin, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước, nuôi dưỡng tình yêu sâu nặng với quê hương và ý chí vươn lên vì một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường” - ông Bắc nhấn mạnh.
Có thể thấy nền văn học, nghệ thuật nước nhà đã kế thừa xứng đáng truyền thống của một nền văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc; cùng sự tiếp sức mạnh mẽ từ tư tưởng đổi mới, văn học, nghệ thuật đã nỗ lực vươn lên, phát triển toàn diện, phản ánh và góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.
Từ năm 2000 đến nay, văn học nghệ thuật không chỉ mở rộng không gian sáng tạo mà còn thay đổi về bản chất phương thức thể hiện. Bên cạnh các sáng tạo nghệ thuật truyền thống được bảo tồn và phát huy, đã xuất hiện nhiều hình thức nghệ thuật mới. Văn học mạng, phim ảnh trực tuyến, nghệ thuật đa phương tiện... cho thấy hình thức biểu đạt mới mẻ, phản ánh tinh thần của thời đại số, văn hóa số, xã hội số.
Trong dòng chảy ấy, đã xuất hiện những tác phẩm mang tính khám phá, thể nghiệm, được công chúng trong và ngoài nước đón nhận và hưởng ứng.
Ở góc độ nghiên cứu, PGS.TS Đoàn Thị Mỹ Hương - Ban Nghiên cứu nghệ thuật, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (VICAST) cho rằng, 50 năm qua, từ ngày thống nhất đất nước, nghệ thuật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, có những bước tiến vượt bậc và nhiều lễ hội nghệ thuật, triển lãm quốc tế thường niên đã được các quốc gia trên thế giới biết đến.
Mặc dù vậy, văn học, nghệ thuật sau 50 năm ngày đất nước thống nhất vẫn còn một số hạn chế, đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cho công tác quản lý, sáng tạo, lý luận-phê bình và phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Cần thêm tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao
PGS.TS Nguyễn Duy Bắc đã chỉ ra những hạn chế như sự thiếu vắng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Một bộ phận sáng tác còn xa rời hiện thực, chạy theo thị hiếu dễ dãi, thiên về thương mại, giải trí, thiếu bản lĩnh chính trị - tư tưởng.
“Lớp nghệ sĩ có sáng tác từ trước với vốn sống phong phú và chiều sâu tư tưởng đang dần lui về nghỉ do tuổi tác, sức khỏe. Trong khi đó, lực lượng trẻ tuy năng động, sáng tạo, tiếp cận nhanh với cái mới nhưng lại thiếu chiều sâu trải nghiệm và định hướng giá trị vững chắc” - ông Bắc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bắc, trong làn sóng toàn cầu hóa và bùng nổ công nghệ, văn học nghệ thuật Việt Nam đang đứng trước những tác động đa chiều, vừa là cơ hội mở rộng giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, hội nhập văn hóa quốc tế, vừa là thách thức lớn trong việc giữ gìn bản sắc. Các quy định, mô hình quản lý truyền thống chưa bắt nhịp được với đặc thù sáng tạo mới, khiến không gian phát triển của văn học, nghệ thuật vẫn còn không ít ràng buộc và bị động…
Còn theo PGS.TS Đoàn Thị Mỹ Hương, văn học, nghệ thuật Việt Nam luôn phải đối mặt với những thách thức. Trong đó vấn đề bản quyền, sự hội nhập của văn hóa nước ngoài và giới hạn tự do sáng tạo.
“Thời kỳ hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho xã hội và nghệ thuật Việt Nam. Sự mở cửa và tham gia vào cộng đồng quốc tế đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tạo điều kiện cho nghệ thuật Việt Nam phong phú và đa dạng hóa. Tuy nhiên, trước sự gia tăng mạnh mẽ của các nền văn hóa bên ngoài, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trở thành một nhiệm vụ cấp thiết. Các nghệ sĩ và nhà quản lý văn hóa cần tìm cách kết hợp giữa các yếu tố hiện đại và truyền thống để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị”- bà Hương nói.
Văn nghệ sĩ cần bắt kịp hơi thở thời đại
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, để vượt qua những trở ngại mà văn học nghệ thuật đang đối mặt, đội ngũ văn nghệ sĩ cần gắn bó mật thiết hơn với đời sống thực tiễn, hòa mình vào những chuyển động sôi động của xã hội. Đồng thời, họ cần phát huy tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, ý thức công dân, không ngừng tìm tòi, sáng tạo và mở rộng biên độ cũng như chiều sâu trong việc phản ánh hiện thực.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, để thúc đẩy đời sống văn học phát triển mạnh mẽ hơn cần nâng cao nhận thức, năng lực, tư duy, trình độ của các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ các cấp, nhất là những cơ quan, những người trực tiếp quản lý, điều hành công tác rất quan trọng và đặc biệt tinh tế này.
“Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng những người viết văn, sáng tạo nghệ thuật, viết lý luận, phê bình, nhất là đội ngũ trẻ. Cần tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ bắt kịp nhịp sống và hơi thở thời đại, hiểu và hội nhập với bên ngoài trên tinh thần dân tộc, hiện đại, nhân văn, đề cao lợi ích dân tộc. Tôn trọng các xu hướng tìm tòi sáng tạo, dám thể hiện, dám đột phá, uốn nắn các xu hướng lai căng, lệch lạc, đi ngược lại sáng tạo nghệ thuật đích thực”- PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc cho rằng, trước yêu cầu mới của thời đại và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc, văn học, nghệ thuật Việt Nam cần được tiếp tục định hướng vững vàng và đầu tư một cách chiến lược, bài bản. Đầu tư cho văn học, nghệ thuật không chỉ là phát triển một lĩnh vực văn hóa, mà chính là đầu tư cho nguồn lực mềm của quốc gia, đầu tư cho sự phát triển con người, đầu tư cho sự phát triển bền vững đất nước.