Kỳ vọng từ kích cầu tiêu dùng nội địa
Cùng với đầu tư công, xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng nội địa được đánh giá là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày, doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng tăng doanh số.

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tính chung quý I/ 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 18,3%.
Doanh nghiệp đẩy mạnh nguồn cung
Còn theo tính toán của các nhà bán lẻ, sức mua của người tiêu dùng đã cải thiện đáng kể trong quý I. Giá trị giỏ hàng của người tiêu dùng vào khoảng 320.000 - 360.000 đồng. Bước sang quý II, với mục tiêu nâng sức mua của người tiêu dùng lên 15 - 20%, nâng giá trị giỏ hàng lên khoảng 400.000 - 420.000 đồng.
Dịp lễ 30/4 - 1/5 được xem là điểm tựa quan trọng, với hàng loạt chương trình giảm giá hấp dẫn nhằm thu hút người tiêu dùng và thúc đẩy sức mua. Nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ đẩy mạnh nguồn cung hàng hóa, cùng với đó là triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi. Từ trung tuần tháng 4, nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm đã nghĩ cách để hút người dân đến mua. Chẳng hạn hệ thống siêu thị Winmart khởi động chương trình “Ưu đãi cực hời - Vui lễ thảnh thơi” giảm giá lên tới 50%, mua 1 tặng 1, tặng quà kèm theo khi mua các sản phẩm thiết yếu, sản phẩm đặc trưng mùa lễ hội như: đồ uống, thực phẩm chế biến sẵn hay các sản phẩm chăm sóc cá nhân phục vụ du lịch.
Cũng từ những ngày đầu tháng 4, hệ thống Saigon Co.op tổ chức lễ hội hàng hợp tác xã. Theo đó, Co.opmart, Co.opXtra trưng bày hơn 1.000 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý từ TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Đăk Nông, Phú Quốc, Thanh Hóa, Hà Nội, Thái Nguyên... Các mặt hàng gồm trà, cà phê, gạo, nước mắm, miến sắn dây, mật dừa nước, yến sào, bột rau má, tía tô, cháo bột cá lóc, bún lươn, miến lươn... được giảm giá 30 - 50%. Thêm vào đó, các loại trái cây OCOP 4 sao như xoài cát Cần Giờ, mãng cầu Tây Ninh, rau củ Đà Lạt... giảm giá đến 20%. Đồng thời, chuỗi siêu thị còn triển khai hoạt động lễ hội hàng hợp tác xã “Chất lượng vươn tầm - Giá cả an tâm”, ưu đãi giá tốt; hoạt động lễ hội rau Đà Lạt giảm giá 20% các sản phẩm…
Tham gia cuộc đua kích cầu nhân dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các siêu thị điện máy, cơ sở kinh doanh cũng triển khai nhiều chương trình chào đón hè, với việc áp dụng đa dạng hình thức khuyến mại hấp dẫn. Từ nay đến ngày 25/4, hệ thống siêu thị điện máy Media Mart triển khai chương trình “Hè rực rỡ - Giảm hết cỡ” áp dụng mức khuyến mại lên tới 50% cho các mặt hàng điện máy tại hệ thống siêu thị. Đặc biệt, khi mua combo giải trí đỉnh cao, khách hàng có cơ hội nhận được các ưu đãi như: Giảm giá trực tiếp lên đến 50% các sản phẩm tivi COEX, hỗ trợ trả góp lãi suất 0% linh hoạt, nhận ngay quà tặng gia dụng...
Nhằm phục vụ cho dịp chạy chương trình kích cầu mua sắm, các DN, nhãn hàng tuyển dụng chủ yếu các vị trí kinh doanh, marketing, chăm sóc khách hàng, kế toán, công nghệ thông tin, bán hàng, thu ngân, pha chế...
