Quảng Ninh: Ứng dụng AI phục vụ quản trị và phát triển bền vững
Ngày 21/4, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị ứng dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quản trị và phát triển bền vững.
Những năm qua, Quảng Ninh là điểm sáng, đi đầu trong công cuộc cải cách hành chính, phát triển hạ tầng công nghệ, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu bước đầu, tỉnh Quảng Ninh cũng đang đứng trước không ít thách thức như: Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao về AI; dữ liệu còn phân tán, thiếu liên thông, đồng bộ; nền tảng hạ tầng dùng chung bắt đầu lạc hậu; chưa hình thành kho dữ liệu lớn tập trung và chưa khai thác hiệu quả tài nguyên dữ liệu trong các lĩnh vực.
Công cụ hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành cũng mới dừng lại việc triển khai được hệ thống chuyển nhận văn bản điện tử tập trung, chưa có hệ thống điều hành thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác quản lý, điều hành, giám sát và ra quyết định.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn khẳng định: Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định dữ liệu là năng lượng mới, như một tài nguyên chiến lược, là yếu tố sản xuất mới (yếu tố thứ 5) và là nguồn lực quan trọng để nâng cao hiệu quả điều hành, quản trị xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), học máy và các công nghệ mới nổi là xu hướng tất yếu, cấp thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.
Hội nghị đã lắng nghe lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp thực tiễn trong việc ứng dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản trị nhà nước, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Thông qua hội nghị này, tỉnh Quảng Ninh mong muốn sớm xây dựng chiến lược dữ liệu hiệu quả, đồng bộ và có tầm nhìn dài hạn để làm cơ sở rà soát, cập nhật chiến lược dữ liệu quốc gia, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng AI trong chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cấp cơ sở và số hóa quy trình, hồ sơ tài liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh Quảng Ninh cũng mong muốn có thể xây dựng hệ sinh thái số bền vững, trong đó dữ liệu và trí tuệ nhân tạo là nền tảng trung tâm, hình thành “bộ não đô thị”, “bộ não số” tỉnh Quảng Ninh. Cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Vũ Đại Thắng yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai mạnh mẽ chương trình “Bình dân học vụ số” để không để ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số. Đây không chỉ là khẩu hiệu, mà là hành động cụ thể, thiết thực để phổ cập hiểu biết về dữ liệu, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo cho mọi cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân nhằm nâng cao dân trí trong kỷ nguyên số.
Nhân dịp này, tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức phát động phong trào "Bình dân học vụ số".