Kinh tế

Doanh nghiệp lữ hành có nguy cơ 'lỡ cơ hội vàng' trong kỳ nghỉ dài?

Thanh Bình 21/04/2025 13:37

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, được kỳ vọng là thời điểm vàng để các công ty lữ hành bứt phá. Tuy nhiên, chỉ còn hơn một tuần nữa là đến kỳ nghỉ, nhiều công ty lữ hành đã buộc phải "giảm giá sâu", "xả hàng", "cắt lỗ"....​

anh 2
Nhiều tour du lịch có giá rẻ bất ngờ được một công ty lữ hành chào bán. Ảnh chụp màn hình: TB

Trên các nền tảng đặt tour trực tuyến và website của nhiều công ty lữ hành, loạt chương trình du lịch trọn gói đã bắt đầu được điều chỉnh giá. Điều đáng chú ý là mức giá hiện tại thấp bất ngờ, trong một số trường hợp, chỉ tương đương hoặc thậm chí thấp hơn tổng chi phí vé máy bay khứ hồi.​

anh 1
Nhiều gói tour trọn gói giá rẻ được chào bán theo kiểu "xả lỗ" trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình: TB

Cụ thể, tour 4 ngày 3 đêm từ TP Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng - Huế dịp 30/4, bao gồm vé máy bay, ăn uống và lưu trú, đang được rao bán với mức giá chỉ 5,9 triệu đồng. Trong khi đó, giá vé máy bay khứ hồi cho chặng này đang dao động từ 4,8 đến 6,1 triệu đồng tùy hãng. Tương tự, tour Hà Nội - Đà Lạt (4 ngày 3 đêm, bao gồm vé máy bay khứ hồi và chi phí ăn ở) đang được bán với giá 6,9 triệu đồng, đúng bằng giá vé máy bay của một số hãng hàng không giá rẻ cho cùng hành trình.​

“Dù đã tối ưu chi phí và làm việc chặt chẽ với đối tác, nhưng nếu không giảm giá sâu thì gần như không có khách. Mà không bán được thì toàn bộ khoản đặt cọc với hàng không, khách sạn đều coi như lỗ”, bà Vũ Thanh Tâm, đại diện một công ty lữ hành nội địa tại Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ.​

Khảo sát nhanh trên các nền tảng đặt phòng trực tuyến sáng 21/4 cũng cho thấy thị trường lưu trú chưa đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng. Trên Booking.com, số lượng phòng còn trống cho kỳ nghỉ từ 30/4 đến 2/5 vẫn còn khá nhiều: Đà Lạt còn tới 728 chỗ nghỉ, Nha Trang còn 464, Đà Nẵng 521. Trong khi đó, trên Agoda.com, tỷ lệ lấp đầy ở một số điểm đến du lịch trọng điểm vẫn ở mức trung bình thấp: Vũng Tàu đạt 53%, Đà Lạt 59%, Nha Trang 56%, và Đà Nẵng đạt 74%.​

Theo bà Vũ Thanh Tâm, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng “giảm giá tour, khó bán vé” năm nay đến từ bối cảnh kinh tế có nhiều biến động.​

“Tình hình giá cả tăng cao ngay từ đầu năm khiến người dân buộc phải cân nhắc lại các khoản chi không thiết yếu. Giá thực phẩm, sinh hoạt phí… đều leo thang, trong khi đó, thị trường lao động việc làm không ổn định, thu nhập của phần lớn hộ gia đình không tăng tương ứng, dẫn tới xu hướng tiết kiệm và cắt giảm các hoạt động vui chơi – trong đó có du lịch”, bà Tâm phân tích.​

Cùng với yếu tố tài chính, một xu hướng đáng chú ý là du lịch tự túc tiếp tục lên ngôi. TS. Lê Tuấn Anh, chuyên gia nghiên cứu thị trường du lịch (Viện chiến lược du lịch nội địa N.G.O) cho biết, nhiều người - đặc biệt là giới trẻ và các gia đình trẻ có xu hướng du lịch tự túc bằng xe gia đình hoặc phương tiện khác bằng đường bộ.​ “Đặc biệt, kỳ nghỉ năm nay trùng với thời điểm TP Hồ Chí Minh tổ chức diễu binh, diễu hành quy mô lớn kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên lượng khách đổ về thành phố tăng mạnh, và thay vì tour nghỉ dưỡng truyền thống, nhiều người chọn kết hợp tham dự sự kiện với tour di sản, tham quan các điểm đến lịch sử - văn hóa như Dinh Độc Lập, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh…”, ông Tuấn Anh nhận định.​

Theo nhận định của ông Tuấn Anh, hiện tại cũng còn quá sớm để đánh giá về hiệu quả thị trường. Các công ly lữ hành có thể lo lắng nhưng đừng quá bi quan. Chỉ cần nắm bắt đúng xu hướng thì thách thức vẫn là cơ hội. Ví dụ như tour di sản vốn trước đây thường khó bán hiện đang trở thành lựa chọn phổ biến hơn nhờ phù hợp với không khí của dịp lễ lớn và nhu cầu tìm kiếm trải nghiệm ý nghĩa, tiết kiệm chi phí.​

Phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp 2025, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, mặc dù tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn và biến động, nhưng ngành du lịch Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong 3 tháng đầu năm 2025. Theo Cục thống kê, tổng lượt khách quốc tế trong quý I đạt trên 6 triệu lượt, tăng trưởng 29,6% so với cùng kỳ năm 2024. Du lịch nội địa cũng đạt kết quả rất đáng ghi nhận với việc phục vụ 35,5 triệu lượt khách.

Để thực hiện được mục tiêu đón khách quốc tế và nội địa trong năm 2025, Cục trưởng đề nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, gắn với bản sắc văn hóa, lịch sử, ẩm thực, làng nghề và tài nguyên thiên nhiên của từng địa phương. Đồng thời, cần đa dạng hóa loại hình sản phẩm để phục vụ nhiều phân khúc khách như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao mạo hiểm, MICE. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và kinh doanh, chủ động kết nối vào hệ sinh thái du lịch số quốc gia và địa phương, từ đó chia sẻ dữ liệu, tăng khả năng tiếp cận thị trường và phối hợp hiệu quả trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

Thanh Bình