Văn hóa

Khi sách được “review” trên mạng xã hội

Phạm Sỹ 22/04/2025 10:45

Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá sách, các cộng đồng đọc sách trực tuyến đang từng bước góp phần định hình lại văn hóa đọc theo hướng mở, linh hoạt và gần gũi hơn với lối sống hiện đại. Đây có thể nói là những cách làm hiệu quả để sách chạm đến cảm xúc người đọc một cách nhanh và hiệu quả.

bai chinh - anh chinh
Nhiều đầu sách được giới thiệu trên nền tảng TikTok. Ảnh chụp màn hình.

Những “mảnh đất màu mỡ” của văn hóa đọc

Mạng xã hội đã chứng kiến sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của nhiều hội nhóm, tài khoản cá nhân chuyên chia sẻ nội dung về sách. Các nền tảng như Facebook, TikTok hay Instagram… dần trở thành không gian trao đổi tri thức sôi nổi, nơi người đọc không chỉ tìm kiếm sách hay mà còn thảo luận nội dung, chia sẻ cảm nhận và truyền cảm hứng đọc.

Nhiều hội nhóm, tài khoản cá nhân và chiến dịch đọc sách trên mạng xã hội đang tạo ra sức ảnh hưởng tích cực, không chỉ giới thiệu sách mà còn cổ vũ việc đọc như một lối sống. Qua các hình thức chia sẻ cảm nhận, đánh giá sách, thử thách đọc theo tháng, những người trẻ có thêm động lực duy trì thói quen đọc, đồng thời hình thành tư duy phản biện và khả năng diễn đạt.

Có thể kể đến nhóm “Review sách có tâm” trên Facebook thu hút hơn 73.000 thành viên hoạt động thường xuyên. Tại đây, mỗi bài đăng không chỉ là lời giới thiệu sách, mà còn là những phân tích nội dung sâu sắc, nhận định về phong cách viết và giá trị tư tưởng của tác phẩm.

Nhiều bạn trẻ cho biết họ tìm được những cuốn sách phù hợp thông qua cộng đồng này, đồng thời học được cách diễn đạt và phản biện qua việc viết đánh giá.

Cộng đồng "Review sách có tâm” được thành lập với mục đích trở thành điểm hẹn của những người yêu sách – nơi chia sẻ kinh nghiệm đọc, cảm nhận nội dung, thông điệp, trích dẫn ý nghĩa cũng như đánh giá về hình thức trình bày của các cuốn sách. Thông qua những bài “review” sâu sắc và chân thực, cộng đồng không chỉ giúp người đọc tiết kiệm thời gian mà còn mang đến cái nhìn tổng quan trước khi lựa chọn sách.

Ngoài ra một số tài khoản với hàng chục nghìn lượt người theo dõi liên tục “review” sách bằng các video ngắn. Nội dung được trình bày ngắn gọn, sinh động, giúp người xem nhanh chóng nắm bắt được tinh thần chính của tác phẩm. Ngoài ra, các kênh này còn triển khai nhiều thử thách đọc sách theo tuần hoặc theo tháng, tạo động lực duy trì thói quen đọc đều đặn trong cộng đồng người theo dõi.

Không nằm ngoài xu hướng, Instagram cũng đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho văn hóa đọc, nhờ cách truyền tải nội dung sách sáng tạo và gần gũi. Các tài khoản với hàng chục nghìn người theo dõi thường chia sẻ những bức ảnh sách được chăm chút về bố cục, ánh sáng và màu sắc, đi kèm những dòng cảm nhận súc tích.

Cùng với đó là việc tổ chức các chuyên mục như “Sách cho cuối tuần”, “Mỗi tuần một trích dẫn” hay “Góc đọc chill” – tạo nên một không gian thư giãn, truyền cảm hứng đọc sách đến đông đảo bạn trẻ trên nền tảng này.

Các chiến dịch như "Đọc sách cùng con 21 ngày" trên Facebook hay series "Mỗi tuần một cuốn" trên YouTube vừa giới thiệu sách, vừa tạo cơ hội để người đọc kể lại cảm nhận cá nhân, chia sẻ góc nhìn riêng. Những điều đó chạm vào cảm xúc và tạo động lực đọc rất tự nhiên.

Nhìn nhận về vấn đề này, nhà thơ Lữ Mai cho rằng, mạng xã hội vừa là thách thức cũng đồng thời là cơ hội đối với thói quen đọc sách ở giới trẻ. Có thể nói, mạng xã hội đang tạo nên những cộng đồng đọc rất sống động - nơi các bạn trẻ chia sẻ cảm nhận, giới thiệu sách hay, thậm chí truyền cảm hứng cho nhau bắt đầu một cuốn sách chỉ với một dòng trích dẫn đẹp hay một bài “review” chạm đến cảm xúc.

