Kinh tế

Tín dụng khởi sắc nhưng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu

T.Hằng 21/04/2025 11:12

Tính đến hết quý I/2025, mức tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái (1,42%).

Đó là thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thông báo.

Cũng trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I mới được Tổng cục Thống kê công bố, đến ngày 25/3/2025, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,49%. Đáng chú ý, theo số liệu từ NHNN công bố ngày 12/3, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt 15,81 triệu tỷ đồng, với mức tăng 1,24%. Như vậy, đến hết tháng 3/2025, tăng trưởng tín dụng đã đạt 3,93%, tức là tín dụng đã tăng thêm 2,69% chỉ trong chưa đầy một tháng.

Trong khi đó, dữ liệu từ một số ngân hàng cũng cho biết hoạt động cho vay ổn định. Tại ACB, theo Tổng giám đốc Từ Tiến Phát, ước tính trong quý I/2025, tín dụng tăng hơn 3%, huy động vốn tăng trên 2%. Theo đó, tín dụng khu vực doanh nghiệp (DN) lớn chiếm đến 50% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Theo các chuyên gia phân tích của SSI Research, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ giảm tốc ở các DN nhỏ và vừa (SME) trong lĩnh vực xuất khẩu, nhưng dự kiến sẽ được bù đắp từ việc tăng dư nợ cho vay đối với các ngành như hạ tầng, xây dựng, bất động sản và tiêu dùng.

Tuy nhiên, ở góc độ ngân hàng, ông Từ Tiến Phát cho hay lãi suất huy động sẽ tiếp tục ổn định, trong khi cho vay cũng không thay đổi nhiều, do đó không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ACB trong thời gian tới.

Mặc dù dự báo tăng trưởng tín dụng không suy giảm nhờ cho vay hạ tầng tăng tốc, song các chuyên gia nhận định rủi ro nợ xấu và chi phí tín dụng tăng, cùng với thu nhập từ tài trợ thương mại và giao dịch ngoại hối giảm, đồng thời phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán VNDirect, nợ xấu có thể gia tăng do các DN xuất khẩu gặp khó khăn về dòng tiền vì đơn hàng xuất khẩu giảm, làm suy yếu khả năng trả nợ. Việc làm và tiền lương trong ngành sản xuất cũng có thể bị ảnh hưởng, gây tác động tiêu cực đến tín dụng tiêu dùng. Những vấn đề này cần được giám sát chặt chẽ, đặc biệt nếu căng thẳng thương mại kéo dài hoặc leo thang.

Theo NHNN, để kiểm soát rủi ro, các ngân hàng sẽ tăng cường thẩm định tín dụng, nâng cao tỷ lệ trích lập dự phòng, đồng thời áp dụng các biện pháp thu hồi nợ hiệu quả hơn. Điều này nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng duy trì sự ổn định trước áp lực tài chính ngày càng lớn.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 1892 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng. Tại công văn này, Thủ tướng chỉ đạo Thống đốc NHNN theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu thông tin báo chí về việc nợ nhóm 5 của nhiều ngân hàng gia tăng. Từ đó, xem xét, thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng theo quy định pháp luật, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

T.Hằng