Cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi
Việt Nam là đất nước có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi vượt trội, với tổng công suất kỹ thuật có thể khai thác 1068 GW (tính ở độ cao 100m). Đây chính là cơ sở để phát triển ngành công nghiệp điện gió biển quy mô lớn.

Tiềm năng vượt trội
Theo báo cáo đánh giá chi tiết tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam được thực hiện bởi Cục Khí tượng thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam), Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam thì với tổng công suất kỹ thuật có thể khai thác lên tới 1068 GW (tính ở độ cao 100m), Việt Nam có tiềm năng tài nguyên gió ngoài khơi vượt trội trong khu vực Đông Nam Á.
Kết quả khảo sát cho thấy, khu vực biển phía Nam chiếm phần lớn tiềm năng với khoảng 894 GW, còn khu vực phía Bắc là khoảng 174 GW. Mùa gió mạnh nhất diễn ra từ tháng 11 đến tháng 2 hằng năm, trong đó tháng 12 được ghi nhận là thời điểm có công suất gió cao nhất. Đáng chú ý, tại vùng ven bờ có độ sâu nhỏ hơn 30 m, tương ứng với khu vực gần bờ đến 6 hải lý, tổng công suất kỹ thuật ước đạt khoảng 57,8 GW.
Về tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi (toàn vùng đặc quyền kinh tế - EEZ), báo cáo ước tính tổng công suất kỹ thuật có thể khai thác 1068 GW (tính ở độ cao 100m), trong đó công suất vùng biển phía Bắc khoảng 174 GW, phía Nam khoảng 894 GW.
Về tiềm năng ven bờ (đến 6 hải lý), tổng công suất kỹ thuật là 57.8 GW, trong đó có một số tỉnh có tiềm năng ven bờ nổi bật là khu vực Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tổng tiềm năng ven bờ (trên 16 GW); khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận có tổng cộng trên 24 GW, tập trung tại vùng ven các huyện Ninh Phước, Tuy Phong; Quảng Trị - Thừa Thiên Huế có tiềm năng nhỏ hơn nhưng ổn định về tốc độ gió vào mùa đông; riêng Đồng bằng Bắc bộ chỉ đạt 0.17 GW, chủ yếu do vùng nước cạn, quy hoạch hạn chế và giao cắt vùng bảo tồn.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng tích hợp đánh giá tác động của các hiện tượng khí tượng cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, sóng cao và gió giật mạnh tới kết cấu và độ an toàn của hệ thống tuabin gió. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và cường độ của các hình thái thời tiết nguy hiểm tại Biển Đông. Báo cáo nhấn mạnh, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống trạm quan trắc gió, đặc biệt là các trạm ngoài khơi với độ cao đo gió từ 100m trở lên. Đồng thời, cần tiến hành các nghiên cứu bổ sung về những nguồn năng lượng biển khác như sóng biển, thủy triều, dòng hải lưu và chênh lệch nhiệt độ giữa các lớp nước.
Lựa chọn vùng ưu tiên và thu hút đầu tư
Theo ông Hoàng Đức Cường - Phó cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn, báo cáo cũng đánh giá các rủi ro khí tượng hải văn như bão, gió mạnh, sóng lớn và dòng chảy có thể ảnh hưởng đến tính ổn định và an toàn của các dự án điện gió ngoài khơi. Từ đó, giúp hình thành bản đồ vùng rủi ro, đồng thời định hướng các khu vực nên và không nên phát triển. Báo cáo cũng tích hợp phân tích rủi ro thiên tai có thể ảnh hưởng đến phát triển điện gió ngoài khơi. Cụ thể, bão và áp thấp nhiệt đới tập trung nhiều nhất ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ gây rủi ro đến kết cấu và an toàn tuabin, đặc biệt vào các tháng 8 - 10; gió mạnh cực đoan và sóng cao thường xảy ra vào mùa Đông Bắc có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận, bảo trì hệ thống điện gió. Với dòng chảy và triều cường cần đánh giá cụ thể tại từng vị trí lắp đặt để đảm bảo ổn định chân đế và thiết kế phù hợp.
Theo giới chuyên gia môi trường, điều đáng chú ý là việc đưa ra các bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai theo mùa và khuyến nghị các vùng nên và không nên ưu tiên phát triển dựa trên mức độ ảnh hưởng. Đây là điểm mới quan trọng của báo cáo, giúp đảm bảo tính khả thi, an toàn và hiệu quả kinh tế trong phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.
Báo cáo này cũng sẽ là nền tảng khoa học quan trọng giúp hoạch định chính sách, lựa chọn vùng ưu tiên, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện gió ngoài khơi trong tương lai.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để hiện thực hóa được tiềm năng hơn 1.000 GW điện gió ngoài khơi, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng cơ chế đấu thầu minh bạch, đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nhân lực để có thể đáp ứng yêu cầu triển khai các dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Và đây không chỉ là cơ hội để đảm bảo an ninh năng lượng trong dài hạn, mà còn là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và nâng cao vị thế quốc gia trên bản đồ năng lượng tái tạo toàn cầu.