Văn hóa

Sức sống di sản nghề cói Kim Sơn

Đình Minh 21/04/2025 11:09

Sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề cói Kim Sơn (Ninh Bình) đã có bước phát triển rõ rệt. Người dân hưởng lợi trực tiếp từ việc tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường và phát triển du lịch làng nghề.

suc.jpg
Giá trị các sản phẩm từ cói ngày càng được nâng cao. Ảnh: Đình Minh.

Người dân hưởng lợi

Dưới cái nắng ở vùng ven biển Ninh Bình giữa tháng 4, những bàn tay chai sạn của người thợ vẫn miệt mài đan từng sợi cói óng ả. Công việc tưởng chừng giản đơn ấy giờ đây mang một ý nghĩa hoàn toàn khác, khi nghề cói Kim Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ ngày 25/4/2024.

Tại cơ sở sản xuất cói của bà Phan Thị Ngoãn (trú xóm An Cư 2, xã Thượng Kiệm), không khí lao động hăng say thấy rõ, những người thợ đang miệt mài làm ra từng sản phẩm. Bà Ngoãn cho biết, nghề đan cói ở Thượng Kiệm đã gắn liền với bao thế hệ, nay được công nhận là di sản, người dân rất mừng.

Theo bà Ngoãn, nghề cói Kim Sơn có lịch sử hình thành từ thế kỷ XIX, gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ. Cây cói, loài thực vật ưa nước mặn, đã trở thành nguồn nguyên liệu quý giá để người dân sáng tạo nên những sản phẩm độc đáo. Từ những tấm chiếu cói thô sơ ban đầu, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, đã phát triển thành hàng trăm loại sản phẩm tinh xảo như túi xách, mũ, thảm trang trí, đồ lưu niệm...

“Nghề đan cói ngày xưa được coi là nghề phụ, tranh thủ lúc nông nhàn mới làm. Nhưng hiện nay, giá trị các sản phẩm từ cói ngày càng được nâng cao, lại được công nhận là nghề di sản nên số lượng đơn hàng và thu nhập của người dân đã tăng lên rất nhiều. Hiện nay, cơ sở của tôi đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập từ 300 nghìn đồng/người/ngày. Năm 2024, từ việc sản xuất, bán trực tiếp và đấu nối thu mua, bán hộ các sản phẩm từ cói cho hơn 100 hộ dân, trừ hết chi phí đi, tôi có lãi gần 300 triệu đồng” - bà Ngoãn nói.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (trú xóm An Cư 2) cho biết: Bản thân chị có thâm niên hơn 10 năm làm nghề đan cói. Trước kia, các sản phẩm chỉ là chiếu, thảm… nhưng nay, nghề đã phát triển, đơn hàng đến nhiều nên phải liên tục cập nhập mẫu mã mới, phục vụ thị hiếu ngày càng cao của thị trường. “Nếu có tay nghề tốt, chăm chỉ làm việc thì một người thợ có thể kiếm được 400 nghìn đồng/ngày. Cái hay của nghề là không bị bó buộc thời gian, ngồi ở đâu cũng làm được, nên rất tiện cho những người hay bận bịu việc đồng áng và gia đình như tôi” - chị Nguyệt nói.

Nâng cao giá trị làng nghề

Ông Nguyễn Khải Hoàn - Chủ tịch UBND xã Thượng Kiệm cho biết: Hiện nay, tại địa phương, có khoảng 1.200 hộ dân đang làm nghề đan cói. Theo ông Hoàn, trong những năm gần đây, nghề này phát triển rất mạnh, nhiều cơ sở xuất khẩu các sản phẩm từ cói ra sang Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu, thu lợi nhuận lớn. “Riêng năm 2024, nguồn thu từ việc sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cói trên địa bàn đã đạt gần 40 tỷ đồng” - ông Hoàn tự hào nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Anh Khôi - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường, UBND huyện Kim Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện, hiện có gần 30 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ cói, thu hút khoảng 1.000 lao động thường xuyên. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn lao động là nông dân, người lao động tận dụng thời gian nông nhàn, cũng đan cói và có thu nhập tốt. “Các sản phẩm từ cói ở Kim Sơn đã xuất khẩu tới gần 20 quốc gia, trong đó, nhiều sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP của tỉnh như gương cói, túi cói, bình hoa… Năm 2024, doanh thu từ việc chế biến cói trên địa huyện ước đạt gần 200 tỷ đồng”- ông Khôi nói.

Ông Phạm Văn Sang - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin, UBND huyện Kim Sơn cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 25 làng nghề truyền thống, trong đó, chủ yếu là các làng nghề làm cói. Đằng sau những kết quả đã đạt được, ông Sang cho rằng, vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức để gìn giữ và nâng cao giá trị nghề làm cói truyền thống. Trong đó, vấn đề nghiêm trọng nhất là tình trạng biến đổi khí hậu khiến diện tích trồng cói ngày càng thu hẹp; làn sóng đô thị hóa kéo theo tình trạng thiếu hụt lao động khi nhiều thanh niên chọn làm công nhân thay vì theo đuổi nghề; cùng với đó, là sự cạnh tranh khốc liệt từ các mặt hàng công nghiệp giá rẻ…

Để tìm ra hướng đi bền vững trong thời gian tới, ông Sang cho biết thêm: UBND huyện cũng đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến du lịch của tỉnh, manh nha ý tưởng hình thành tour du lịch, kết nối các địa điểm trên địa bàn như: Nhà thờ Phát Diệm - Cầu ngói Phát Diệm - Bãi Ngang - Cồn Nổi - làng cói Kim Sơn… “Nếu triển khai được, ngoài việc đi khám phá các điểm du lịch, du khách có thể tận mắt chứng kiến quy trình làm ra sản phẩm, từ khâu trồng cói, thu hoạch đến đan lát thành phẩm. Chúng tôi xác định, bảo tồn nghề cói không chỉ là giữ gìn di sản văn hóa, mà còn là phát triển kinh tế bền vững” - ông Sang nói.

Đình Minh