Đại diện của Công ty TNHH Vòng Tròn Đỏ (chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K), cho biết đang tuyển tăng 10 - 20% nhân sự so với năm 2024 do nhu cầu mở các cửa hàng mới. Hiện công ty đang đẩy mạnh các kênh tuyển dụng như Zalo, Facebook, TikTok, Instagram và trực tiếp để có đủ nhân lực làm việc.
Còn bà Đỗ Thị Thu Hà - đại diện bộ phận tuyển dụng Công ty TNHH AEON Việt Nam (quận Tân Phú, TPHCM) cho hay, hiện nay công ty đang cần tuyển nhiều khối như văn phòng, siêu thị, vận hành… Đối với sinh viên mới tốt nghiệp, mức lương sẽ trên 9,5 triệu đồng/tháng. Dự báo trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu... Trong nước, DN cũng ảnh hưởng bởi vòng xoáy thuế quan, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang được tung ra. Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giới chuyên gia cho rằng kích cầu tiêu dùng nội địa lúc này là giải pháp thiết thực nhất. Đặc biệt là gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hướng vào các DN nội địa. Cần chính sách gắn khuyến khích tiêu dùng với sản xuất trong nước, thì hệ số nhân tài khóa mới lan tỏa. Hiện nay chiến lược bán lẻ đa kênh, kết hợp giữa kênh trực tuyến (thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream) và trực tiếp (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) đã trở thành động lực chính thúc đẩy sức mua.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Siêu thị GO! Thăng Long chia sẻ, DN phải xây dựng chiến lược bán hàng trực tuyến mạnh mẽ, tương tác hiệu quả trên mạng xã hội và tận dụng dữ liệu để cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng.
“Kênh trực tuyến của GO! hiện xử lý 700-750 đơn hàng/ngày, chiếm 11% tổng doanh thu. Đơn hàng từ 200.000 đồng trở lên được miễn phí giao trong bán kính 10km, kết hợp các chương trình khuyến mãi hấp dẫn tại cửa hàng. Nhờ đó, doanh thu quý I/2025 có sự tăng trưởng tốt” - ông Tuấn thông tin.
Bộ Công thương xác định chuyển đổi số trong bán lẻ và tối ưu hóa chuỗi cung ứng là hai trụ cột quan trọng giúp đạt mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm 2025. Bằng cách ứng dụng công nghệ để phân tích thị trường, nâng cao hiệu quả phân phối và thúc đẩy tiêu dùng thông minh, Việt Nam không chỉ giữ vững tốc độ tăng trưởng mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn. Với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả và linh hoạt, thị trường nội địa sẽ tiếp tục là động lực quan trọng giúp ổn định và thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, tạo tiền đề để đất nước đạt mức tăng trưởng cao hơn.
Tăng cường kết nối cung cầu
Năm 2025, với mục tiêu Chính phủ đề ra là tăng trưởng bán lẻ và doanh thu tiêu dùng đạt khoảng 12%, các địa phương đã chạy đua đưa ra giải pháp để bùng nổ sức mua.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM chia sẻ, đã thực hiện chương trình gặp DN thông qua cầu nối của chính quyền; thực hiện chương trình bình ổn thị trường, chương trình stick xanh trách nhiệm giúp cho niềm tin tiêu dùng mạnh lên. Các DN, ngành hàng cũng bày tỏ mong muốn đề xuất giảm 2% VAT đến hết năm 2026, giúp DN hạ giá bán sản phẩm, người tiêu dùng mạnh tay hơn trong chi tiêu, mua sắm.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm 2025, Bộ Công thương xác định nhóm giải pháp trọng tâm cần được triển khai đồng bộ và hiệu quả: Đó là kích cầu tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng mới. Tăng cường triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh phong trào tiêu dùng sản phẩm nội địa trên các kênh thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung, hội chợ thương mại, sự kiện xúc tiến tiêu dùng tại các đô thị lớn và khu vực có tiềm năng tiêu thụ cao. Khuyến khích và hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa các chương trình ưu đãi, giúp tiếp cận đúng đối tượng khách hàng và gia tăng hiệu quả mua sắm. Phát triển các mô hình tiêu dùng kết hợp trải nghiệm, như trung tâm thương mại số, kết hợp thương mại - văn hóa - du lịch… giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn. Khuyến khích các sàn thương mại điện tử lớn triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt, phát động phong trào Gian hàng Việt, sản phẩm Việt trên nền tảng số.
