Xin đừng “đầu độc” đồng bào
Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Nghệ An) vừa bắt 4 đối tượng về hành vi sản xuất, tiêu thụ thực phẩm “bẩn”, gây hại cho người tiêu dùng. Tại cơ quan điều tra, nhóm người này khai nhận đã tuồn vào thị trường khoảng 3.500 tấn giá đỗ có tưới “nước kẹo” là hóa chất 6-Benzylaminopurine (BAP) độc hại bị cấm sử dụng cho thực phẩm. Dư luận xã hội vô cùng bức xúc trước hành vi đầu độc cộng đồng của nhóm đối tượng trên, đồng thời đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật cần xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung.
6-BAP là chất kích thích tăng trưởng tế bào cây. Chất này không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm, nhưng vì lợi ích cá nhân trước mắt, một số người vẫn lợi dụng đặc tính sinh học của 6-BAP ngâm giá đỗ để tăng năng suất và tạo mẫu mã đẹp, mà không màng đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.
Các chuyên gia sinh học khẳng định, “nước kẹo” là 6-BAP mà nhóm đối tượng sử dụng để sản xuất giá đỗ là hóa chất độc hại bị cấm, bởi khi tiếp xúc sử dụng có nhiều tác hại đến sức khỏe, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến xơ phổi, thậm chí tử vong. Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn (từ năm 2024 tới thời điểm bị bắt giữ), nhóm đối tượng này đã sản xuất và tung ra thị trường tới 3.500 tấn giá đỗ đã được “tẩm, ướp” 6-BAP. Thử hỏi đã có bao nhiêu người tiêu dùng vô tình bị đưa chất độc vào người từ việc ăn giá đỗ?
Đây không phải là lần đầu tiên có những kẻ vô lương dùng hóa chất độc hại để đầu độc người tiêu dùng. Cách đây chỉ hơn 3 tháng, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Đắk Lắk) cũng đã khởi tố, bắt giam 4 đối tượng với cáo buộc vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Nhóm người này cũng sử dụng chất cấm 6-BAP để sản xuất 2.900 tấn giá đỗ bán ra thị trường, trung bình mỗi ngày khoảng 8-10 tấn. Để tạo lòng tin cho người tiêu dùng, họ in bao bì, nhãn mác với các slogan: “Vì sức khỏe của mọi người”, “không hóa chất”, “không chất kích thích”, “không chất bảo quản”...
Không chỉ có hai nhóm người kể trên dùng hóa chất độc hại sản xuất thực phẩm gây hại cho người tiêu dùng. Thời gian qua, có không ít đối tượng đã không ngần ngại dùng các phụ gia thực phẩm bị cấm để sản xuất, bảo quản thực phẩm, không quan tâm đến sự sống chết của người tiêu dùng. Không chỉ sử dụng hóa chất cấm để sản xuất, bảo quản thực phẩm, một số gian thương còn dùng chất độc hại để tẩy trắng, hoặc “biến hóa” sản phẩm, chẳng hạn như biến thịt lợn thành thịt bò...
Câu hỏi ở đây là vì sao các gian thương lại có thể dễ dàng sở hữu các loại hóa chất độc hại bị cấm sử dụng để sản xuất, bảo quản thực phẩm? Chẳng phải các hóa chất độc hại không thuộc danh mục được phép dùng để sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ bị kiểm soát gắt gao trên thị trường sao? Vâng, về mặt lý thuyết thì đúng là như vậy. Song, trên thực tế, ngoài chợ hay trên mạng xã hội vẫn tràn lan giao bán công khai các loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được cơ quan có thẩm quyền kiểm định.
Dĩ nhiên, có cung ắt có cầu và ngược lại. Vì có thể dễ dàng mua các loại hóa chất trôi nổi trên thị trường với các quảng cáo làm đẹp sản phẩm, tăng năng suất..., cùng với đó là lòng tham không đáy, sự bất lương đã “dẫn dắt” một số người sẵn sàng đầu độc cộng đồng để kiếm lợi. Bỏ một vốn không chỉ có bốn “lời” (lãi - PV) mà có khi đến hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn “lời”, thì có lý gì mà những kẻ vô lương không làm? Lòng tham cộng với sự ích kỷ, tư lợi, hễ thấy “hơi đồng” là mê khiến họ bất chấp tất cả để kiếm tiền.
Vậy nên, bên cạnh việc các cơ quan thực thi pháp luật mạnh tay triệt phá các ổ nhóm sản xuất, tiêu thụ thực phẩm “bẩn”, cần lắm sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, nhất là sự cảnh giác cao độ của người dân để các gian thương không thể, không dám bất chấp lương tâm, coi thường pháp luật để thực hiện các hành vi sản xuất, tiêu thụ thực phẩm “bẩn” gây hại cho người tiêu dùng. Mỗi cá nhân, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ đạo đức kinh doanh để không vô ý hay cố tình đầu độc đồng bào của mình.