“Có nhiều bạn trẻ vốn không phải là người ham đọc sách, nhưng nhờ xem một video ngắn kể chuyện sách trên TikTok hay YouTube Shorts, các bạn lại tò mò và tìm đọc thử. Và từ một cuốn sách ban đầu, các bạn tiếp tục hành trình tìm hiểu, khám phá sâu hơn. Mạng xã hội vì thế giống như một nhịp cầu đưa sách đến gần người trẻ, đúng lúc, đúng cách, bằng ngôn ngữ của chính họ”, nhà thơ Lữ Mai chia sẻ.

bai chinh anh nho
TikTok mang đến nhiều hoạt động thiết thực nhằm góp phần lan tỏa văn hóa đọc.

Hiệu ứng tích cực từ cộng đồng trực tuyến

Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá sách, các cộng đồng đọc sách trực tuyến đang từng bước góp phần định hình lại văn hóa đọc theo hướng mở, linh hoạt và gần gũi hơn với lối sống hiện đại.

TS Phạm Việt Long - Chủ tịch Hội đồng quản lý Nhà xuất bản Dân trí cho rằng, mạng xã hội hiện nay đang trở thành một kênh trung gian quan trọng góp phần khơi gợi và nuôi dưỡng thói quen đọc sách ở giới trẻ. Dù không thay thế được việc đọc chuyên sâu, nhưng mạng xã hội có khả năng tạo ra "điểm chạm" đầu tiên với sách – thông qua những trích dẫn truyền cảm hứng, các bài viết giới thiệu sách, video tóm tắt nội dung hay những câu chuyện gắn với việc đọc.

Từ một post ngắn trên Facebook hay TikTok, người trẻ có thể được khơi gợi sự tò mò, từ đó tìm đến bản đầy đủ của tác phẩm.

“Để mạng xã hội thực sự trở thành động lực thúc đẩy văn hóa đọc, trước hết cần có sự chung tay từ nhiều phía. Các cá nhân có ảnh hưởng (influencers), nhà giáo dục, tác giả, nhà xuất bản… cần chủ động sử dụng nền tảng số để giới thiệu sách theo cách hấp dẫn, sáng tạo, phù hợp với ngôn ngữ và thói quen tiếp nhận của giới trẻ” - ông Long nhấn mạnh.

Cũng theo ông Long, cần tổ chức các chiến dịch đọc sách trực tuyến, cuộc thi chia sẻ cảm nhận sách hay các nhóm đọc tương tác để tạo cộng đồng lan tỏa. Chính sách hỗ trợ từ nhà nước như đầu tư cho các nền tảng số chuyên về sách, khuyến khích xuất bản điện tử, đưa hoạt động đọc sách vào trường học cũng đóng vai trò then chốt.

Còn theo nhà thơ Lữ Mai, muốn khuyến khích đọc sách qua mạng xã hội, cần làm cho sách hiện diện một cách đời thường hơn trong cuộc sống số. Điều đó có nghĩa là đừng đặt sách lên quá cao, mà hãy để sách bước vào các cuộc trò chuyện hàng ngày, các câu chuyện cá nhân, những trăn trở, niềm vui… mà ai cũng có thể thấy mình trong đó. Khi đó, một cuốn sách sẽ không chỉ là kiến thức, mà là một người bạn đồng hành.

“Chúng ta có thể bắt đầu từ những hoạt động giản dị nhưng có sức lan tỏa như: Thử thách "mỗi ngày một đoạn sách", video ngắn kể lại ấn tượng sau khi đọc, câu lạc bộ đọc online. Nếu mỗi người cùng đóng góp, văn hóa đọc sẽ không còn là điều lớn lao xa vời mà sẽ trở thành thói quen tự nhiên và là điều đẹp đẽ chúng ta truyền cho nhau mỗi ngày”, nhà thơ Lữ Mai chia sẻ.

Nhiều người vẫn lo văn hóa đọc đang ngày càng mai một, nhưng ý kiến một số chuyên gia lại cho rằng, văn hóa đọc không mai một, không biến mất, mà đang dịch chuyển từ hình thái này sang hình thái khác, quan trọng là chúng ta nắm bắt và chuyển tải đến người đọc thế nào cho hiệu quả?

TS Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cho rằng, trong thời kỳ đẩy mạnh chuyển đổi số, AI sẽ tạo ra cho bạn đọc nhiều cơ hội nhưng hơn ai hết, người đọc cũng phải tự trang bị cho mình những hiểu biết để có thể làm chủ được trí tuệ nhân tạo (AI) để tiếp cận, chọn lựa và sử dụng thông tin một cách hiệu quả. Thói quen đọc phải gắn liền với kỹ năng đọc, phương pháp đọc và những kiến thức nền tảng mới có thể giúp các bạn trẻ trở thành những người đọc thông minh.

Phạm Sỹ