Bên cạnh đó đảm bảo nguồn cung ổn định, tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Ngoài ra phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số. Theo đó, đẩy mạnh thương mại điện tử và mô hình bán lẻ đa kênh, hỗ trợ DN vừa và nhỏ tham gia thị trường số, tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Nâng cao vai trò của các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trong phục vụ nhu cầu tiêu dùng hiện đại, đảm bảo nguồn hàng đa dạng và chất lượng. Cải tạo và nâng cấp hạ tầng thương mại truyền thống, kết hợp với các mô hình bán lẻ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tại chợ truyền thống. Hỗ trợ DN ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy giao dịch số và nâng cao tính minh bạch trong thương mại. Thu hút đầu tư vào các mô hình bán lẻ thông minh, như cửa hàng tự động, thanh toán qua nhận diện sinh trắc học, logistics thông minh, giúp hiện đại hóa ngành bán lẻ.
Bộ Công thương xác định tăng cường kết nối cung - cầu, bảo đảm ổn định thị trường. Tăng cường liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, giảm khâu trung gian, giúp giá cả hợp lý hơn và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm Việt. Thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo, mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa để người dân dễ dàng tiếp cận sản phẩm chất lượng.
Sôi động thị trường việc làm
Kỳ vọng sức mua sẽ tăng trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đang tăng tốc tuyển dụng nhân sự thời vụ. Các doanh nghiệp, nhãn hàng tuyển dụng chủ yếu các vị trí kinh doanh - marketing, chăm sóc khách hàng, kế toán, công nghệ thông tin...
Tại Hà Nội, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Nội vụ), nhu cầu tuyển của các doanh nghiệp ở thủ đô rất lớn, tăng cao, nhất là vào dịp lễ lớn như 30/4, 1/5, mùa hè, trong đó có các ngành như du lịch, bán hàng, nhà hàng, khách sạn, lưu trú ăn uống…
Trong khi đó, chị Nguyễn Tú Oanh - nhân viên tuyển dụng của Phòng Cộng đồng Thuộc nền tảng Tuyển dụng IVIEC Career Hub (Nền tảng tuyển dụng lao động cho tập đoàn FPT) cho biết, đơn vị liên tục tuyển dụng các vị trí việc làm đa dạng với mức lương khác nhau. Tuy nhiên, theo quan sát vị trí việc làm được các đơn vị thuộc hệ thống FPT tuyển dụng, nhiều nhất vẫn là các vị trí việc làm kỹ thuật, có tay nghề cao. Hầu hết lao động được tuyển dụng đều phải có trình độ đại học hoặc cao đẳng trở lên. Chỉ số ít vị trí như: Nhân viên bán hàng; thu ngân… là tuyển dụng lao động phổ thông. Theo bà Oanh, mức lương cho các vị trí ứng tuyển cũng rất đa dạng, từ 7 triệu đồng cho tới 10 hoặc 15 triệu đồng/tháng tùy vị trí.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, nhằm hỗ trợ tích cực cho DN và người lao động, chú trọng đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, Trung tâm đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần đồng bộ trên hệ thống Sàn giao dịch việc làm Hà Nội từ Sàn Trung tâm (tại 215 Trung Kính) kết nối với 14 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện. Theo đó, ngoài lực lượng lao động chung tham dự phiên, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tập trung công tác tư vấn, kết nối việc làm cho lực lượng lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến thực hiện giao dịch tại trung tâm, hỗ trợ họ tham gia vào các hoạt động giao dịch việc làm.
Lê Bảo